Trọng “cung” để tăng trưởng dài hạn
Để trị tận gốc những yếu kém của nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần chuyển chính sách từ ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung để cải thiện năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quý I tốc độ tăng cùng kỳ của doanh số bán lẻ có xu hướng giảm.
|
Tổng cầu yếu - DN vẫn loay hoay
Bức tranh tăng trưởng và sức “cầu” của nền kinh tế trong quý I tuy đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xu hướng giảm, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ có xu hướng giảm mạnh so với tốc độ tăng cùng kỳ các năm trước. Tính đến cuối tháng 3-2012, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 636,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế sụt giảm, thu nhập của người lao động bấp bênh, ảnh hưởng đến sức mua của dân cư; tâm lý của người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Sức mua giảm sút của thị trường cộng với lượng hàng tồn kho trước đó đã lập tức tác động trở lại DN. Có thể nói, nguồn lực DN có hạn, sức mua thấp khiến điều kiện sản xuất của các DN bị thu hẹp đang là một nút thắt của nền kinh tế Việt Nam. Điểm lại, ngoại trừ các DN phá sản, những DN còn lại hoạt động cũng chỉ cầm chừng, đạt từ 30-40% công suất vì lượng hàng tồn kho nhiều, sức mua thấp. Trong tình hình khó khăn, có những DN bỏ cuộc, có những DN chống đỡ được bằng tái cấu trúc và vẫn tồn tại. Quý I-2013, số DN phá sản bằng số DN mới thành lập.
Ngoài nguyên nhân từ tổng cầu yếu, môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn, DN gặp khó còn có nguyên nhân từ việc quá lệ thuộc vào tín dụng. Các DN hiện vẫn phải đối mặt với vấn đề lãi suất. Trên thực tế, DN vẫn phải chịu mức lãi suất 14-15% chứ không phải mức lãi suất 12% như Ngân hàng Nhà nước đã ấn định. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN cũng không còn khả năng hấp thụ vốn.
Theo nhận định của TS. Ngô Trí Long, tổng cung và tổng cầu kém khiến nền kinh tế khó khôi phục nhanh và khó đặt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, ông Long nhắc đến một khái niệm khá trừu tượng nhưng hết sức quan trọng đó là khủng hoảng niềm tin còn đáng sợ hơn nhiều các nguy cơ khác, đặc biệt đối với thị trường bất động sản. Tạo dựng niềm tin đối với nền kinh tế nói chung sẽ tạo sức lan tỏa có tác dụng làm ấm thị trường, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Tìm “liều thuốc” đặc trị
Năm nay là năm khó khăn, để đạt được những mục tiêu như kế hoạch đã đề ra là không dễ dàng. Nhận diện những bất ổn khó khăn của nền kinh tế, tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hỏi các nhà kinh tế liệu có giải pháp gì cải thiện được không thì câu trả lời là: Cực kỳ khó! Tuy nhiên không phải khó là không thực hiện được. Trong bài phát biểu gửi đến Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2013 và những thách thức, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Ngọc Tuyến đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “nếu không có những giải pháp tích cực” thì tăng trưởng kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.
Kiến nghị các giải pháp ở tầm vĩ mô, ông Tuyến đề nghị các giải pháp tài khóa và tiền tệ nên thực hiện theo xu hướng linh hoạt và từng bước nới lỏng là phù hợp với khă năng CPI tăng thấp và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại như hiện nay; chú trọng từng bước nới lỏng và tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, để hỗ trợ tăng trưởng thì việc thúc đẩy tổng cầu sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Trong bối cảnh dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều thì theo bà Thanh, chính sách tài khóa nên tiếp tục phát huy vai trò nâng đỡ tổng cầu thông qua các biện pháp như giảm thuế để giúp DN có thêm nguồn vốn tích lũy, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để hướng tới thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra.
Cùng chung nhận định với TS. Thanh, TS. Ngô Trí Long lại nhìn sâu xa hơn. Ông cho biết, nhìn lại những thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011, 2012, chính là nhờ chính sách bình ổn tổng cầu. Mặc dù vậy, đây chỉ như những liều thuốc điều trị tạm thời các triệu chứng, mà không trị được tận gốc những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Ông Long đề nghị thay vào đó là chính sách trọng cung dựa trên 3 nền tảng cơ bản đó là: Giảm các mức thuế, phí để khuyến khích DN; tiến hành mạnh mẽ các biện pháp cải thiện thị trường vốn thông thoáng và chính sách tiền tệ ổn định. Bản chất của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực chất đó là những nội dung của chính sách trọng cung.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay có điều kiện để thực hiện chính sách trọng cung này. Bởi tuy nguồn thu ngân sách khó khăn và dư địa cho các chính sách thuế không còn nhiều, nhưng Chính phủ đã tập trung nỗ lực để thực hiện và đề xuất nhiều giải pháp giãn, giảm, miễn thuế cho DN. Cùng với đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một trong những việc cần làm ngay. Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- ĐHQG Hà Nội, nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam hiện cũng đang ở trong “bẫy tăng trưởng thấp” với tình trạng cắt giảm các đòn bẩy tài chính, thị trường bất động sản “đóng băng”, hệ thống ngân hàng còn yếu kém, đầu tư của các công ty giảm sút và niềm tin kinh doanh ở mức thấp. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp gây dựng lòng tin của người dân và DN qua Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ được ban hành đầu năm 2013 là cần thiết. Trong dài hạn, việc khôi phục niềm tin cần gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, để đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng bền vững.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội:
Cần một hệ thống phân phối đủ mạnh để thúc đẩy tiêu dùng
Chủ trương giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ cho thị trường và đầu tư lúc này là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở khía cạnh hệ thống phân phối hiện nay còn quá nhiều bất cập, điều đó dẫn đến thiệt hại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Bởi trong quá trình tái sản xuất xã hội, yếu tố sản xuất và phân phối, sản xuất và tiêu dùng đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Xây dựng một hệ thống phân phối mạnh sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông phân phối và phục vụ tiêu dùng xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay điều này lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Nhiều năm nay, người dân chỉ cầu mong bán hết được những cái mà họ làm ra đủ bù đắp chi phí cộng một phần lợi nhuận khiêm tốn là đã quá đủ rồi. Những cơ chế, chính sách đến với nông dân, ngư dân thường yếu kém ở khâu tổ chức thực hiện. Họ thường bị lép vế khi giao dịch mua bán hàng hóa với thương lái và với một số tầng lớp trung gian. Do đó, phải quản lý từ khâu sản xuất đến khâu bán lẻ nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh đến mức thấp nhất để phục vụ xã hội, đi đôi với đó là tổ chức tốt dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, đường, sữa, thuốc chữa bệnh... để Nhà nước có thể chủ động can thiệp trong những trường hợp cấp bách để bình ổn thị trường.
TS. Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế Tài chính - Bộ Tài chính:
Tăng trưởng kinh tế chậm ảnh hưởng đến thu ngân sách
Về cơ bản, chính sách tài khóa năm 2013 không có thay đổi quan trọng nào so với năm 2012 mặc dù tốc độ tăng GDP dự kiến cao hơn một chút và tốc độ lạm phát cũng cao hơn. Quan điểm chủ đạo trong chính sách tài khóa năm 2013 là ổn định chứ không chủ trương nới lỏng (tăng chi NSNN) hay giảm gánh nặng thu NSNN (giảm thu NSNN) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cũng không chủ trương thắt chặt chính sách tài khóa nhằm giảm thâm hụt NSNN.
Nhìn chung, thu NSNN năm 2013 sẽ vẫn gặp khó khăn khi sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế không được bù đắp bởi tốc độ lạm phát tăng cao như mấy năm trước. Thu NSNN năm 2013 được xác định tiếp tục dựa vào tăng thu nội địa với tỷ trọng chiếm khoảng 2/3 tổng thu cân đối NSNN, trong khi thu từ dầu thô dự kiến giảm gần về tỷ trọng 10% tổng thu và thu từ XNK chiếm khoảng 1/5- xấp xỉ mức thu được năm 2012.
T.Th
|
Minh Anh
hải Quan
|