Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chiếc phao của Ngân hàng
Tiếp cận vốn chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (S.M.E). Trước đây, không ít ngân hàng lảng tránh hồ sơ tín dụng của nhóm khách hàng này vì sợ những rủi ro như không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính không rõ ràng và khó đảm bảo về dòng tiền.
Nhưng có vẻ như ngày nay đã khác. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ, các dự án lớn trì trệ, nhiều ngân hàng đang nhòm ngó trở lại phân khúc S.M.E. Trong bài phỏng vấn với NCĐT gần đây, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank, thừa nhận ngân hàng này đang mở rộng hoạt động sang cho vay các S.M.E, lĩnh vực mà trước đây ông chưa hề chú trọng.
Khi Eximbank quay trở lại, thị trường này đã được các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ “chiếm giữ”. Chẳng hạn, Ngân hàng An Bình (ABBank) hiện có hơn 90% lượng khách hàng là doanh nghiệp S.M.E. Giữa năm 2012, ngân hàng này đưa Trung tâm Hỗ trợ S.M.E vào hoạt động. Đến hết năm 2012, tổng mức tín dụng trung tâm này cung cấp là 200 tỉ đồng cho hơn 300 khách hàng, theo báo cáo thường niên của ABBank.
Một trường hợp khác là Ngân hàng Tiết kiệm Bưu Điện Liên Việt. Thừa hưởng hệ thống phân phối của Công ty Tiết kệm Bưu điện, ngân hàng này đang khai thác một thị trường rộng khắp cả nước với phần lớn các khoản vay có giá trị nhỏ. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 40%.
Có một điểm chung giữa ABBank và Liên Việt Postbank là cả hai đều nhận được sự tài trợ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới. Ở Việt Nam, ngoài 2 ngân hàng kể trên, còn có ngân hàng ACB, Đông Á, Eximbank, Sacombank, VIB,… là tham gia hợp tác với IFC. Trong năm tài chính 2012, số vốn IFC đổ vào Việt Nam là hơn 1 tỉ USD, xếp thứ 10 trong danh mục cho vay toàn cầu của IFC.
Sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn nhỏ ở phân khúc S.M.E cho thấy lĩnh vực này tuy nhỏ nhưng rất hấp dẫn. Tại sao lại như vậy?
Trước hết là vì lợi thế tiếp cận dòng vốn giá rẻ từ các định chế tài chính quốc tế. Đặc thù hoạt động của các S.M.E cho thấy dòng vốn luân chuyển, các khoản vay và ký thác đa số đều là ngắn hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay nhiều vào nhóm S.M.E cũng là các ngân hàng nhỏ và thường xuyên “đói vốn”. Còn những ngân hàng dồi dào vốn lại ưa thích các dự án lớn hơn. Do đó, các định chế tài chính quốc tế thường phải tài trợ vốn cho các hoạt động liên quan đến S.M..E.
Dòng vốn này có giá rẻ hơn nhiều so với vốn huy động trên thị trường. Báo cáo thường niên 2012 của Sacombank cho thấy, ngân hàng này vay 271 tỉ đồng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mức lãi suất chỉ bằng lãi suất LIBOR để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, chi phí huy động vốn ở thị trường trong nước cao hơn và biến động mạnh hơn. Trong giai đoạn 2011-2012, lãi suất huy động niêm yết luôn ở mức trần 14%/năm, thậm chí có lúc lên đến 18%/năm. Đó là chưa kể, để huy động thêm được một đồng, ngân hàng phải chịu thêm các chi phí cố định khác như lương nhân viên, chăm sóc và duy trì tài khoản khách hàng.
Điểm hấp dẫn thứ hai cho khu vực dịch vụ ngân hàng S.M.E là chỉ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) ở dịch vụ này cao hơn so với mức trung bình của các dịch vụ khác. Theo cuộc khảo sát “Các phương thức dịch vụ ngân hàng S.M.E tại OECD và các thị trường mới nổi” của IFC năm 2007, khả năng sinh lời từ các dịch vụ đối với S.M.E cao hơn so với mức trung bình toàn bộ các hoạt động ngân hàng.
Không cung cấp số liệu chính xác nhưng đại diện ABBank cho biết hiệu quả trả nợ của các S.M.E là khá tốt. Do các khoản cho vay đối với S.M.E thường có giá trị nhỏ, số lượng khách hàng lớn nên đứng ở góc độ phân tán rủi ro, cho vay S.M.E sẽ tốt hơn cho vay doanh nghiệp lớn.
Cho vay S.M.E còn là nền tảng để phát triển các dịch vụ phi tín dụng khác. Theo IFC, hơn 60% doanh thu S.M.E ở các ngân hàng hàng đầu đến từ các dịch vụ phi tín dụng như ngân hàng internet, thanh toán cho nhà cung cấp, trả lương nhân viên...
Được xem là động lực phát triển chính của nền kinh tế, các S.M.E đang được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi hoạt động của các ngân hàng. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này mang lại nhiều thay đổi tích cực về giá và chất lượng dịch vụ. Ở chiều ngược lại, có vẻ như các ngân hàng nhỏ sẽ gặp bất lợi hơn khi các ngân hàng có quy mô lớn, vốn dồi dào, thương hiệu mạnh cũng nhảy vào thị trường này.
Xu hướng này là khá chắc chắn. Như lời ông Mandeep Vohra, phụ trách Khối Dịch vụ Ngân hàng S.M.E, ngân hàng Standard Chartered khu vực Trung Đông, Pakistan và châu Phi: “Không một ngân hàng tham vọng nào lại có thể bỏ qua thị trường S.M.E”.
Thanh Phong
nhịp cầu đầu tư
|