Cảng Vân Phong sẽ gỡ “gánh nặng” cho Vinalines
Vinalines đang rốt ráo hoàn tất các thủ tục chuyển giao Dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong để dồn lực cho các mục tiêu tái cơ cấu khác.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) liên quan đến việc, 6 tháng nữa nhà đầu tư này sẽ bị Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) rút giấy phép đầu tư Dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Lãng phí lớn nhất là làm lỡ cơ hội phát triển của cảng Vân Phong.
|
“Vinalines đang đàm phán với nhà thầu SK (Hàn Quốc) thi công Gói thầu 6b1, để có thể thanh lý hợp đồng có giá trị khoảng 52,62 triệu USD”, ông Huệ cho biết.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2013, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã có văn bản gửi Vinalines, thông báo việc rút giấy phép đầu tư Dự án, do chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ như cam kết.
Sau khi phía Vinalines giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án này, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ ra quyết định thu hồi.
Tháng 4/2013, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng đã có văn bản số 3261/BGTVT – CQLXD yêu cầu Vinalines nhanh chóng chuyển giao Dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong về Cục Hàng hải Việt Nam. Cục Hàng hải Việt Nam sẽ thay thế Vinalines tìm kiếm các nguồn vốn hợp pháp để tái khởi động việc xây dựng cảng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Việt Nam, lãng phí lớn nhất từ việc dừng Dự án chính là việc, Vân Phong khó có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế ít nhất trong 15 - 20 năm nữa.
Trước đó, thời hạn hoàn thành 2 bến khởi động Dự án Cảng Vân Phong có khả năng đón tàu container 9.000 TEU được ấn định là tháng 11/2010. Tuy nhiên, giữa tháng 10/2011, khi chủ đầu tư Dự án vẫn còn loay hoay cân nhắc việc có nên điều chỉnh thiết kế cầu cảng để có thể đón được tàu 12.000 - 15.000 TEU hay không, thì Vân Phong đã đánh mất vị thế là cảng trung chuyển duy nhất ở Việt Nam.
Theo ông Ứng, hiện cả 3 cảng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực Cái Mép - Thị Vải đã đón được tàu mẹ trên 11.000 TEU, nên hàng hóa xuất khẩu của toàn khu vực động lực kinh tế phía Nam có thể đi thẳng tới châu Âu và Bắc Mỹ mà không cần phải trung chuyển tại bất kỳ cảng nào khác.
Điều đáng nói là, Vinalines đã không thực hiện tốt việc kéo các tập đoàn vận tải biển lớn trên thế giới tham gia đầu tư, khai thác cảng. Trong khi đó, đây là một yếu tố mấu chốt để cảng biển này hút hàng container trung chuyển của khu vực, hình thành các tuyến vận tải container trên các tuyến biển xa.
Liên quan tới số phận của Cảng Vân Phong thời kỳ “hậu Vinalines”, mới đây, Bộ GTVT đã có Quyết định số 390/QĐ – BGTVT tiến hành rà soát, cập nhật Quy hoạch chi tiết Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Tuy nhiên, theo ông Ứng, việc có tiếp tục phát triển cảng này trở thành một cảng nước sâu hay không, sẽ phụ thuộc vào định hướng phát triển và nhu cầu thực tế của Khu kinh tế Vân Phong.
“Việc kỳ vọng các chân hàng lớn từ Lào và Thái Lan cho cảng nước sâu Vân Phong không có tính khả thi”, ông Ứng đánh giá.
Anh Minh
đầu tư
|