Thứ Sáu, 17/05/2013 06:29

Phòng thủ khó khăn: Dân không ăn tiêu, DN không đầu tư

2013 vẫn là một năm khó khăn và việc đạt được các mục tiêu đã đề ra sẽ là không dễ dàng.

Niềm tin thị trường sụt giảm

Theo TS Ngô Trí Long, niềm tin nền kinh tế đang bị giảm sút, thể hiên nhà đầu tư không đưa vốn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàn chi tiêu, nên tổng cầu và tổng cung năm 2013 khó cải thiện. Do vậy, nền kinh tế năm 2013 khó khôi phục nhanh, khó đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 1/2013 ước tính tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,64% của quý 1/2012. Nếu so sánh rộng ra, GDP quý 1/2013 có mức tăng thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP cùng kỳ các năm 2011, 2010.

Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2011 là 5,89%, năm 2010 đạt ở mức 6,78% thì đây là một chỉ số trung bình thấp so với nhiều năm trước, đó là con số lạc quan trong bối cảnh hiện nay. Năm 2012, chỉ số GDP cả năm chỉ tăng 5,03% so với năm 2011.

Điều đó cho thấy, dù có thể kỳ vọng sự cải thiện của GDP cả năm do xu hướng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, cũng một xu hướng khác chứng minh nếu xuất phát điểm của quý đầu thấp, tăng trưởng kinh tế cả năm cũng khó có sự đột biến.

Trong quý 1/2013, lần đầu tiên ghi nhận hiện tượng trên phạm vi cả nước nói chung, các DN đăng ký thành lập mới thấp hơn số DN dừng hoạt động và phá sản. Theo Bộ kế hoạch và đầu tư, cả nước có 15.707 DN đăng ký thành lập mới với số vốn trên 79 nghìn tỷ đồng. So với quý 1 năm ngoái, số DN đăng ký mới giảm 6,8% và số vốn đăng ký giảm 16,1%. Cả nước có 2.272 DN hoàn thành các thủ tục giải thể, 13.011 DN khó khăn phải dừng hoạt động. Trong đó, 3.567 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 9.444 DN ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Nguồn lực DN có hạn, sức mua thấp, điều kiện sản xuất của các DN bị thu hẹp đang là nút thắt của nền kinh tế. Các DN 2012 phá sản, các DN còn lại hoạt động chỉ 30 - 40% công suất vì lượng tồn kho nhiều, sức mua thấp. Lực lượng DN bị suy giảm nhiều từ năm 2008 lạm phát cao, lãi suất cao, giá đầu vào tăng trong khi sức mua thì giảm sút. Tình hình đó làm cho DN thêm nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, không ít DN bỏ cuộc, có những DN chống đỡ được bằng cách tái cấu trúc.

Trông chờ tái cấu trúc

Diễn biến thị trường 2013, PGS. TS Phạm Duy Minh cho rằng, thời gian tới khả năng biến động giá xăng dầu vẫn là vấn đề thường trực, nguy cơ thiếu điện là rất lớn do tình trạng hạn hán diễn ra sớm và gay gắt, những khó khăn kinh tế năm 2012 cơ bản vẫn còn nên chỉ mới 3 tháng đầu năm mà chỉ số CPI tăng 2,59% tương đương 4 tháng đầu năm của năm ngoái. Tuy tháng 3, CPI là âm nhưng tất cả những điều đó cho thấy, việc đưa mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 1 con số, thậm chí là thấp hơn 2012 là không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, năm 2013 nguy cơ tiềm ẩn tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là rất có thể. Điều này cũng khá dễ hiểu, vì trong những năm qua nền kinh tế phát triển "bong bóng" nên đòi hỏi phải có một hệ thống các cơ sở kinh tế tương thích, phục vụ cho bong bóng đó. Nay bong bóng "xì hơi" xẹp xuống, chắc chắn sẽ trơ ra bộ khung kềnh càng mà trong một thời gian ngắn chưa biết bỏ đi đâu, gây ra nhiều hậu quả xấu. Trong đó, chắc chắn sẽ có một lực lượng lao động không nhỏ sẽ không có việc làm.

Quan điểm của PGS.TS.Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong năm 2013, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi và tái cấu trúc DN mà rộng hơn là bảo đảm dòng di chuyển vốn, nhân lực, công nghệ cũng như sự vận hành ổn định toàn bộ thị trường để gia tăng giá trị mới.

Phục hồi và tái cấu trúc DN là giải pháp phù hợp nhất để đưa DN vượt qua tình trạng khó khăn, giảm thiểu phá sản, đóng cửa, thu hẹp sản xuất hàng loạt do tác động khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như các giải pháp cấp bách về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế tài chính nhận định, với các diễn biến của kinh tế những tháng đầu năm, có thể dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức tương đương năm 2012 hoặc thấp hơn.

Những khó khăn về tồn kho sản phẩm, nợ đọng tăng cao, khó khăn của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết... sẽ là những cản trở lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2013.

Tồn kho bất động sản là một trong những trở ngại lớn nhất hạn chế tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2013 và cả một số năm sau nữa. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề tồn kho bất động sản sẽ không thể nhanh chóng và dễ dàng so với các sản phẩm tiêu dùng khác.

Xuất nhập khẩu không có biến động nhiều và tương đương mức của năm 2012. CPI có khả năng sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2012. Thu ngân sách nhà nước, trong trường hợp khả quan nhất chỉ có thể đạt mức dự toán.

Với những phân tích và dự báo trên đây từ tình hình kinh tế quý 1/2013, các giải pháp về tài khoá và tiền tệ sẽ thực hiện nên theo xu hướng linh hoạt và từng bước nới lỏng là phù hợp với khả năng về CPI tăng thấp và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại.

D.Anh

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Kinh tế TP.HCM 2013: "Có những khó khăn không lường trước được" (16/05/2013)

>   “Cần tích cực đưa vốn vào nền kinh tế” (15/05/2013)

>   Tiền tệ đã nới, cần tài khóa hỗ trợ GDP (15/05/2013)

>   Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở (14/05/2013)

>   400 triệu USD hỗ trợ cải cách kinh tế, giáo dục (14/05/2013)

>   Tăng trưởng GDP 2012 thấp hơn báo cáo (14/05/2013)

>   TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 10%/năm (14/05/2013)

>   Những điểm sáng của nền kinh tế (12/05/2013)

>   Trọng “cung” để tăng trưởng dài hạn (12/05/2013)

>   Giảm nhẹ 3 gánh nặng cho DN và nền kinh tế (12/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật