Thứ Ba, 07/05/2013 11:17

Tỉ giá ổn định là tốt cho tăng trưởng bền vững

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định, diễn biến tỉ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép và kiên quyết không phá giá VND.

Từ đầu năm 2012, cán cân thương mại của Việt Nam đã cải thiện đáng kể với kim ngạch xuất khẩu hàng tháng hầu như đều vượt kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu của khu vực có vốn FDI, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo thống kê chính thức, nhập siêu từ Trung Quốc tăng từ 10 tỉ USD vào năm 2010 lên khoảng 12 tỉ USD vào năm 2011 và 16,3 tỉ USD vào năm 2012. Riêng 2 tháng đầu năm 2013, con số này là 4,4 tỉ USD. Nguyên nhân của sự gia tăng nhập siêu, một phần là do xuất khẩu tăng thấp, nên một số ý kiến lo ngại VND đang tăng giá và cần nới lỏng tỉ giá để hỗ trợ xuất khẩu.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định, diễn biến tỉ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép và kiên quyết không phá giá VND, tỉ giá chính thức vẫn ổn định ở mức 20.828 USD/VND trong nhiều tháng qua. Tại buổi làm việc về triển khai các giải pháp tiền tệ – ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tại An Giang mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố, do Việt Nam phải nhập siêu ít nhất trong 5 năm tới, nên tỉ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỉ giá chỉ nên biến động khoảng 1-2%. Thống đốc cũng cam kết, tỉ giá năm 2013 sẽ không tăng quá 2%, đồng thời sẽ cho vay ngoại tệ với lãi suất 4-5%/năm đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu nhằm tiết giảm chi phí và không phải vay VND.

Báo cáo đưa ra ngày 23/4/2013 của NHNN về tình hình hoạt động ngân hàng năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 cũng cho biết, lượng ngoại tệ NHNN mua được trong quý I/2013 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đưa quy mô dự trữ ngoại hối đạt mức tương đương thông lệ quốc tế là 12 tuần nhập khẩu. Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2012 đạt 10 tỉ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Philippines, và đứng thứ 9 thế giới. Với trạng thái ngoại tệ như vậy, NHNN hoàn toàn có khả năng can thiệp trong trường hợp cần thiết, và giá USD sẽ chỉ dao động trong biên độ cho phép.

Từ đầu năm nay, thị trường đã ghi nhận 3 đợt biến động của tỉ giá, nhưng đều dao động trong biên độ cho phép. Vì thế, biến động trong những ngày cuối tháng tư vừa qua của tỉ giá là hiện tượng bình thường. Cũng như nhiều lần trước đây, đợt biến động lần này của tỉ giá chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và đã nhanh chóng hạ nhiệt trở lại. Trên thực tế, giá USD bị chi phối bởi những yếu tố nhất định, có thể phân thành hai nhóm yếu tố trái ngược nhau như sau:

Nhóm yếu tố thúc đẩy xu hướng chuyển dịch tài sản sang USD

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi VND giảm dần và lạm phát ở mức thấp, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán èo uột, giá vàng đã chấm dứt chu kỳ tăng giá và đang giảm dần, kinh tế Mỹ đang phục hồi và USD tăng giá.

Nhóm yếu tố kìm hãm xu hướng chuyển dịch tài sản sang USD

Thời gian qua, chính sách chống đô la hóa nền kinh tế của NHNN đã thành công, tiền gửi VND vẫn an toàn và mang lại lãi suất cao hơn so với tiền gửi USD. Mặt khác, đồng USD vẫn có thể mất giá do chính phủ Mỹ tiếp tục các chương trình nới lỏng định lượng.

Sau khủng hoảng tài chính, việc các nước ồ ạt phá giá bản tệ để hỗ trợ xuất khẩu đã dẫn đến rủi ro “nhập khẩu” lạm phát, nổi bật là tại nhiều nước đang phát triển và mới nổi. Điều này cho thấy, phá giá để xuất khẩu không còn là biện pháp thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, đòi hỏi mỗi nước phải hướng vào việc sử dụng các biện pháp cân bằng cung – cầu của nền kinh tế trong nước.

Đối với Việt Nam, cần nhấn mạnh trọng tâm vào đổi mới môi trường pháp lý theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất như triệt để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thuế và các đầu mối “quản lý” doanh nghiệp, xây dựng các rào cản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô đồng thời giúp các doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ để cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho công nghiệp, qua đó sẽ hạn chế được tình trạng xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô, đặc biệt là nông sản và thủy sản sau thu hoạch. Về vấn đề này, nếu không có biện pháp xác đáng để thúc đẩy công nghiệp trong nước, thì không thể nâng cao được sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, không thể thoát khỏi tình trạng lấn lướt của hàng ngoại nhập và cũng không thể ngăn cản được hoạt động buôn lậu từ Trung Quốc, do hàng hóa của họ rẻ hơn nhiều và đa số người dân Việt Nam cũng chưa đòi hỏi nhiều về chất lượng hàng hóa do thu nhập còn ở mức thấp.

Cần nhanh chóng chấm dứt thực trạng hiện nay là, hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp từ cấu kiện và nguyên liệu nhập khẩu, nên giá trị gia tăng rất thấp, nhưng hậu quả khôn lường là làm gia tăng sự lệ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh tài sản cố định, mô hình công nghiệp này đòi hỏi phải có lượng vốn khá lớn để mua nguyên vật liệu cho quá trình vận hành sản xuất, chủ yếu là vốn vay. Điều này lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp mong muốn phá giá, nhưng biện pháp này không còn phù hợp trong xu thế toàn cầu hóa, mà mỗi doanh nghiệp cần tự đổi mới và giảm sự phụ thuộc vào vốn vay bên ngoài. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn thành đạt trong khủng hoảng vừa qua nhờ chủ động vươn lên từ đồng vốn của chính mình chứ không “ký sinh” vào vốn vay ngân hàng.

Hoàng Thế Thoả

sbv

Các tin tức khác

>   Ngân hàng loay hoay với dư nợ bằng vàng (07/05/2013)

>   Lãi suất huy động giảm: Người gửi băn khoăn, bên vay không vội mừng (07/05/2013)

>   Xử lý nợ xấu: Không đồng thuận, báo trước thất bại (06/05/2013)

>   VietinBank dành 5,000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (03/05/2013)

>   Ngân hàng “canh chừng” tài sản thế chấp (06/05/2013)

>   Nên giảm lãi suất USD (06/05/2013)

>   Cuối cùng thì PVF cũng công khai đề án hợp nhất với WesternBank (06/05/2013)

>   Đánh giá của Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước (06/05/2013)

>   Bầu Thắng không sợ đàm tiếu khi nắm thêm ngân hàng (06/05/2013)

>   CEO Vietcombank: 'Trần lãi suất có thể giảm thêm' (05/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật