Nhìn lại một năm chống vàng hóa (Bài 2)
TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, việc thiết lập trật tự thị trường là tiền đề quan trọng cho các chính sách về vàng của NHNN trong thời gian tới. Theo TS. Hiếu, với việc thiết lập mạng lưới kinh doanh vàng miếng mới, chấm dứt hoạt động cho vay và huy động vàng… NHNN đã đặt viên gạch đầu tiên, nhưng rất quan trọng đối với thị trường vàng.
* Bài 1: Dần đưa thị trường vàng vào khuôn khổ
Bài 2: Nghị định 24 và những nốt thăng, trầm
Có lập lại trật tự, chính sách mới phát huy hiệu quả
Thách thức thị trường
Việc cho ra đời Nghị định 24 để dần kiến tạo lại thị trường vàng rất cần thiết. Song, Nghị định ra đời trong bối cảnh thị trường vàng trong nước cũng như quốc tế diễn biến phức tạp. Mặt khác, để thay đổi tập quán nắm giữ vàng tồn tại nhiều năm của người dân Việt Nam không hề đơn giản. Điều này khiến cho các nhà làm chính sách gặp không ít hoài nghi về tính hiệu quả của Nghị định này.
Theo Nghị định 24, những cửa hàng không đáp ứng điều kiện sẽ không được kinh doanh vàng miếng
|
Ngay khi Nghị định 24 còn đang “phôi thai” đã có những thông tin không chính xác về việc sẽ chỉ tồn tại một loại vàng duy nhất là SJC khiến không ít người dân mang vàng các thương hiệu khác không phải SJC đi bán bằng mọi giá. Việc này không chỉ tạo cơ hội cho kẻ trục lợi về giá, một lượng vàng nhái SJC được tung ra gây nhiễu loạn thị trường vàng.
Rồi khi Nghị định 24 ra đời với khẳng định của Chính phủ tại khoản 2 điều 4: “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật” vẫn chưa thể giúp người dân yên tâm về quyền sở hữu vàng. Và đã không ít lần cơ quan quản lý là NHNN phải khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều này.
Trước sức ép thị trường, để giải tỏa áp lực tâm lý người dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng phi SJC sang vàng miếng SJC, NHNN đã yêu cầu công ty SJC gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng SJC móp méo, vàng miếng thương hiệu khác và quá trình gia công được thực hiện một cách công khai, minh bạch và diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC đáp ứng nhu cầu chi trả vàng SJC cho người dân của các TCTD, NHNN tổ chức thực hiện phương án tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế.
Song khó khăn vẫn dồn lên vai nhà làm chính sách khi thực hiện Nghị định 24 là thách thức từ diễn biến kinh tế thế giới trong mấy năm trở lại đây ngày càng phức tạp với sự bất ổn của các nền kinh tế lớn. Nhà đầu tư thế giới tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, làm cho giá vàng tăng liên tục trong vòng 2 năm và phá vỡ các mốc dự đoán. Trong khi giá vàng thế giới biến động nhanh, mạnh, nhiều năm nay giá vàng trong nước luôn phản ứng chậm.
Chính vì vậy, sau khi Nghị định 24 ban hành, tình trạng chênh lệch giá vẫn chưa được cải thiện. Điều này khiến không ít người hoài nghi về tính đúng đắn trong điều hành chính sách của NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thực hiện quản lý các hoạt động kinh doanh vàng liệu có bình ổn thị trường vàng khi vẫn để tình trạng chênh lệch giá kéo dài; Nghị định 24 liệu có đi chệch quỹ đạo?
Nhưng cũng không ít ý kiến đánh giá, mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 đó là quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường. Từ đó tiến tới xóa bỏ vàng hóa trong nền kinh tế.
Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Võ Trí Thành cho rằng, để đánh giá về sự thành công các chính sách về vàng, cụ thể là qua các phiên đấu thầu vàng của NHNN thì kết quả thu được có đạt mục tiêu ổn định thị trường, tránh xáo trộn tâm lý quá mức cần thiết của thị trường, đồng thời góp phần ổn định cán cân thanh toán quốc tế, điều hòa được việc kiểm soát cung tiền, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô hay không…
Thực tế cho thấy các mục tiêu trên đều đã đạt được. “Việc NHNN đấu thầu bán vàng nhằm làm tăng nguồn cung cho thị trường là hành động đúng đắn khi nguồn cung mất cân đối”, ông Thành khẳng định.
Và những lựa chọn cân não
Tại sao NHNN lại lựa chọn phương thức đấu thầu thay vì mua, bán trực tiếp? Với kinh nghiệm làm việc lâu năm trên thị trường ngoại hối, một chuyên gia bình luận: Trong bối cảnh hiện nay, đấu thầu vàng là cách làm tốt nhất NHNN đưa vàng ra thị trường để cân bằng cung – cầu. Bởi nếu so với thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường bán buôn về vàng hoạt động chưa hiệu quả.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, NHNN thực hiện can thiệp nhiều biện pháp hành chính vào thị trường tiền tệ. Nhưng việc bán vàng ra thị trường, đặc biệt là qua đấu thầu công khai minh bạch mang tính thị trường. Nhìn lại 12 phiên đấu thầu, sự phản hồi khá tích cực từ các thành viên tham gia đấu thấu. Dù là nghiệp vụ khá mới mẻ, nhưng quy trình, cơ chế đấu thầu đều công khai, minh bạch.
Đại diện một DN kinh doanh vàng miếng cho hay: quy chế giao dịch T+1 diễn ra thông suốt cho thấy sự chuyên nghiệp trong điều hành cơ chế chính sách cũng như sự am hiểu về thị trường của NHNN.
Tuy nhiên, sau 12 phiên đấu thầu và hơn 13 tấn vàng cung ra thị trường nhưng giá vàng trong nước và thế giới chưa thể thu hẹp khoảng cách. Theo Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, trong điều kiện thực tiễn nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thời gian vừa qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên để đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá...
Đây là lý do mà trong hai năm trở lại đây NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trong khi đó người dân vẫn có nhu cầu vàng và đặc biệt là có một phần nhu cầu đến từ các TCTD để thực hiện việc tất toán số dư huy động vàng. Điều này dẫn đến cung - cầu trên thị trường lệch pha khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là tác động lớn từ giá vàng trên thị trường quốc tế ngày càng bất ổn. Giá vàng đã trải qua phiên giảm mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây.
“Và nếu NHNN không bán ra, TCTD “kiếm” đâu ra nguồn vàng để trả “nợ”. Và rất có thể họ phải mua bằng mọi cách, bằng mọi giá. Lúc bấy giờ thị trường sẽ ra sao?”- một chuyên gia đặt vấn đề. Các thành viên tham gia đấu thầu cho biết, hầu hết các phiên lượng đặt thầu ở mức giá NHNN chào đều cao hơn khối lượng chào thầu. “Điều đó cho thấy cầu rất lớn từ thị trường nên không có lý do để hạ giá”, vị chuyên gia trên nói thêm.
Do đó, theo vị này, chủ trương tăng cung qua đấu thầu bán vàng miếng của NHNN là phù hợp với thực tiễn. Cũng có ý kiến về việc NHNN chào giá sàn cao khiến thời gian để kéo sát giá vàng trong nước và thế giới kéo dài hơn. Nhưng ở vị trí của mình, NHNN phải thận trọng và phải dựa trên tổng thể lợi ích quốc gia.
Khách quan mà nói, từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ về hoạt động quản lý thị trường vàng, mặc dù giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch với giá thế giới, tuy nhiên không còn tái diễn hiện tượng cơn sốt vàng, không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá, hoạt động trên thị trường ngoại tệ thời gian qua là hết sức ổn định. Đây là một trong những yếu tố then chốt để góp phần cùng với nỗ lực của Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, việc thiết lập trật tự thị trường là tiền đề quan trọng cho các chính sách về vàng của NHNN trong thời gian tới. Theo TS. Hiếu, với việc thiết lập mạng lưới kinh doanh vàng miếng mới, chấm dứt hoạt động cho vay và huy động vàng… NHNN đã đặt viên gạch đầu tiên, nhưng rất quan trọng đối với thị trường vàng.
Điều quan trọng và cũng là mục tiêu lớn tại Nghị định 24, thị trường vàng đã thiết lập lại trật tự. “Nếu thị trường không thiết lập trật tự thì lúc này chắc chắn người dân sẽ bổ nhào đi mua – bán vàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Theo ông Hiếu, việc người dân bình tĩnh hơn đối với diễn biến thị trường vàng, bởi họ hiểu rằng, NHNN đang là người cầm trịch thị trường này và cơ quan này đang thực hiện mọi giải pháp để bình ổn thị trường. “Đây là động thái rất tích cực cho thấy trật tự thị trường đang được thiết lập một cách tốt đẹp”, ông Hiếu nói.
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại Nghị định 24 đó là tại khoản 6 điều 19 quy định rõ 7 hành vi vi phạm, trong đó có sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Dù trước đó nhiều ý kiến e ngại sẽ khó thực hiện quy định cấm thanh toán bằng vàng vì tập quán này tồn tại từ lâu đời.
Thế nhưng, thực tế sau hơn nửa năm Nghị định 24 có hiệu lực, cùng với thanh tra kiểm tra gắt gao của NHNN, việc thanh toán bằng vàng nhất là trong lĩnh vực bất động sản đã giảm rất nhiều, những niêm yết công khai hoàn toàn chấm dứt. Đây có thể coi là bước đột phá trong đề án chống vàng hóa mà NHNN triển khai.
Nghị định 24 cũng là một trong những Nghị định có nhiều văn bản hướng dẫn và được ban hành trong một thời gian ngắn cho thấy nỗ lực từ cơ quan quản lý nhằm nhanh chóng đưa thị trường vàng vào khuôn khổ:
- Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
- Quyết định 1623/QĐ-NHNN về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.
- Quyết định 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN Việt Nam.
- Thông tư 05/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý trong ngành Ngân hàng ban hành theo Quyết định số 78/2000/QĐ-NHNN6.
- Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN.
- Quyết định 563/QĐ-NHNN về ban hành quy trình mua, bán vàng miếng của NHNN Việt Nam.
|
Thanh Huyền
thời báo ngân hàng
|