30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà: Không dễ vay!
Ngày 3-6, ngày đầu tiên gói cho vay hỗ trợ lãi suất 6% cho người mua nhà có hiệu lực (do ngày 1 và 2-6 rơi vào ngày nghỉ), nhiều người dân đã khá thất vọng khi hầu hết các ngân hàng đều chưa triển khai.
Trong năm ngân hàng (NH) tham gia cho vay gói hỗ trợ này (BIDV, Vietcombank (VCB), Agribank, Vietinbank (CTG) và MHB), chỉ mới có vài NH hướng dẫn thủ tục cho các chi nhánh. Đặc biệt, thủ tục cho vay theo chương trình này cũng ngặt nghèo hơn cho vay thông thường.
Trả nợ trước hạn sẽ bị phạt?
Trong vai người có nhu cầu vay vốn ưu đãi 6%/năm để mua nhà, chúng tôi đến tìm hiểu thủ tục tại MHB và được nhân viên NH này cho biết chỉ có thể phổ biến những điều kiện... chung chung do chương trình còn quá mới, đồng thời xin số điện thoại để liên lạc sau. Tương tự, tại Agribank chi nhánh Sài Gòn, nhân viên tín dụng cho biết chưa nhận được bất kỳ văn bản hướng dẫn nào từ hội sở nên chưa thể thông tin đến khách hàng, dù buổi chiều 3-6, trên website NH Nhà nước đã công bố kế hoạch triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà.
Tại Vietcombank, chúng tôi được nhân viên NH này cho biết đã nhận được hướng dẫn nhưng điều kiện cho vay “gắt gao” hơn so với cho vay thông thường. Cụ thể, nếu người vay ưu đãi trả nợ trước hạn sẽ bị phạt 2% trên số tiền trả nợ, trong khi cho vay thông thường không áp dụng phạt với trường hợp này. Cũng theo quy định, người vay phải có thu nhập thấp hơn 9 triệu đồng/tháng và chưa có nhà ở hoặc nhà quá chật chội, có xác nhận của chính quyền địa phương và phải ghi rõ chỉ xác nhận một bản duy nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian và hạn mức cho vay tại mỗi NH cũng khác nhau. BIDV và Vietcombank cho vay tối đa 15 năm nhưng thời gian vay thực tế sẽ do NH quyết định dựa trên thu nhập của người vay, còn MHB chỉ cho vay tối đa 10 năm. Hạn mức cho vay tối đa của BIDV và Vietcombank là 80% giá trị bất động sản, còn tại MHB cho vay tối đa lên đến 90% giá trị. Các NH đều quy định người vay có thể thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc bất động sản khác, nhưng chỉ chấp nhận nếu căn nhà đó của cha mẹ ruột người vay và ở tại TP.HCM.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân băn khoăn về quy định chỉ được vay ưu đãi mua nhà nếu có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở xuống, do khó đảm bảo việc trả nợ vay. “Tới đây sẽ có nhiều người thuộc đối tượng được vay vốn nhưng sẽ bị NH từ chối vì thu nhập không đủ trả nợ. Ngược lại, người đủ điều kiện về thu nhập thì không thuộc đối tượng được vay vốn theo chương trình này” - chị Vy (Q.Phú Nhuận), một người đang có nhu cầu vay mua nhà, bức xúc.
Nguy cơ ôm hợp đồng nhưng không được vay ưu đãi
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng quy định ký hợp đồng rồi mới đưa hồ sơ cho NH xét duyệt có được vay vốn hay không là chưa hợp lý. Ông Nguyễn Thanh Minh (Q.Bình Thạnh) bày tỏ băn khoăn rằng nếu sau khi ký hợp đồng mua nhà nhưng hồ sơ xin vay vốn ưu đãi không được NH xét duyệt, người dân chẳng biết phải xoay xở nguồn vốn ở đâu để trả tiền mua nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về thắc mắc này, ông Nguyễn Viết Mạnh, vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước), cho rằng người dân phải tính toán khả năng tài chính trước khi đi vay để mua nhà. Để được vay vốn hỗ trợ khi mua nhà xã hội, theo ông Mạnh, người mua nhà phải thuyết phục, phải chứng minh được với NH về phương án trả nợ như thế nào. Vì đây là vốn tín dụng chứ không phải là ngân sách nên vay sẽ phải hoàn trả tiền vay và cả tiền lãi vay.
Còn nếu phải đi vay số tiền quá lớn so với khả năng tài chính của mình, trong khi khả năng trả nợ cũng không rõ ràng thì đây sẽ là rủi ro cho chính người mua nhà. “NH Nhà nước sẽ theo dõi khoản vay này thông qua sổ sách giấy tờ, hệ thống tài khoản của NH với khách vay. Do đó, sẽ không có chuyện tiền được sử dụng không đúng mục đích. Như vậy, có thể nói không chỉ là cơ quan quản lý mà từ cơ quan, tổ chức đến chính quyền địa phương sẽ giám sát chính sách này” - ông Mạnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc NH Nhà nước, cho rằng trả lời như vậy là chưa thỏa đáng. Vì các cơ quan phải phối hợp với nhau hết sức chặt chẽ khi xây dựng chính sách thì khi triển khai quy định mới đi vào cuộc sống. Còn đưa ra chính sách mà đẩy rủi ro cho người dân thì không thể được. Ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng NH Nhà nước cần phải giải ngân trước khoản cấp bù lãi suất cho các khoản vay mới đảm bảo các NH cho vay thông suốt được.
* Ông Nguyễn Trần Nam (thứ trưởng Bộ Xây dựng):
Giám sát chặt quá trình vay vốn và mua bán căn hộ
* Theo quy định, người dân phải có hợp đồng mua nhà mới được vay tín dụng ưu đãi. Nếu người dân đã ký hợp đồng rồi nhưng vì một lý do nào đó hồ sơ không được ngân hàng duyệt thì xử lý như thế nào?
- Việc ký hợp đồng mua nhà với doanh nghiệp chỉ mới là điều kiện cần để được vay vốn, điều kiện đủ là phải đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng, như phải có công ăn việc làm ổn định, có mức thu nhập trả được nợ vay... Ngân hàng đã cho vay tiền thì phải tìm cách thu hồi chứ.
* Như vậy, bản thân người vay vốn phải tự đánh giá năng lực hồ sơ của chính mình trước để biết có khả thi trong việc được chấp thuận vay vốn hay không?
- Không phải người dân nào cũng am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, do đó Bộ Xây dựng khuyến khích chủ đầu tư làm cầu nối trung gian, giúp người dân làm thủ tục với ngân hàng sau khi ký hợp đồng. Chủ đầu tư sẽ có bộ phận chuyên trách tập hợp hồ sơ, hướng dẫn người dân làm thủ tục với ngân hàng. Khi ngân hàng chấp nhận hồ sơ của khách hàng, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản chủ đầu tư chứ không chuyển cho người mua nhà.
Thậm chí trong một số trường hợp, tiền vay mua nhà mà khách hàng thanh toán cho chủ đầu tư sẽ được ngân hàng chuyển trực tiếp cho nhà cung cấp vật liệu hoặc nhà thầu để đảm bảo tiến độ. Với cách làm này, tiền cho vay của ngân hàng đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đề phòng việc chủ đầu tư sử dụng tiền đó vào mục đích khác.
Lâm Hoài thực hiện
|
A.Hồng - L.Thanh
tuổi trẻ
|