Thứ Hai, 27/05/2013 09:51

Khoảng cách giá vàng sẽ được thu hẹp

Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - NHNN cho biết: cùng với việc triển khai Nghị định 24, NHNN đã phối hợp với cơ quan chức năng triển khai Nghị định 95 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng, nhờ thế, đến thời điểm này về cơ bản vàng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xoay quanh vấn đề thị trường vàng sau 1 năm triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - NHNN cho biết:

Có thể nói, trong 1 năm qua, NHNN đã có những nỗ lực lớn trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khẩn trương đưa Nghị định 24 vào cuộc sống. Theo đó, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định 16/2003/QĐ-TTg về việc mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN; NHNN cũng đã ban hành 7 Thông tư, Quyết định để hướng dẫn Nghị định 24;… đảm bảo hành lang pháp lý để có thể triển khai tất cả hoạt động theo quy định tại Nghị định 24.

Vàng đã không còn là phương tiện thanh toán, mà chỉ là một loại hàng hóa

Bên cạnh đó, NHNN còn tổ chức triển khai 3 hoạt động lớn liên quan đến vàng miếng. Đó là: tổ chức sắp xếp lại mạng lưới mua bán vàng miếng thông qua việc cấp phép cho 38 TCTD và DN với mạng lưới 2.500 điểm kinh doanh trên tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước; Triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng theo quy định của Nghị định 24 và các văn bản hướng dẫn ban hành.

Và điểm nữa quan trọng là tổ chức nhập khẩu, cung ứng vàng miếng ra thị trường. Cụ thể, trong 7 tuần vừa qua, NHNN đã tổ chức nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nhằm cung ứng ra thị trường thông qua hoạt động đấu thầu bán vàng miếng. Điều này đã giúp thu hẹp sự mất cân đối cung – cầu vàng miếng trên thị trường.

Song song với việc triển khai các giải pháp thực hiện theo Nghị định 24, NHNN còn có những biện pháp mạnh mẽ kiên quyết để chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các TCTD. Đến 30/6 tới đây các TCTD về cơ bản sẽ tất toán toàn bộ số dư huy động vàng trên thị trường. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần chống vàng hóa và loại trừ rủi ro về giá vàng đối với hoạt động của hệ thống TCTD.

Tất nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 24 cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn. Nhưng NHNN cũng đã phối hợp tương đối tốt với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời những phát sinh vướng mắc như: xử lý vàng SJC móp méo và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC. Có thể nói đến thời điểm hiện nay, nhu cầu chuyển đổi vàng về cơ bản đã được đáp ứng.

Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết về thị trường vàng. Ông có thể cho biết những nội dung được đưa ra theo Nghị quyết?

Quốc hội và Chính phủ đã ra các Nghị quyết, trong đó yêu cầu NHNN thực hiện một số nội dung liên quan đến việc quản lý thị trường vàng. Đó là: yêu cầu NHNN khắc phục bất cập trong quản lý thị trường vàng; ổn định thị trường vàng; yêu cầu giá vàng trong nước tiến tới bám sát giá vàng thế giới; đảm bảo lợi ích của người dân; không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Qua việc triển khai các giải pháp đồng bộ kể trên về cơ bản, các yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra đã được đáp ứng.

Ông có thể nói rõ hơn những kết quả đã đạt được đối với thị trường này?

Như đã biết, thời gian vừa qua, mặc dù giá vàng thế giới biến động mạnh, nhưng thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, không xuất hiện bất kỳ cơn sốt vàng cũng như hiện tượng đầu cơ vàng trên thị trường.

Bên cạnh đó, cùng với việc triển khai Nghị định 24, NHNN đã phối hợp với cơ quan chức năng triển khai Nghị định 95 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng, nhờ thế, đến thời điểm này về cơ bản vàng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Và mặc dù, hiện giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn khoảng cách nhất định do diễn biến giá vàng thế giới tương đối phức tạp, trong khi giá vàng trong nước giảm đều và ổn định, nhưng trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục thực hiện cung ứng vàng miếng trên thị trường thông qua đấu thầu để tạo lập sự cân bằng trên thị trường, tiếp tục giảm sự chênh lệch.

Nói tóm lại 1 năm qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý triển khai tốt Nghị định 24 và đã đạt được mục tiêu quan trọng: ổn định thị trường vàng, làm cho giá vàng không ảnh hưởng bất lợi tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước.

NHNN đã tổ chức 22 phiên đấu thầu vàng miếng, tuy nhiên mấy phiên gần đây, lượng vàng bị “ế” khá lớn. Đó có phải do cung – cầu đang tịnh tiến về điểm cân bằng? Và nếu đúng như vậy, theo nhận định của ông, liệu giá trong nước và thế giới sát nhau?

Trong hơn 1 tháng vừa qua tình hình diễn biến giá vàng thế giới rất phức tạp cả chiều lên lẫn chiều xuống. Việc tham gia đấu thầu của các TCTD, DN tùy thuộc nhiều vào dự báo diễn biến giá vàng thế giới. Có nhiều phiên lượng đặt thầu cao hơn chào thầu của NHNN, nhưng cũng có những phiên đặt thầu thấp hơn chào thầu của NHNN.

Tôi nghĩ rằng trong một cơ chế vận hành theo thị trường điều đó là bình thường. Tuy nhiên, thông qua hơn 20 phiên đấu thầu, NHNN đã tăng một lượng cung đáng kể vàng miếng ra thị trường và đã thu hẹp sự mất cân đối trên thị trường. Và xu hướng đó tiếp tục duy trì và khoảng cách giá vàng sẽ được thu hẹp trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách:

Khi chưa hiểu rõ, đừng vội hành động

Rất nhiều người đã không hiểu hết đích hướng đến và việc phải làm của Nghị định 24 cũng như những gì đã diễn ra trên thị trường vàng và nguyên cơ của những cơn sốc giá trước đó, vì họ mới chỉ nhìn thấy những từ khóa như “không được phép – độc quyền – đấu thầu – chênh lệch giá cao…”. Những từ khóa này đã gây nên sự hiểu nhầm.

Tôi cũng xin lưu ý, nếu không hiểu rõ thực sự những gì đã và đang diễn ra trên thị trường vàng, thiếu tin tưởng về thị trường này trong tương lai, thì người đó dễ có thể có những quyết định không chính xác liên quan đến hoạt động đầu tư vàng và khi đó tổn thất sẽ khó tránh khỏi.

Lâu nay, với người dân Việt Nam vàng vừa là tài sản, vừa được sử dụng như một loại tiền dùng làm định lượng định giá tài sản khi cho vay, mua bán, thậm chí gửi ngân hàng lấy lãi. Chính vì vàng đã được sử dụng như tiền, vì còn tín dụng bằng vàng nên thị trường đã có lúc bị xáo trộn, bị làm giá, đầu cơ… gây biến động tới tỷ giá. Vì vậy cần phải triệt tiêu tính tiền tệ của vàng. Nghị định 24 và cách thức thực hiện của NHNN đang hướng đến việc tách chức năng tiền tệ ra khỏi vàng, tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng để vàng chỉ còn là tài sản.


Thanh Huyền thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giá vàng tuần tới: Xu hướng tăng là chủ đạo? (26/05/2013)

>   TS Lê Xuân Nghĩa luận về tăng trưởng, nợ xấu, vàng và ngoại tệ (25/05/2013)

>   Vàng và USD tự do cùng đứng giá (25/05/2013)

>   Bán bao nhiêu tấn vàng mới giảm chênh lệch giá? (25/05/2013)

>   Vàng tăng 1.6% sau 5 phiên bất chấp phiên giảm giá cuối tuần (25/05/2013)

>   Đấu thầu vàng kịch tính hơn (24/05/2013)

>   Thị trường vàng đã không còn “sóng lớn” (24/05/2013)

>   Tăng nhẹ, vàng lên mốc 40,92 triệu đồng mỗi lượng (24/05/2013)

>   Vàng tăng vọt gần 25 USD/oz trước đà sụt giảm của TTCK toàn cầu (24/05/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán hết vàng (23/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật