Thị trường vàng nữ trang: Không nên tham bát bỏ mâm?
Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý I/2013 giảm 12-14% so với cùng thời điểm năm 2012. Thông tin này rất đáng chú ý, do từ trước đến nay doanh thu từ xuất khẩu nữ trang tại các DN không lớn so với doanh thu từ thị trường nội địa. Vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang chú trọng hơn đến thị trường nội địa.
Nhu cầu giảm
Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý I/2013 giảm 12-14% so với cùng thời điểm năm 2012. Thông tin này rất đáng chú ý, do từ trước đến nay doanh thu từ xuất khẩu nữ trang tại các DN không lớn so với doanh thu từ thị trường nội địa.
Sau khi quy định các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 80% đến dưới 99,99% bị áp thuế suất xuất khẩu tới 10% (Thông tư số 111/2011/TT-BTC). Kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức năm 2011 chỉ đạt khoảng 2,1 tỷ USD; năm 2012 gần như không có hoạt động xuất khẩu do đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động xuất khẩu vàng và nữ trang theo quy định mới tại Nghị định 24 của Chính phủ.
Chế tác vàng trang sức tại xưởng SJC Tân Thuận (TP. HCM)
|
Vì thế, các DN kinh doanh vàng nữ trang chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Theo TS. Quách Thu Nguyệt (người nghiên cứu về vàng) tâm lý chung của nhiều gia đình Việt Nam, dù sinh sống ở nông thôn hay thành thị, vẫn xem vàng là của để dành, để cất giữ. Hơn thế với nhiều chị em, vàng còn là trang sức để tôn thêm vẻ đẹp của mình. “Để mất đối tượng khách hàng này là một vấn đề rất khó khăn đối với DN kinh doanh vàng”, TS. Nguyệt nói.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc PNJ, dù tâm lý mua trang sức vừa để làm đẹp, vừa là của cải tích trữ vẫn phổ biến nhưng từ đầu năm đến nay, xu hướng mua sắm trang sức của thị trường Việt Nam đã có sự thay đổi do đối tượng khách hàng càng trẻ hóa, yêu cầu về mẫu mã và loại vàng ngày càng đa dạng.
Không chỉ ở PNJ, tính theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới giá trị hàng trang sức tiêu thụ của Việt Nam qua các năm có biến động trồi sụt. Trong khi đó ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC khẳng định: giao dịch vàng của SJC trong quý I/2013 rất tốt. Tuy nhiên, ông Dũng bỏ ngỏ vấn đề trang sức vàng SJC.
Tự cứu mình
Những người quan tâm đến trang sức vàng cho rằng, thu nhập thực tế của người dân thời gian qua giảm sút, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức thấp là chuyện dễ hiểu. Điều này làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức của DN Việt Nam gặp bế tắc. Nhất là khi Chính phủ thực hiện chủ trương sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, các DN kinh doanh vàng không thể trông đợi kênh vàng miếng để cứu lợi nhuận như trước mà chuyển sang tập trung phát triển vàng trang sức. Dù sao, đây vẫn là thị trường nhiều tiềm năng. Theo bà Cúc, Việt Nam vẫn là quốc gia có sức tiêu thụ nữ trang vàng lớn trong khu vực.
Tuy nhiên, các DN cần có sự thay đổi mẫu mã cũng như đảm bảo chất lượng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Điều này vô tình khiến người dân chán giữ vàng nữ trang mà chuyển sang giữ vàng miếng để tài sản được đảm bảo.
Theo TS. Nguyệt, để phát triển thị trường vàng trang sức hội nhập với thế giới thì trước tiên cần tạo dựng niềm tin nơi thị trường nội địa. Điều này là vô cùng quan trọng, song để thực hiện được cũng không quá khó. Bởi chính những bà nội chợ chứ không ai khác làm tăng doanh thu cho sản phẩm vàng trang sức vốn lâu nay bị lấn lướt bởi vàng miếng. Cũng chính họ, với thói quen và nhu cầu mua sắm vàng trang sức sẽ là tác nhân kích thích tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, tinh xảo chất lượng. Và khi mẫu mã đẹp, kiểu dáng phong phú thì cạnh tranh với thị trường vàng trang sức thế giới là trong tầm tay.
Bà Cúc cũng thừa nhận các DN vàng trong nước cần có sự thay đổi hơn để chiếm lại thị trường. Theo đó, ngoài vấn đề kiểm soát chặt chất lượng, các DN cần quan tâm hơn đến mẫu mã. “Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng tại các thành phố lớn hoặc hàng ngoại có ứng dụng các máy móc công nghệ cao hơn đang tạo sự khác biệt trên thị trường. Dẫn đến các DN trong nước đang phải cạnh tranh và phải nhường bớt thị phần cho những hàng nhập khẩu không chính quy”, bà Cúc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh, Điều 21 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 25/5/2012 các tổ chức đang hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin phép cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ tại NHNN. Hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN cấp là hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng sẽ bị xử theo Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. |
Vũ Hoàng
thời báo ngân hàng
|