Thứ Tư, 08/05/2013 21:15

“WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật”

“Việt Nam và WB đã có mối quan hệ từ rất lâu và hiện có 55 dự án đã được thực hiện tại Việt Nam. Trong đó, riêng năm ngoái đã giải ngân được hơn 850 triệu USD và dự kiến năm nay sẽ đẩy nhanh giải ngân hơn nữa.” Đó là nhận định của ông Axel van Trotsenburg trong cuộc trao đổi với báo giới xung quanh quan hệ Ngân hàng Thế giới (WB) – Việt Nam nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông ngày 8/5, tại Hà Nội.

Ông Axel van Trotsenburg (giữa) tại buổi họp báo

- Xin ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những khoản vay WB trong thời gian vừa qua?

Ông Axel van Trotsenburg: Trong khoảng 2 thập kỷ qua, WB là một đối tác rất chặt chẽ trong việc giúp Việt Nam giảm nghèo. Tôi có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những trường hợp thành công nhất trên thế giới trong công tác giảm nghèo.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, với trọng tâm đặc biệt hướng đến nhóm dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ những người dân còn tương đối nghèo có được cuộc sống tốt hơn.

Mục tiêu mà WB đặt ra là xóa tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới vào năm 2030. Trong bối cảnh của Việt Nam, chúng tôi lạc quan rằng mục tiêu này sẽ thực hiện được trong thời gian ngắn hơn.

Trong 2 ngày qua, tôi rất vui đã thấy được đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam trong các nguồn vốn hỗ trợ của WB. Chúng tôi cũng đã chuyển được thông điệp đến với Chính phủ Việt Nam là cam kết mạnh mẽ tiếp tục thực hiện chương trình về mặt tài chính cho Việt Nam cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đồng thời cam kết để có những chương trình nghiên cứu hợp tác với phía Chính phủ.

Chúng tôi cũng có một chương trình nghiên cứu rất rộng rãi để hỗ trợ cho Chính phủ trong công tác phân tích, trong đó bao gồm việc cung cấp những kinh nghiệm và thực hiện những nghiên cứu so sánh và chia sẻ kinh nghiệm của những nước khác trong khu vực.

- Một số tổ chức quốc tế vừa đưa ra dự báo tăng trưởng Việt Nam giảm, nguyên nhân là do chậm cải cách thủ tục hành chính, ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Axel van Trotsenburg: Vào tháng 4 năm nay WB đưa ra dự báo tăng trưởng cho khu vực và trong đó có Việt Nam là 5,2% trong năm nay. Ở Việt Nam tăng trưởng đã giảm đi vì chịu tác động của nền kinh tế thế giới.

Theo tôi, trong ngắn hạn chúng ta cần cẩn trọng khi nói tăng trưởng kinh tế chậm là do chậm cải cách cơ cấu vì đây là tác động của nền kinh tế thế giới chứ không ai mong muốn. Không nhất thiết tăng trưởng chỗ này chỗ kia mâf quan trọng là tăng trưởng về lâu dài.

Muốn tăng trưởng ổn định, theo tôi cần phải có kết cấu hạ tầng dài hạn và có nền giáo dục tốt, không chỉ đảm bảo khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục cấp tiểu học hay trung học mà cần phải đảm bảo chất lượng giáo dục nói chung.

Ngoài ra, quốc gia đó phải chuẩn bị như thế nào cho thanh niên để tham gia vào thị trường lao động trong tương lai. Những kỹ năng họ được chuẩn bị nó gắn kết như thế nào với yêu cầu của thị trường.

Cuối cùng, quốc gia xác định như thế nào về vị trí cạnh tranh của mình trên thế giới, đây là một quá trình có tính năng động và chúng ta phải thường xuyên xem xét đâu là những ngành mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh. Vấn đề chúng tôi tranh luận ở đây đó là việc đầu tư vào thanh niên là một trong những đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai và đây cũng là nhân tố quyết định cho tăng trưởng về lâu dài của nền kinh tế.

- Trong chuyến thăm lần này ông đã có cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo của Việt Nam để bàn về gói vay của Việt Nam có thể sẽ được ít ưu đãi hơn. Vậy ông có thể cho biết chi tiết hơn kết quả của cuộc hội đàm này?

Ông Axel van Trotsenburg: Theo tôi, ở giai đoạn này Việt Nam vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ từ nguồn vốn IDA (vốn vay rất ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế dành cho các nước có thu nhập thấp) của chúng tôi, với những khoản tín dụng rất ưu đãi: Thời hạn dài 25 năm, 5 năm ân hạn và lãi suất chỉ 1,25%.

Những nguồn lực này được huy động cho giai đoạn 3 năm một (hiện là quỹ IDA 16) và đã có 52 nhà tài trợ cho quỹ này. WB đã huy động được khoảng 50 tỷ USD trong đó có hơn 4 tỷ USD được dành cho Việt Nam từ IDA 16. Từ tháng 3 năm nay, vòng đàm phán IDA mới - IDA 17 (được tính từ 1/7/2014-30/6/2016) đã được triển khai và WB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục nhận được nguồn lực ưu đãi này. Các đàm phán đang tiếp tục và kết luận cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 12 tới.

Tuy nhiên Việt Nam cũng đã rất thành công trong tăng trưởng kinh tế cũng như tăng GDP bình quân trên đầu người thế nên Việt Nam cũng có thể tiếp cận được nguồn lực từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tiếp cận được những gói tín dụng theo cơ chế thị trường nhưng mức lãi suất cũng rất cạnh tranh. Đây là những ghi nhận về hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện được mức độ tín nhiệm của tín dụng Việt Nam trên thị trường thế giới.

- Ông có thể cho biết những ưu tiên cam kết của WB dành cho Việt Nam trong thời gian tới?

Trong những năm vừa qua, WB đã rất ủng hộ và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi của kinh tế Việt Nam. Và chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Việt Nam để tìm ra những cách thức hỗ trợ tốt nhất.

Trong cuộc gặp vừa qua với Thủ tướng và các Bộ ngành của Việt Nam, chúng tôi đã tái cam kết về sự sẵn lòng của WB trong việc tiếp tục hợp tác với Chính phủ trong cải cách và những lĩnh vực mà chúng tôi có nhiều kinh nghiệm.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã có những hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới an sinh xã hội (về giáo dục, y tế, chống biến đổi khí hậu…). Hiện có 55 dự án đã được thực hiện tại Việt Nam. Trong đó, riêng năm ngoái đã giải ngân được hơn 850 triệu USD và dự kiến năm nay sẽ đẩy nhanh giải ngân hơn nữa.

Tương tự trong lĩnh vực chính sách thì chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam trên 10 năm thông qua khoản tín dụng hỗ trợ giảm nghèo. Chúng tôi cũng xem xét giúp Việt Nam tăng cường vị thế cạnh tranh của mình. Đơn cử như trong tháng 3 vừa qua, Ban Giám đốc Điều hành của WB đã phê duyệt khoản Tín dụng hỗ trợ Quản lý và Cạnh tranh Kinh tế đầu tiên (EMCC 1) cho Việt Nam trị giá 250 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam cải cách quản lý kinh tế, tạo ra năng suất và khả năng cạnh tranh cao hơn cả trong nước và trên bình diện quốc tế.

Mong muốn của chúng tôi là tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình cải cách bằng việc chia sẻ những thông lệ, bài học quốc tế tốt nhất cũng như những hỗ trợ tiếp tục về tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam.

Minh Thúy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam (08/05/2013)

>   Bẫy thu nhập trung bình – làm sao thoát? (08/05/2013)

>   Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh: Nền kinh tế còn phải vượt nhiều rào cản (07/05/2013)

>   "Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ VN vốn ODA ở mức cao" (07/05/2013)

>   Tiền đâu mà tăng... CPI? (07/05/2013)

>   Vốn ngoại chuyển dịch về miền Trung (05/05/2013)

>   Nợ công – cần một con số chuẩn (04/05/2013)

>   2016-2020, TPHCM phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 9,5%-10%/năm (03/05/2013)

>   Những điểm nghẽn trong nền kinh tế (03/05/2013)

>   Tỷ lệ thất nghiệp: “Thêm một số 0 vẫn đúng” (03/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật