Thứ Sáu, 03/05/2013 16:04

“Lỗi kép” vốn cho nền kinh tế

Tín dụng ngân hàng hầu như không tăng trưởng, vốn huy động của ngân hàng chảy vào trái phiếu chính phủ, nhưng đầu tư công chậm được giải ngân, nền kinh tế dường như đang chịu một “lỗi kép” về dòng vốn.

Tín dụng ngân hàng: “giậm chân tại chỗ”

Báo cáo Tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho thấy, tình hình sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, tính đến ngày 1/4/2013, hàng tồn kho công nghiệp chế biến vẫn tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2012. Tình hình sản xuất tăng trưởng chậm được phản ánh khá rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2013 tăng thấp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2013 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn mức tăng 5,9% trong 4 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011.

Cùng với khả năng hạn chế trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, những khó khăn trên đang khiến nguồn lực của DN dần cạn kiệt. Số DN ngừng hoạt động hoặc phá sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong quý I/2013, cả nước có tới 15.839 DN ngừng hoạt động hay phá sản, cao hơn so với 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

“Có thể nói, sự suy yếu của DN trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu NSNN năm 2013, mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau”, một lãnh đạo cao cấp của UBGS nhận định.

Trên thực tế, nếu so với những tháng đầu năm 2012 thì tình hình tăng trưởng tín dụng đầu năm 2013 khả quan hơn. Tìm hiểu của ĐTCK, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng tính đến ngày 24/4 so với 31/12/2012 tăng 1,58%, trong đó, tín dụng bằng VND tăng 3,5%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 7,3%. Tăng trưởng tín dụng chung thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Theo tính toán của UBGS, chỉ tính riêng quý I/2013, để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra, tăng trưởng tín dụng cần phải đạt ít nhất 1,5% so với cuối năm 2012 (tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt khoảng 1,58% so với đầu năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là: lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của DN. Hiện lãi suất cho vay phổ biến từ 9 - 12%/năm đối với lĩnh vực được khuyến khích, còn lại phổ biến từ 11 - 15%/năm. Mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn DN vay vốn đầu tư trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu như hiện nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh, dù huy động vẫn đạt mức tăng khá.

Vốn đầu tư công: Huy động nhanh, giải ngân chậm

“Tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động, nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn. Vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như đầu tư trái phiếu chính phủ, cho dù lợi suất trái phiếu chính phủ có những thời điểm đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ví dụ, ngày 28/3, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm lần đầu tiên xuống dưới 8%/năm kể từ 4 năm qua (7,84%/năm)”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói.

Theo UBGS, những tháng đầu năm, thông qua phát hành trái phiếu, NSNN đã huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư nhằm gia tăng tổng cầu. Tổng huy động trái phiếu chính phủ qua kênh đấu thầu tại Sở GDCK Hà Nội trong quý I/2013 đạt 62.852 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành đạt 52.857 tỷ đồng, trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành đạt 8.595 tỷ đồng, trái phiếu do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành đạt 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân chậm đã khiến khả năng hỗ trợ tổng cầu từ NSNN không đạt được hiệu quả như mong đợi do còn một lượng vốn lớn chưa được giải ngân. Huy động trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành trong 3 tháng đầu năm đạt 52.857 tỷ đồng, tăng 80% so với quý I/2012. Trong khi đó, vốn đầu tư từ NSNN thực hiện trong quý I ước chỉ đạt 35.200 tỷ đồng.

TS. Hiếu phân tích, tỷ lệ nợ xấu tăng cao gây tắc nghẽn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN chậm đang tạo nên tác động kép gây ra hiệu ứng loại trừ đầu tư khu vực tư nhân ngoài mong muốn.

Vị lãnh đạo của UBGS nhận định, do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát 6 - 6,5% cả năm 2013 có khả năng đạt được, nên trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,5%. Để đạt được mục tiêu này thì bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN, cần hỗ trợ cả tổng cầu. Bên cạnh đó, đối với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho DN, nhằm khuyến khích DN vay vốn đầu tư đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản.

Cũng theo vị lãnh đạo này, đối với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Đồng thời, trong bối cảnh thu NSNN khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm và hiệu quả hơn trong năm 2013 để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Hồng Dung

Đầu Tư Chứng Khoán

Các tin tức khác

>   ABBank đặt kế hoạch lãi trước thuế 2013 tăng 32% năm trước (03/05/2013)

>   Ngân hàng mạnh tay mua vàng đấu thầu (03/05/2013)

>   Thực trạng nợ xấu Việt Nam trên báo nước ngoài (03/05/2013)

>   Navibank: Vốn 3,000 tỷ, lãi chưa đến 3 tỷ (03/05/2013)

>   VPBank triển khai dịch vụ thu ngân sách nhà nước (19/04/2013)

>   VPBank: Báo cáo tình hình quản trị năm 2012 (09/04/2013)

>   VPBank: Báo cáo thường niên năm 2012 (18/04/2013)

>   VPBank: Tài liệu họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2013 (18/04/2013)

>   VAMC sẽ mua, bán nợ thực (03/05/2013)

>   Sớm giảm lãi suất vay USD (03/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật