Chủ Nhật, 12/05/2013 14:50

Giảm nhẹ 3 gánh nặng cho DN và nền kinh tế

Dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên cần những giải pháp mạnh, đồng bộ và thực hiện quyết liệt hơn. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, cần tiếp tục triển khai các chính sách nhằm giảm nhẹ cả 3 gánh nặng cho DN và nền kinh tế, đó là về chi phí tài chính, chi phí vốn và chi phí hành chính theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ.

TS. Nguyễn Minh Phong

Đã qua hơn 1 quý, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự khởi sắc, trong khi dự báo năm nay vẫn sẽ là năm khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Ông dự đoán như thế nào về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay?

Đúng như vậy, các dự báo kinh tế của hầu hết các tổ chức và quốc gia vẫn thường xuyên bị điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dù có cao hơn năm trước và chắc chắn sẽ đạt trên con số 5% thì vẫn rất có thể năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp ghi nhận kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn mức trung bình của khu vực.

Vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 xuống còn 5,2% (so với mức 5,7% mà ADB đưa ra 6 tháng trước) và sẽ tăng lên mức 5,6% trong năm 2014. Tuy nhiên, ADB dự báo Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại. Lạc quan hơn, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm và GDP cả năm sẽ tăng lên mức 5,5%.

Như vậy, năm 2013 khả năng Việt Nam đạt yêu cầu tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 là khá chắc chắn, còn mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 lại khó khăn, vì CPI của quý I-2013 đã chiếm gần 37% mục tiêu tăng giá tiêu dùng ở mức 6-6,5% của cả năm mà Chính phủ đề ra, trong khi thời gian tới sẽ tăng lương và một số địa phương tiếp tục tăng giá viện phí và áp lực tăng giá điện...

Ngay từ đầu năm 2013 nhận thấy vẫn phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013 cũng như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02. Nhìn nhận trong nhóm các vấn đề còn tồn tại hiện nay, theo ông đâu là những nút thắt quan trọng cần phải phải tháo gỡ?

Có thể thấy, những nút thắt lớn nhất trong năm 2013 đối với Việt Nam về cơ bản vẫn là những vấn đề tồn dư và quán tính của năm 2012, trong đó nổi bật là những nút thắt về nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách DNNN, quản lý đầu tư công và nợ công, hâm nóng trở lại thị trường bất động sản.

Theo tôi, nợ xấu sẽ được cải thiện khi các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và phân loại nợ đúng. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục cải thiện tình hình, gỡ khó cho DN trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất thấp. Theo VCCI, khả năng trả lãi vay của DN được đánh giá thông qua chỉ số khả năng trả lãi vay được tính bằng cách chia lợi nhuận (trước thuế và lãi vay) cho lãi vay phải trả đang có xu hướng giảm dần. Việc các ngân hàng dù hạ lãi suất huy động xuống thấp, từ 6% đến 7,5% thì lãi suất cho vay vẫn còn xấp xỉ từ 11% đến 14% khiến những khó khăn của DN về lãi suất chậm được cải thiện, cũng như khó khăn về thị trường đầu ra mà họ đang phải đối diện. Điều đó đã cản trở sự nâng cấp sức cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN Việt Nam.

Theo như ông nói trong nhóm các nút thắt cần tháo gỡ, việc cần kíp phải tập trung trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn đòi hỏi phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp mới mong cải thiện được tình hình?

Việc cứu DN là cấp thiết, tuy nhiên, để gỡ khó cho DN và duy trì động lực phát triển kinh tế, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn, trong đó, tiếp tục triển khai các chính sách và hoạt động nhằm giảm nhẹ cả 3 gánh nặng cho DN và nền kinh tế về chi phí tài chính, chi phí vốn và chi phí hành chính theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Đáng kể và đáng hoan nghênh nhất là giảm nhanh và sâu hơn mức thuế Thu nhập DN, tốt nhất là theo mức thuế phổ thông chung là 22% và DNVVN 20% như đề xuất mới đây của Bộ Tài chính. Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo giảm trần lãi suất cho vay DN còn khoảng 10%; hạn chế tối đa việc NK các mặt hàng không cần thiết, lập hàng rào kỹ thuật đối với hàng NK và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho DN…

Bên cạnh đó, DN cũng phải chủ động tiếp tục giảm giá bán, đưa hàng hóa về nông thôn; thúc đẩy tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực như về danh mục đầu tư, sản phẩm, lao động và quản trị DN…

Ngoài ra, cần có những giải pháp mạnh hơn đối với một số nút thắt của nền kinh tế, nhất là với thị trường bất động sản và tái cơ cấu ngân hàng, các DNNN và đầu tư công. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp và với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Trần Thắng

Hải quan

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nợ công trong giới hạn an toàn (12/05/2013)

>   Bộ Tài chính công bố số liệu kinh tế 4 tháng (11/05/2013)

>   'FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh' (11/05/2013)

>   Nợ công đang ở ngưỡng an toàn? (10/05/2013)

>   Nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp (09/05/2013)

>   Chuyên gia Nhật Bản nhận định về triển vọng kinh tế và chứng khoán Việt Nam (09/05/2013)

>   Việt Nam có “hồ sơ không tỳ vết” về trả nợ ODA (09/05/2013)

>   “WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật” (08/05/2013)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam (08/05/2013)

>   Bẫy thu nhập trung bình – làm sao thoát? (08/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật