Thị trường vàng đang đi vào ổn định
Thị trường vàng đã ổn định hơn và hoạt động theo đúng quy luật thị trường kể từ sau khi Nghị định 24 ra đời.
Mặc dù giá vàng trong nước với quốc tế còn cao do nhu cầu vàng trong nước còn lớn, song khoảng cách này sẽ nhanh chóng rút xuống khi các tổ chức tín dụng (TCTD) tất toán trạng thái vàng. Đó là đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.
Ông nhìn nhận ra sao về tác động của Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng đối với thị trường vàng?
Từ khi Nghị định 24 ra đời, vàng đã không còn làm chao đảo thị trường như trước kia. Chúng ta có thể thấy không có những cơn sốt vàng, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, thu gom ngoại tệ làm tỷ giá biến động, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu cũng như CPI.
Tất nhiên, trên thị trường vàng, vẫn có những cơn sóng nhỏ, ví dụ như khi giá vàng thế giới hạ nhanh, khiến giá vàng trong nước hạ theo xuống dưới mức 39 triệu/lượng. Nếu như trước kia, những cơn sốc về giá như vậy có thể kéo theo cảnh tượng người người xếp hàng đi mua vàng, nhưng lần này, người dân đã không đổ xô mua vàng. Mặc dù giá vàng có lên, có xuống, song chủ yếu do tác động của giá vàng thế giới. Nhìn chung, sau khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng khá ổn định, đặc biệt kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tham gia thị trường với vai trò người mua bán cuối cùng.
Thế nhưng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn rất lớn. Ông lý giải sao về hiện tượng này?
Nguyên nhân chủ yếu khiến chênh lệch giá vàng lớn là do giá vàng thế giới thời gian gần đây giảm rất nhanh, trong khi giá vàng trong nước không theo kịp. Điều này một phần cũng bởi nhu cầu vàng trong nước vẫn rất lớn. Người dân vẫn có tâm lý tích trữ vàng, các TCTD mua vào để phục vụ mục tiêu tất toán trong thời gian tới. Sở dĩ như vậy là do trước đây các TCTD được phép huy động và cho vay vàng, được phép chuyển một phần vốn vàng thành tiền đồng. Do huy động kỳ hạn ngắn, song lại cho vay với thời hạn rất dài, trong khi theo yêu cầu của NHNN, chậm nhất đến 30/6 này, các TCTD phải tất toán toàn bộ trạng thái vàng. Chính vì vậy, các TCTD phải tích cực mua vàng để bù đắp lượng vàng đã cho vay chưa đến kỳ thu nợ. Bởi vậy, tôi tin rằng, khi các TCTD tất toán xong trạng thái vàng, cộng với việc NHNN bán tăng cung như hiện nay, nhu cầu vàng sẽ giảm rất mạnh và chênh lệch giá sẽ giảm nhanh.
Vậy, tại sao NHNN không hạ thấp giá bán để giảm nhanh mức chênh lệch này, thưa ông?
Đây là cuộc chơi của thị trường. Dù giá thế giới có giảm nhưng nhu cầu trong nước cao nên NHNN bán ra giá cao. Điều này thể hiện ở chỗ, NHNN bán vàng ra giá cao mà vẫn có người mua. Như vậy, NHNN đang làm đúng quy luật thị trường, nếu không sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước và chính NHNN sẽ bị quy kết “lợi ích nhóm”. Mục tiêu lâu dài của NHNN là bình ổn thị trường vàng, chứ không đặt mục tiêu bình ổn giá vàng. Vì vậy, trong những thời điểm nhất định, giá vàng trong nước có thể chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, nhưng trong trung và dài
hạn thì hai mức giá này sẽ song hành
với nhau.
Như trên tôi đã phân tích, độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới thời gian qua lớn một phần cũng do giá vàng thế giới giảm rất nhanh, trong khi nhu cầu vàng trong nước lại lớn. Nhìn lại diễn biến thị trường từ khi NHNN tôrổ chức hoạt động đấu thầu vàng, có thể thấy, sau 5 phiên đầu đấu thầu vàng đầu tiên, giá vàng từ mức 46-47 triệu đồng/lượng đã tụt xuống 42 - 43 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới tương đối ổn định. NHNN tính toán chỉ cần 1 hoặc 2 phiên nữa là đưa xuống khoảng cách dưới 2 triệu đồng, nhưng sau phiên thứ năm, giá vàng thế giới tụt xuống làm khoảng cách giãn ra.
Nếu giá vàng thế giới không biến động nhiều lắm, cùng với sự quản lý thị trường vàng của Nhà nước như hiện nay, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới sẽ cách nhau khoảng 2 triệu đồng/lượng là chấp nhận được và khi đó, Nhà nước sẽ không can thiệp mà tự thị trường điều chỉnh.
Hiện dư luận đang quan tâm đến việc ai sẽ là người hưởng lợi từ độ chênh này?
Trước tiên, chúng ta chưa bàn đến việc ai là người hưởng lợi ở đây. Bởi nếu chúng ta không làm gì, cứ để thị trường vàng “hỗn loạn” như thời gian trước, hay để các NHTM tiếp tục giữ trạng thái của họ, thì hệ thống ngân hàng có thể mất tài sản, kéo theo đó là những bất ổn vĩ mô rất khó lường. Tôi được biết, một NHTM có uy tín lớn, chỉ mới xử lý vấn đề về vàng thôi đã sụt giảm trên 30% tổng tài sản. Nếu các ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng như vậy thì không biết hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hướng đến mức nào?
Bởi vậy, thay vì quan tâm ai là người hưởng lợi, mối quan tâm của chúng tôi là không để hệ thống ngân hàng rơi vào rủi ro về vàng như một số ngân hàng lớn đã đối diện.
Hơn nữa, vàng không phải là mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn về giá, không là hàng hóa có tính chất quốc kế dân sinh, vàng không tạo ra giá trị gia tăng, Nhà nước không khuyến khích người dân kinh doanh vàng miếng nhưng cũng không cấm, nên ai thích chơi vàng thì phải trả bớt phần lợi nhuận cho Nhà nước. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với trước đây, khi phần lợi nhuận này rơi vào túi tư nhân.
Tôi cũng muốn đưa ra một hình ảnh so sánh, một chiếc ô tô ở nước ngoài giá khoảng 40.000 USD nhưng về Việt Nam, sau khi cộng tất cả các khoản thuế, giá đã đội lên gấp 3 lần, bởi Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu ô tô. Ai muốn mua ô tô thì phải chấp nhận mức thuế cao. Thị trường ô tô chấp nhận được, vì sao thị trường vàng lại không chấp nhận?
Theo ông, khi nào thị trường vàng thực sự đi vào quỹ đạo ổn định?
Hiện tại, đồng nội tệ đã ổn định và tiếp tục ổn định. Chúng ta đã làm được một việc là chuyển dịch ngoại tệ sang tiền đồng. Thị trường vàng chưa ổn định được ngay, chủ yếu do các NHTM chưa đóng trạng thái vàng. Các ngân hàng cần hơn chục tấn vàng nữa để đóng trạng thái. Khi nào, các tổ chức tín dụng thực hiện tất toán xong trạng thái vàng, tôi tin, mức độ hấp dẫn của vàng sẽ giảm đi, tiền đồng, chứng khoán sẽ tăng sức hấp dẫn, thậm chí bất động sản cũng hấp dẫn hơn. Khi đó người dân sẽ bán vàng ra để có tiền đầu tư cho các kênh khác. Câu chuyện tương tự có thể thấy ở, khi kinh tế phục hồi, vàng không còn hấp dẫn, trong khi bất động sản sau 4 năm khó khăn giờ đang phục hồi và trở nên hấp dẫn. Như vậy, hệ quả là chúng ta sẽ lại mua được vàng, giống như chúng ta đã mua được ngoại tệ. Quan trọng là Nhà nước phải kiên định với đường lối kinh tế, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì mới đi tới đích.
Thời gian tới, khi nền kinh tế qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, Nhà nước cũng cần tính đến chuyện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng.
Hồng Dung thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|