Thứ Hai, 24/06/2013 14:16

Cắt điện không báo trước phạt 8-10 triệu đồng: Ai sẽ chịu phạt?

Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo về Nghị định xử phạt trong lĩnh vực điện lực. Theo đó, ngành điện sẽ bị phạt tới cả trăm triệu đồng nếu vi phạm trong việc cung cấp điện cho người tiêu dùng hoặc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các mức phạt được đưa ra trong dự thảo có nhiều điểm thiếu tính hợp lý, nhất là đối với hành vi cắt điện không báo trước của nhà đèn.

Không khắc phục sự cố kịp thời, nhà đèn cũng sẽ bị phạt

Ngành điện bị "soi”

Theo dự thảo của Bộ Công thương, sẽ xử phạt 1 - 5 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở nhiệm vụ sửa chữa, thi công công trình điện. Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng nếu gây hư hại, tự ý di chuyển, làm sai lệch hệ thống đo đếm điện. Và để quyền lợi người tiêu dùng điện được đảm bảo, dự thảo Nghị định đã đưa ra đề xuất phạt đơn vị phân phối điện 6 – 8 triệu đồng nếu không kịp thời kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị trong khoảng thời gian 3 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của bên mua. Đặc biệt, nếu cắt điện mà không thông báo trước, đơn vị phân phối sẽ bị phạt 8 – 10 triệu đồng. Đối với trường hợp không khắc phục sự cố kịp thời để mất điện quá 2 tiếng, nhà đèn sẽ phải chịu mức phạt từ 6 – 8 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất mức phạt 100 triệu đồng đối với những hành vi cố ý không loại bỏ các tổ máy điện lạc hậu, hiệu suất thấp và 160 – 200 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải kém chất lượng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, như tịch thu phương tiện, thiết bị vi phạm, tước giấy phép có thời hạn, bồi thường thiệt hại…

Nhận định về tính thời điểm dự thảo Nghị định xử phạt lĩnh vực điện lực được Bộ Công thương đưa ra, không ít ý kiến cho rằng, dường như chỉ mang tính chất "xoa dịu” dư luận, bởi thời gian qua, người ta không còn lạ gì vì những "tiếng tăm” mà ngành điện để lại với chất lượng phục vụ, cách điều hành, và cả những bất cập, mù mờ thông tin trong cơ chế điều chỉnh giá điện của ngành này.

Gần đây, liên tục những sự cố liên quan đến ngành điện đã được phơi bày từ Bắc chí Nam. Nổi cộm nhất là sự cố mất điện toàn miền Nam xảy ra hôm 22-5 vừa qua. Sự cố này đã gây thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, nhưng việc đền bù thiệt hại cho khách hàng sử dụng điện vẫn đang bị bỏ ngỏ.Mới nhất, ngày 16-6 vừa qua, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) cũng đột ngột mất điện. Sự việc này đã khiến hãng hàng không Vietnam Airlines bị chậm 12 chuyến bay với hơn 1.000 hành khách ảnh hưởng.

Phạt ai?

Những thiệt hại mà nhà đèn gây ra cho DN, người tiêu dùng từ trước đến nay đã quá rõ. Bởi vậy, điều dư luận quan tâm ở dự thảo lần này đó là mức xử phạt mà Bộ Công thương đưa ra là 8 – 10 triệu đồng là quá nhỏ so với những thất thoát mà nhà đèn gây ra nếu vi phạm việc cắt điện không báo trước.

Đó còn chưa kể, những tổn thất mà ngành điện gây ra khi chất lượng cung ứng điện không đạt tiêu chuẩn đối với khách hàng sử dụng điện. Đơn cử như, tình trạng chất lượng điện yếu, không đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân, thì ngành điện phải chịu trách nhiệm thế nào?

Một chuyên gia ngành điện cho rằng, hệ thống điện của Việt Nam rất có vấn đề. Thiết bị đo điện vào những giờ cao điểm không bao giờ đủ 220V, chất lượng điện cung ứng kém, gây hỏng thiết bị điện, ai chịu cho người dân? Tình trạng này đã và đang diễn ra nhiều năm nay ở thôn Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) nhưng nhà đèn vẫn không lên tiếng, và không có ai đứng ra nhận trách nhiệm. Cụ thể, theo phản ánh của nhiều người dân ở đây, từ hàng bao nhiêu năm nay chịu cảnh điện yếu, thậm chí vào đầu giờ sáng, trưa và chiều tối, điện lờ mờ không sáng nổi bóng đèn compac 15W. Với tình trạng điện như ở khu vực này, các chuyên gia cho rằng, kể cả sử dụng các thiết bị điện tốt, chẳng mấy chốc cũng sẽ hỏng.

Với những bất cập trong ngành điện hiện nay, những chế tài đã và đang được đưa ra trong dự thảo để "thiết quân luật” với ngành này sẽ chẳng "thấm vào đâu” so với những gì mà nhà đèn đã và đang gây ra cho khách hàng. Và rồi cũng lại xảy ra tình trạng, đề xuất là vậy, song khi thực hiện liệu có nghiêm túc hay không, và kể cả việc xử phạt ai? Trách nhiệm thế nào?

Duy Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi” (24/06/2013)

>   Công trình triệu đô hoang phế ở tỉnh nghèo (24/06/2013)

>   Dẹp loạn giá ở sân bay (24/06/2013)

>   Thành lập 2 PMU thuộc Tổng cục Đường bộ tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng (23/06/2013)

>   Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt TP.HCM trong tháng 7 (23/06/2013)

>   Sàn giao dịch giao thông vận tải: Cái nhìn đa chiều (23/06/2013)

>   Mặt tiền nhà không quá ba màu: Cân nhắc khi áp dụng đại trà (23/06/2013)

>   Nợ hàng trăm triệu tiền thuế, vẫn trúng thầu dự án 500 tỉ? (22/06/2013)

>   Tranh luận nóng Việt Nam nhận tiền lẻ của Samsung (22/06/2013)

>   Nhật ký nghị trường: Phóng viên Quốc hội (21/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật