Thứ Tư, 15/05/2013 08:31

Tiền tệ đã nới, cần tài khóa hỗ trợ GDP

Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm và hiệu quả hơn, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Dự báo quý các thị trường tăng trưởng nhanh của Ernst & Young công bố ngày 8/5 nhận định, lạm phát chậm lại trong năm 2012 sẽ cho phép Việt Nam nới lỏng hơn chính sách tiền tệ và tài khóa trong năm 2013, nâng tăng trưởng kinh tế từ 5% năm 2012 tới mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% vào năm 2014.

Trần lãi suất 7,5%/năm hiện nay là phù hợp với lạm phát và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền

Ngày 10/5/2013, NHNN ban hành Quyết định số 1073/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, cho vay bù thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, lãi suất đều giảm 1%, lần lượt về 7%, 5% và 8%/năm với các kỳ hạn khác nhau. Cùng ngày, NHNN cũng ban hành Thông tư số 10/2013/TT-NHNN về trần lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng vay ở một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 11%/năm về 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này từ 12%/năm xuống 11%/năm. Quyết định và Thông tư này đều có hiệu lực từ hôm nay (13/5).

“Trên đây chỉ là mức tối đa, bản thân các NHTM có thể tự cân nhắc điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn tùy theo giá vốn, khả năng thanh khoản và chiến lược kinh doanh của mình để hỗ trợ DN”, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết.

Về xu hướng giảm lãi suất, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank phân tích, diễn biến của lạm phát tháng 3 giảm 0,19%, lạm phát tháng 4 tăng không đáng kể (0,02%). Như vậy, đến tháng 4/2013, lạm phát tăng 2,41% so với cuối năm ngoái, tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2012. Dự đoán lạm phát năm 2013 vào khoảng 6,5 - 7%. Do đó, trần lãi suất 7,5%/năm hiện nay là phù hợp với lạm phát và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Đặc biệt, trần lãi suất huy động đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2004 - 2007 là 7,5%/năm, rất phù hợp để hạ lãi suất cho vay đối với các DN.

Khối Nghiên cứu kinh tế của HSBC cũng vừa công bố bản phân tích thị trường về việc NHNN giảm thêm 100 điểm lãi suất cơ bản. Bản phân tích nhận định, NHNN đã nỗ lực làm những gì có thể để hỗ trợ cầu nội địa thông qua việc cắt giảm lãi suất, nâng tổng số điểm cắt giảm lên 200 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay. Tuy vậy, HSBC cho rằng, với việc nền kinh tế đang ở trong giai đoạn cắt giảm nợ vay và dư nợ đang rất khó tăng trưởng, chỉ có những cải cách mạnh mẽ mới có thể thực sự thay đổi tình hình nền kinh tế trong ngắn hạn. Việc thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) cũng như các kế hoạch cụ thể để cải cách lĩnh vực ngân hàng, khu vực DNNN cũng như đầu tư công là hết sức cần thiết để củng cố cam kết của Chính phủ đối với ưu tiên phát triển bền vững.

Đồng quan điểm này, một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tình hình tăng trưởng kinh tế còn rất khó khăn mà nguyên nhân là do tổng cầu yếu. Khi mục tiêu lạm phát 6 - 6,5% của năm 2013 nhiều khả năng đạt được, thì cần có những giải pháp quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013. Bên cạnh chính sách tiền tệ dần nới lỏng, chính sách tài khóa cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân trong quý tới cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Đồng thời, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm và hiệu quả hơn, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

“Hiện tại, khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực sản xuất, đang nỗ lực phục hồi để kéo cầu trong nước đi lên và đưa tăng trưởng đạt mức 5% cho năm 2013”, bà Trinh Nguyên, chuyên gia kinh tế của HSBC nói.

Theo Ernst & Young, các khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo sẽ hồi phục nhanh và bù đắp được thâm hụt tài khoản vãng lai đầu năm 2015. Nhưng để thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ năng để phát triển công nghiệp công nghệ cao, do FDI vào ngành dệt may và lắp ráp cơ bản có thể chuyển hướng sang các quốc gia lân cận có lao động rẻ hơn. Cùng với thị trường nội địa tăng trưởng tốt và thu hút đầu tư FDI, du lịch và xuất khẩu nông nghiệp sẽ là nguồn vốn đáng kể cho đầu tư công nghiệp, xây dựng các nhà máy năng lượng mới để giải quyết vấn đề thiếu năng lượng thường trực. Do vậy, trong trung hạn, Ernst & Young dự báo, GDP tăng trưởng bền vững sẽ đạt tối thiểu 6,5%.

Nhuệ Mẫn

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở (14/05/2013)

>   400 triệu USD hỗ trợ cải cách kinh tế, giáo dục (14/05/2013)

>   Tăng trưởng GDP 2012 thấp hơn báo cáo (14/05/2013)

>   TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 10%/năm (14/05/2013)

>   Những điểm sáng của nền kinh tế (12/05/2013)

>   Trọng “cung” để tăng trưởng dài hạn (12/05/2013)

>   Giảm nhẹ 3 gánh nặng cho DN và nền kinh tế (12/05/2013)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nợ công trong giới hạn an toàn (12/05/2013)

>   Bộ Tài chính công bố số liệu kinh tế 4 tháng (11/05/2013)

>   'FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh' (11/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật