Thứ Sáu, 10/05/2013 14:52

Nợ công đang ở ngưỡng an toàn?

Hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang gặp khó khăn vì nợ xấu, nợ công của Việt Nam ở mức trên 71,7 tỷ USD, tương đương 49,4% GDP. Cộng hòa Síp cũng có nợ công chiếm tới trên 85% GDP và đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Đây chính là bài học kinh nghiệm để nhìn lại nợ công Việt Nam.

Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội.

Ngày 20/2/2013, Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế S&P nhận định nguy cơ vỡ nợ ở Cộng hòa Síp đang ngày càng lớn. Tới ngày 16/3/2013, các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp cho Cộng hòa Síp gói cứu trợ trị giá 10 tỷ Euro.

Đổi lại, Chính phủ Síp phải tiến hành thu nhỏ các ngân hàng gặp khó khăn, tư hữu hóa một số tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tăng tỷ lệ thuế công ty trên danh nghĩa thêm 2,5% lên 12,5%, áp thuế một lần duy nhất ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 Euro và 6,75% đối với các khoản tiền gửi có giá trị thấp hơn tại các ngân hàng của nước này.

Phân tích nguyên nhân của khủng hoảng nợ công tại quốc gia này, TS. Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao cho rằng, khủng hoảng tài chính ở Cộng hòa Síp bùng phát do Chính phủ Síp đã duy trì chính sách tài chính lỏng lẻo; thiết lập hành lang pháp lý và cơ chế quá thông thoáng, dễ tiếp cận và áp dụng thuế doanh nghiệp thấp trong suốt một thời gian dài với chính sách rõ ràng để biến đảo Síp thành một ốc đảo hút vốn nước ngoài vào hệ thống tái chính ngân hàng của mình.

Mặt khác, đầu tư không kiểm soát vào những tài sản “yếu”. Với lượng vốn khổng lồ sẵn có, các ngân hàng của Síp đã vung tiền mua trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp. Khi Hy Lạp đứng trước vực thẳm phá sản, buộc EU phải tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ của nước này đã khiến cho hệ thống ngân hàng của Síp lâm nguy. Các ngân hàng của Síp đã mất khoảng 4,5 tỷ Euro khi buộc phải xóa hơn 70% nợ cho Hy Lạp.

Để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định của Eurozone, Chính phủ Síp đã phải bơm tiền để cứu hệ thống ngân hàng. Chính điều này đã làm tăng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Síp, nợ công tăng lên mức kỷ lục 85% GDP. Bên cạnh đó là sự phụ thuộc chặt chẽ của nền kinh tế vào lĩnh vực tài chính và du lịch.

Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP để nói rằng Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng an toàn có lẽ không phù hợp. Từ câu chuyện của Síp, các chuyên gia cho rằng đây cũng là sự cảnh báo để Việt Nam không chủ quan về khoản nợ của mình. Dù bên cho vay ra điều kiện dễ dàng, lãi suất thấp thì đó vẫn là một khoản nợ, vì vậy cần được cân nhắc khi sử dụng những đồng vốn đó.

Theo TS. Đặng Hoàng Linh, có thể thấy sự tương đồng giữa bối cảnh Việt Nam hiện nay với các quốc gia đang chịu khủng hoảng ở châu Âu. Nợ xấu của Việt Nam xuất phát từ tình trạng suy thoái kinh tế và vỡ bong bóng bất động sản.

Vì vậy, cần có sự quan tâm, kiểm soát chặt chẽ ngay từ bây giờ về nợ công, tránh sự cố xảy ra như các nước châu Âu từng gặp phải. Trước hết, cần thiết phải giám sát sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Để giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu ngân hàng, nhất định phải có sự đầu tư nghiêm túc.

Nếu cần thiết phải vay tiền từ nước ngoài để giải quyết các vấn đề trong nước; cần xem xét, đánh giá giữa lợi ích mà nguồn vốn vay đó mang lại với những ảnh hưởng đến chính trị, chủ quyền quốc gia. Việc sử dụng nguồn vốn vay phải mang lại hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, đặt mục tiêu giảm dần bội chi ngân sách tiến tới mức cân bằng ngân sách.

Đồng thời, từ khó khăn của EU hiện nay, căn cứ vào sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN, tình hình kinh tế, chính trị châu á còn tồn tại nhiều mâu thuẫn... có thể thấy, trong giai đoạn trước mắt, nếu thành lập được một đồng tiền chung ASEAN, khó có thể đảm bảo rằng các quốc gia trong ASEAN sẽ luôn vì lợi ích chung của khu vực, do mục tiêu, chính sách, thể chế của mỗi nước là khác nhau.

Vì vậy, khu vực ASEAN cần thắt chặt trong quản lý chi tiêu công, đảm bảo sử dụng các nguồn tài chính một cách hiệu quả; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là việc tìm ra cơ chế vừa phát huy được sức mạnh tính cộng đồng của liên minh vừa phát huy được tính tích cực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên. Đồng thời, thực hiện lần lượt theo từng bước phát triển một cách chắc chắn toàn diện, từ khu vực mậu dịch chung đến liên minh thuế quan và sau đó là tiền tệ.

Để phòng tránh những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công cho nền kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao cho rằng, cần phải xuất phát từ chính nội tại nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như từ những nguyên nhân đã gây ra khủng hoảng nợ công tại EU và từ chính những tác động của nó tới Việt Nam. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là phải có cơ chế quản lý nhà nước hữu hiệu nhằm kiểm soát hoạt động tài chính và sự lưu chuyển các nguồn tài chính.

Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội. Cần đảm bảo tính ổn định hệ thống, chủ động phòng ngừa các tác động mặt trái, những cái “bẫy” nợ nần và hiệu quả thiết thực trong quá trình tái cấu trúc trong cả khu vực doanh nghiệp, cũng như trong khu vực tài chính - ngân hàng.

Hương Loan

tbktvn

Các tin tức khác

>   Nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp (09/05/2013)

>   Chuyên gia Nhật Bản nhận định về triển vọng kinh tế và chứng khoán Việt Nam (09/05/2013)

>   Việt Nam có “hồ sơ không tỳ vết” về trả nợ ODA (09/05/2013)

>   “WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật” (08/05/2013)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam (08/05/2013)

>   Bẫy thu nhập trung bình – làm sao thoát? (08/05/2013)

>   Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh: Nền kinh tế còn phải vượt nhiều rào cản (07/05/2013)

>   "Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ VN vốn ODA ở mức cao" (07/05/2013)

>   Tiền đâu mà tăng... CPI? (07/05/2013)

>   Vốn ngoại chuyển dịch về miền Trung (05/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật