Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quản lý nợ trung hạn 2013 – 2015
Ngày 04/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2013 – 2015.
Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là tổ chức huy động và quản lý sử dụng vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; việc phân bổ, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Chương trình xác định các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2013-2015 bao gồm:
- Vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu chính phủ) dưới 4,5% GDP;
- Tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước cho chương trình đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục giai đoạn 2011-2015;
- Huy động vốn vay bổ sung để thực hiện đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
- Bảo lãnh Chính phủ, vay trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, TCTD theo phương thức tự vay tự trả, vay trả nợ của chính quyền địa phương phải nằm trong các hạn mức vay nợ hàng năm được cấp có thấm quyền phê duyệt;
- Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công nhằm giảm thiểu rủi ro về thị trường, tín dụng và thanh khoản, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn an toàn và an ninh tài chính quốc gia;
- Giảm thiểu rủi ro về tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, đồng tiền, có cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu chính phủ và phấn đấu kéo dài thời hạn vay qua phát hành trái phiếu chính phủ trong nước giai đoạn 2011-2015 trung bình khoảng từ 4-6 năm;
- Xây dựng, hoàn thiện và phát triến hệ thống thông tin đế phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công theo quy định;
- Nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP;
- Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tống thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ;
- Đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia hàng năm trên 200%.
Chương trình đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bao gồm:
- Tổ chức huy động vốn vay bổ sung cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội;
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hướng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ;
- Tăng cường công tác quản lý rủi ro và thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công;
- Xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công;
- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế chính sách quản lý nợ;
- Kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ nhiệm vụ được phân công trong Luật quản lý nợ công và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ liên quan của Chương trình.
sbv
|