Nên giảm lãi suất USD
Việc doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp giảm thêm lãi suất cho vay với đô - la Mỹ (USD) có thể xem là đòi hỏi chính đáng trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế, lãi suất cho vay USD hiện ở mức 6-8%/năm tại Việt Nam tuy thấp hơn nhiều lãi suất cho vay tiền đồng, song lại cao gấp 3 lần so với nhiều nước trong khu vực. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.
Đề xuất của doanh nghiệp xuất khẩu càng có lý nếu xét trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, song xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm tăng chậm hơn nhập khẩu và nền kinh tế vẫn trong cảnh nhập siêu.
Nói một cách công bằng, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể giảm thêm lãi suất cho vay USD.
Thứ nhất, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay USD hiện vẫn khá cao. Cụ thể, trần lãi suất huy động USD hiện nay là 2%/năm (với dân cư) và 1% (với tổ chức kinh tế), trong khi lãi suất cho vay trung bình là 6-8%/năm.
Như vậy, nếu lãi suất cho vay USD giảm thêm 2%/năm nữa thì ngân hàng vẫn có lãi.
Thứ hai, quy định vay USD hiện rất ngặt nghèo. Vì vậy, nếu lãi vay USD giảm, tín dụng USD cũng khó tăng mạnh. Thực tế, tính đến cuối tháng 4/2013, tín dụng ngoại tệ của toàn hệ thống giảm tới hơn 7%.
Thứ ba, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ dồi dào cũng là những yếu tố hỗ trợ giúp lãi suất cho vay USD có thể giảm thêm.
Trong cuộc gặp với doanh nghiệp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long mới đây, Thống đốc NHNN tuyên bố, sẽ đưa lãi suất cho vay ngoại tệ xuống 4- 5%/năm để hỗ trợ xuất khẩu. Dù vậy, điều khiến doanh nghiệp băn khoăn là NHNN chưa có chế tài cụ thể nào để ép các ngân hàng phải cho vay với lãi suất thấp, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu hiện vẫn phải vay USD với lãi suất 6-8%/năm.
Tới đây, NHNN có thể gia hạn cho vay ngoại tệ sau năm 2013, về lâu dài, sẽ chấm dứt cho vay bằng USD. Chống đô la hóa, chấm dứt cho vay ngoại tệ là cần thiết, do đô la hóa khiến cho kinh tế trong nước dễ tác động bởi các cú sốc của kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trong nước. Song trong bối cảnh lãi suất cho vay tiền đồng còn cao như hiện nay, để hỗ trợ xuất khẩu, ngoài việc giảm lãi suất USD, NHNN có thể gia hạn cho vay ngoại tệ đến năm 2014, 2015.
Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện lộ trình chống đô la hóa, Việt Nam phải tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất tiền đồng. Một khi niềm tin vào tiền đồng tăng lên, lãi suất cho vay tiền đồng hấp dẫn, thì doanh nghiệp sẽ không còn nhu cầu vay USD. Khi đó, vấn đề hạ lãi suất USD cũng không được đặt ra và việc chấm dứt hoàn toàn cho vay ngoại tệ vẫn chưa quá muộn.
Thùy Liên
đầu tư
|