Thứ Hai, 03/06/2013 11:43

Đừng mơ nhà đầu tư nước ngoài mua ngân hàng yếu kém

Khối ngoại chưa hoàn toàn hài lòng khi rót vốn vào ngân hàng vì vậy sẽ là phi thực tế nếu nghĩ rằng họ chấp nhận mua những đơn vị yếu kém, theo đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Alain Cany.

Ông Alain Cany từng nhiều năm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) tại Việt Nam trước khi chuyển sang làm Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) và đồng Chủ tịch VBF. Trước thêm VBF giữa kỳ khai mạc sáng nay, ông chia sẻ với báo chí một số cảm nhận về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng, năng lượng điện của Việt Nam cũng như nhận xét về thị trường vàng, bất động sản hiện nay

- Tỷ lệ sở hữu cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại VBF 2013. Theo ông tại sao các nhà đầu tư nước ngoài chưa hài lòng với mức trần 20% hiện nay?

- Vấn đề khống chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã được nói đến trong nhiều năm. Trước kia, các ngân hàng nước ngoài bị cuốn hút bởi sự phát triển của thị trường Việt Nam vì thế đề xuất này đưa ra lúc đó có vẻ quá sớm. Hiện nay bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi.

Đã khoảng 6 đến 7 năm các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hoạt động này chưa mang lại nhiều hiệu quả vì những hạn chế, rắc rối trong hệ thống ngân hàng chưa được tháo gỡ. Bản thân mức khống chế 20% sẽ rất khó để các cổ đông nước ngoài đưa ra quyết định có ảnh hưởng hoặc tạo ra sự thay đổi lớn nếu những cổ đông sáng lập, cổ đông địa phương không tán thành. Hệ lụy là ngân hàng nước ngoài sẽ không sẵn sàng đầu tư thêm vốn vào ngân hàng Việt Nam.

Hiện nay, đang có tín hiệu Chính phủ cho phép nới mức trần cho mỗi nhà đầu tư chiến lược lên trên 20% và tổng hạn mức dành cho khối ngoại lên 49%, áp dụng với một số ngân hàng. Dù thế nào chăng nữa, tôi vẫn khẳng định là mức 20% sẽ không đủ để các ngân hàng nước ngoài như chúng tôi cảm thấy hiệu quả trong mối quan hệ đối tác hoặc muốn đưa thêm vốn vào ngân hàng Việt Nam.

- Nhưng Việt Nam muốn mời gọi vốn ngoại để vực dậy các ngân hàng yếu kém, vì thế room nếu điều chỉnh cũng chỉ áp dụng với đối tượng này. Ông nghĩ sao?

- Tôi đồng tình với ý tưởng chấp nhận cho một số ngân hàng cổ phần mở rộng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài lên 49% để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, phía Việt Nam phải có những ngân hàng mạnh mà vốn nội chiếm đa số để tránh trường hợp bị thôn tính bởi các ngân hàng nước ngoài.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng, sẽ là giấc mơ không có thật nếu nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại những ngân hàng hoạt động trì trệ và rơi vào khó khăn nhất. Hiếm khi họ chọn mua những phần như vậy.

Ông Alain Cany - Đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam.

- Xử lý nợ xấu là mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng. Nhưng Ngân hàng Nhà nước mới đây cho lùi thời gian thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, một bước quan trọng để xác định chính xác quy mô nợ xấu. Đánh giá của ông về việc này như thế nào?

- Thông tư 02 là thông tư quá tốt. Nếu áp dụng ngay lập tức thì nhiều ngân hàng Việt Nam lộ ra việc thiếu rất nhiều vốn. Và tôi cũng thấy rằng trì hoãn áp dụng thông tư thể hiện tình trạng nợ xấu có thể tồi tệ hơn so với những phát biểu mà chúng ta được biết. Ngân hàng Nhà nước chắc cũng nhận thấy điều này bởi sẽ có nhiều ngân hàng không đạt được chuẩn về trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.

Với thị trường bất động sản hiện nay thì 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà thu nhập thấp như mũi tên trúng 2 đích vì một phần giúp người thu nhập thấp có nhà ở, một phần giúp ngân hàng giải quyết được nợ xấu.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng quy mô của gói này không có ý nghĩa nhiều với thị trường bất động sản, mà mới thể hiện sự đồng hành của Chính phủ trong việc góp phần giải quết vấn đề nhà ở cho người nghèo, tình trạng ứ đọng trên thị trường.

Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)

Theo tôi nên để cho những ngân hàng đầu tiên tự thực thi và tuân thủ Thông tư 02, ngân hàng nào cuối cùng không tự giải quyết được việc thiếu vốn thì Chính phủ sẽ can thiệp.

- Chính phủ Việt Nam vừa phê chuẩn 30.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà thu nhập thấp như một cách thức kích cầu thị trường, giải phóng tồn kho bất động sản và qua đó giảm nợ xấu. Theo ông cần lưu ý những gì khi triển khai những gói kích thích thế này?

- Gói 30.000 tỷ đồng là tín hiệu rất tích cực trong việc cho phép tiếp cận vốn làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhóm công tác của VBF cũng đề xuất là nên tăng thời gian cho vay ưu đãi từ 10 năm lên 20 năm đề nhiều người có thể thụ hưởng chính sách này.

Trong quá trình giải ngân, có thể xảy ra một số rủi ro nếu như các khoản cho vay không được giám sát chặt chẽ. Cách duy nhất phòng tránh là Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát việc rót vốn này tốt hơn. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể chọn ra một số ngân hàng chuyên biệt để quản lý, giống như ở châu Âu, Đức, Ngân hàng Trung ương sẽ lập ra ngân hàng tái thiết, ngân hàng bất động sản giám sát các khoản giải ngân này.

- Liên quan tới thị trường vàng, ông có nhận xét gì về quản lý của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua?

- Việc giám sát thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã thu được một số thành tích, nhưng tôi cho rằng Việt Nam cần làm tốt hơn.

Cũng phải nói quản lý thị trường vàng gặp sẽ gặp một số khó khăn vì liên quan đến tỷ giá hối đoái, người Việt Nam lại rất thích vàng nên càng phải thận trọng. Trên thế giới, rất ít quốc gia có bối cảnh như Việt Nam vì lượng vàng giao dịch và tiết kiệm tại Việt Nam lớn hơn hầu hết các nước khác.

Vì vậy, mặc dù tôi không ấn tượng lắm tới quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tôi cũng không mong muốn đổ lỗi quá nhiều cho Chính phủ về thị trường này bởi có thể những mục tiêu như giảm thâm hụt thương mại, ổn định tỷ giá có thể là những ưu tiên hơn.

- Sự cố mất điện toàn miền Nam vừa qua cho thấy nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong vấn đề gọi vốn vào ngành điện. Tuy nhiên, lĩnh vực này thời gian qua chưa thu hút được nhiều tư các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông tại sao?

- Về ngành điện, ai cũng biết là với giá điện hiện nay thì không cho phép nhiều nhà đầu tư có thể vào được. Chính phủ cũng có động thái tăng giá điện để bắt kịp giá quốc tế hoặc các nước láng giềng, nhưng chưa làm mạnh mẽ vì không cẩn thận có thể tác động đến lạm phát. Hoặc nếu tăng giá điện vào lúc này thì sẽ là tin xấu với những doanh nghiệp hiện nay đang phải vật lộn với những khó khăn, bởi giá tăng sẽ đội chi phí sản xuất lên.

Tuy nhiên nếu trì hoãn việc tăng giá điện thì sẽ khiến doanh nghiệp tư nhân ngần ngại đầu tư vào thị trường điện. Đây là mâu thuẫn trong Chính sách mà chính phủ phải giải quyết.

Theo quan điểm của tôi, hiện chưa phải là thời điểm để tăng giá điện nhiều, nhưng đây là điều không thể tránh khỏi nếu chúng ta muốn gia tăng đầu tư vào điện. Một khi không đầu tư thì điện sẽ không ổn định, mất điện sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.

Tôi đã có dịp được đón nhiều đoàn Việt Nam tới châu Âu, và chúng tôi đều thấy có những khoản tiền khổng lồ trên thế giới, trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà Việt Nam có thể sử dụng được nếu giải quyết được những vấn đề về pháp lý, bảo lãnh, đảm bảo khoản lợi nhuận và có môi trường minh bạch trong cơ sở hạ tầng. Tôi hy vọng rằng nếu đạt được những mục tiêu trên thì sẽ có nguồn vốn rót thêm nữa vào ngành năng lượng điện Việt Nam.

Huyền Thư

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng: Lấy gì thế chấp? (03/06/2013)

>   Việt Nam có cần VAMC? (03/06/2013)

>   PVN dùng dằng với ngân hàng (03/06/2013)

>   Ngân hàng đồng loạt mở cửa cho vay mua nhà xã hội (03/06/2013)

>   Các ngân hàng trả nợ trên 100 tấn vàng (03/06/2013)

>   Nhà đầu tư nước ngoài chất vấn trực tiếp Chính phủ (03/06/2013)

>   Vay tiền ngân hàng: Đừng để bị con số đánh lừa (03/06/2013)

>   Tạo nền tảng đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (02/06/2013)

>   TS Lê Xuân Nghĩa: Xác suất AMC xử lý nợ xấu thành công ở mức 96% (01/06/2013)

>   Thu nhập đủ trả nợ mới được vay ưu đãi mua nhà (01/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật