Bị truy thu thuế, Công ty xăng dầu đầu mối kêu... “kẹt“ tiền
CTCP Lọc hóa Dầu Nam Việt bị Hải quan TPHCM truy thu 26 tỷ đồng thuế nhập khẩu liên quan đến hoạt động tạm nhập không tái xuất xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp làm đơn gửi đến tận Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng truy thu, một trong các lý do là “không đủ tiền”.
Một cửa hàng Nam Việt Oil tại Cần Thơ.
|
Nguồn tin cho hay, công ty xăng dầu đầu mối này than rằng nhiều năm gần đây hoạt động của các đơn vị đầu mối xăng dầu đều bị lỗ nên ngân hàng kiểm soát doàng tiền của doanh nghiệp rất chặt chẽ. Trong khi, đặc thù của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là yêu cầu vốn lưu động lớn, phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay ngắn hạng của ngân hàng. Thêm vào đó, tình hình sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, vì vậy doanh nghiệp không đủ tiền để nộp bổ sung khoản thuế như yêu cầu của cơ quan Hải quan.
Thậm chí, khả năng phá sản đã được nhắc đến khi Nam Việt Oil “trình bày hoàn cảnh”. Theo đó, việc yêu cầu truy thu khoản thuế trên đã tác động lớn đến tình hình tín dụng và tài chính của doanh nghiệp. Các ngân hàng đã hạn chế giải ngân các hợp đồng vay vốn dẫn đến tình hình kinh doanh bị đình trệ. Công ty có nguy cơ không thực hiện được các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu và không bảo đảm nguồn hàng cho sản xuất kinh doanh. Trong khi công ty cổ phần không thể tăng thêm vốn, nên dễ dẫn đến phá sản.
Từ lâu, trong con mắt công chúng nói chung, các doanh nghiệp đầu mối vẫn được coi là các “đại gia” lắm tiền nhiều của. Tuy nhiên với việc bị truy thu 26 tỷ đồng tiền thuế mà một doanh nghiệp đầu mối như Nam Việt đã bị đặt trước áp lực phá sản như thế, cho thấy khó khăn rõ ràng là không chừa một ai.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, dư luận cũng được chứng kiến câu chuyện Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh vội vàng đính chính sau người phát ngôn của Hiệp hội nói rằng “các đầu mối kinh doanh xăng dầu đang kinh doanh có lãi”. Theo đính chính của ông Khanh, đó là do sơ suất của người lấy số liệu và cung cấp số liệu, thực chất các doanh nghiệp đầu mối đang bị lỗ.
Công văn gây tranh cãi
Việc truy thu thuế xăng dầu không tạm nhập tái xuất hết chuyển vào nội địa của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được thực hiện theo công văn số 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính.
Công văn này yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục hải quan thực hiện kiểm tra thực tế và giải quyết việc chuyển từ tạm nhập tái xuất xăng dầu sang tiêu thụ nội địa phải đảm bảo đúng, đủ điều kiện theo qui định của văn bản pháp luật nhà nước về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phải thay tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng, nội dung công văn này như vậy là “không phù hợp” với Nghị định 154 và Thông tư số 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Ngay cả trong trường hợp, nội dung của Công văn số 17060/BTC-VP là hợp lệ thì nó chỉ có giá trị thi hành từ ngày 07/12/2012 chứ không được phép qui định hồi tố và vì thế việc truy thu thuế là “chưa thực sự mang tính pháp lý”.
Mặc dù vậy, phía Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm. Trung tuần tháng 5, Hải quan TP HCM ra quyết định về việc xác định lại thời điểm tính thuế đối với 4 tờ khai tạm nhập của Nam Việt Oil và truy thu thuế với số tiền 26,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp này “cầu cứu” Chính phủ. Cuối tháng 5 Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trả lời nhưng đến đầu tháng 6, Tổng cục Hải quan vẫn yêu cầu Nam Việt Oil chấp hành nộp số thuế nói trên.
Không riêng gì Nam Việt Oil mà nhiều công ty xăng dầu đầu mối khác cũng từng “kiến nghị” về việc truy thu này với tổng số nợ thuế có thể lên tới 300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được cho là đã “tận dụng” quy định về việc tạm nhập tái xuất và thời gian ân hạn cho một lô hàng lên đến 180 ngày, đồng thời được ân hạn thuế đến 195 ngày, để tạm nhập lúc thời điểm thuế nhập khẩu thấp chuyển sang tiêu thụ nội địa thời điểm thuế nhập khẩu cao hưởng chênh lệch.
Tùng Sơn
pháp luật vn
|