Ngân hàng loay hoay với dư nợ bằng vàng
Thời hạn tất toán trạng thái vàng của các NHTM (30/6) đang cận kề và theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng vàng tồn quỹ của các nhà băng đã gần đủ để trả cho người dân. Thế nhưng, điều khiến các ngân hàng đau đầu là việc thu hồi các khoản nợ bằng vàng.
Dư nợ cho vay vàng vẫn lớn
Tổng giám đốc Sacombank (HOSE: STB), ông Phan Huy Khang cho biết, dư nợ bằng vàng tại Ngân hàng hiện còn khoảng 30.000 lượng (tương đương khoảng 1 tấn vàng). Trong số này, có một phần vốn bằng vàng được Sacombank cho vay trong thời hạn khoảng 3 - 5 năm. Để giải quyết dư nợ bằng vàng, Sacombank đang vận động khách hàng chuyển sang dư nợ tiền đồng với lãi suất ưu đãi. Vì trước đây, khi vay vốn bằng vàng, khách hàng chịu suất thấp hơn vay bằng tiền đồng. Tuy nhiên, ông Khang cũng thừa nhận, khi khách hàng vay vàng, giá vàng thấp hơn nhiều so với giá vàng hiện nay, nên để trả nợ vay bằng vàng cũng là vấn đề không đơn giản đối với khách hàng. Hiện một số khách vay vàng đã chuyển sang trả nợ bằng tiền đồng, song với nhiều khoản vay trung, dài hạn, Ngân hàng chưa thể thu hồi.
Tại ĐHCĐ thường niên Southern Bank (PNB), trả lời chất vấn của cổ đông về dư nợ cho vay vàng, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay bằng vàng tại Ngân hàng là 118.000 lượng. Southern Bank không thực hiện việc chuyển đổi vàng qua VND nên không bị âm trạng thái, vì vậy, Ngân hàng không có nhu cầu mua vàng để đóng trạng thái. Nhưng việc thu hồi nợ vay bằng vàng, không thể giải quyết ngay, Southern Bank đang từng bước đàm phán với khách hàng để chuyển khoản vay sang VND.
Tại Eximbank (HOSE: EIB), theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng, đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay vàng tương đương trên 1 tấn. Song Tổng giám đốc Eximbank khẳng định, việc mua lại 1 tấn vàng này là dễ dàng với Ngân hàng, nhưng phương thức mua vào phải đảm bảo không tạo ra biến động về giá.
Giải quyết dư nợ vàng tồn sau 30/6, cách nào?
Theo kiến nghị của Tổng giám đốc Eximbank, NHNN cần có phương án giải quyết dư nợ vàng còn tồn sau ngày 30/6, vì các nhà băng đã ký hợp đồng cho vay vàng tới 10 - 15 năm, giờ không thể bắt khách hàng mang vàng đến trả ngay.
Cùng quan điểm với ông Phước, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, đến thời điểm 26/4/2013, ACB đã tất toán xong trạng thái vàng, nhưng dư nợ cho vay bằng vàng trước kia thì chưa thể giải quyết ngay được. Bởi các hợp đồng cho vay vàng đã ký trước đây có thời hạn 5-10 năm. Dư nợ cho vay bằng vàng của ACB hiện còn khoảng 100.000 lượng. Vì thế, ông Toàn đề nghị NHNN sớm có hướng dẫn để các NHTM thực hiện việc thu hồi nợ bằng vàng còn tồn sau 30/6. Trước mắt, ACB vẫn tiếp tục đàm phán với người vay để chuyển sang trả bằng tiền đồng.
Năm 2012, ACB lỗ 1.863 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối và vàng, do ACB phải mua vàng trong nước với giá cao hơn thế giới để bù đắp trạng thái và tất toán xong theo yêu cầu của NHNN. Nhưng theo ông Toàn, quí I vừa qua, kinh doanh vàng đóng góp tỷ lệ tương đối lớn vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng, với 17% tính đến thời điểm 15/4. ACB cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vàng với việc thành lập công ty vàng, có vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng để tập trung vào sản xuất - kinh doanh vàng trang sức. Hoạt động này sẽ đóng góp lợi nhuận cho ACB kể từ năm 2014. Tuy nhiên, dư nợ cho vay bằng vàng vẫn là vấn đề khiến Ngân hàng phải đau đầu. Theo tính toán của Tổng giám đốc ACB, phải mất 3 - 4 năm nữa, dư nợ này mới chấm dứt.
Trong khi đó, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank cho hay, dư nợ bằng vàng hiện nay của Ngân hàng cũng còn khoảng 100.000 lượng và tới đây, nếu NHNN không có hướng dẫn xử lý thì Ngân hàng sẽ phải tính đến phương án đàm phán với khách hàng để chuyển số dư nợ này sang tiền đồng. Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, điều này không dễ thực hiện vì hợp đồng còn vài năm nữa mới đáo hạn, mặt khác, nếu chuyển khoản vay bằng vàng sang VND, khách hàng sẽ thiệt, vì lãi suất VND sẽ cao hơn, đó là chưa kể chênh lệch giữa giá vàng hiện nay và thời điểm vay. Theo Tổng giám đốc DongABank, Ngân hàng sẽ có phương án giảm bớt thiệt hại cho khách hàng bằng cách giảm lãi suất cho vay cũng như sẽ bán vàng theo giá ưu đãi cho trường hợp khách hàng đồng ý quy đổi dư nợ từ vàng sang VND.
Các ngân hàng cho biết, sẽ khó thu hồi nợ vàng nếu khách hàng không đồng ý chuyển dư nợ từ vàng sang tiền đồng và sau khi chấm dứt hoàn toàn huy động vàng, các ngân hàng buộc phải lấy vốn VND mua lại số vàng tương ứng với dư nợ vàng. Lãi suất huy động VND thấp nhất hiện nay là 7,5%/năm, còn lãi suất cho vay vàng chỉ 3%/năm, chưa kể rủi ro biến động giá vàng là rất lớn.
Tính đến nay, lượng vàng mua vào của các NHTM trên địa bàn TP. HCM để cân đối trạng thái được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM xác nhận, về cơ bản đã đủ để bù đắp phần chi trả cho người dân trước thời hạn đóng trạng thái, 30/6. Duy chỉ có SCB vẫn còn âm trạng thái vàng lớn. Để cải thiện trạng thái âm nguồn vàng, SCB cho biết, trong năm qua, đã thực hiện chủ trương mua vào vàng vật chất, giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động giá và tiết kiệm chi phí cho Ngân hàng trên cơ sở cân đối nguồn. SCB đã thực hiện mua tổng cộng 63.987 lượng vàng, song tính đến cuối năm 2012, trạng thái âm nguồn vàng của SCB vẫn là 247.031 lượng (tương đương khoảng 9,5 tấn vàng).
Đối với dư nợ bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn, theo ông Minh, hiện cũng giảm đáng kể so với thời điểm 25/11/2011, khi NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng huy động vàng. Tuy nhiên, ông Minh từ chối tiết lộ về con số cụ thể mà chỉ cho biết, các ngân hàng đang tích cực đàm phán với khách hàng đã vay vàng trước đây để có thể chuyển sang tiền đồng.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|