Lãi suất giảm, quan trọng nhưng không phải là quyết định
Liên quan đến việc hạ lãi suất chủ chốt xuống còn 1% so với trước đây, Tuổi Trẻ Online đã có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh.
TS Vũ Đình Ánh
|
Ông Ánh nhận định: Lãi suất như là giá của vốn, sẽ cân bằng những biến động của cung - cầu liên quan đến tiền tệ. Mục tiêu điều chỉnh lãi suất phải căn cứ vào mục tiêu lớn hơn là phục hồi sản xuất.
* Từ ngày 13-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định đồng loạt hạ lãi suất chủ chốt xuống 1% so với mức trước đây. Theo ông, động thái này có đủ sức tạo lập một mặt bằng lãi suất mới?
Hạ các lãi suất chủ chốt là bước đi tiếp theo đã được dự tính trước của NHNN khi đã hội tụ đủ các điều kiện, đặc biệt là lạm phát đang và dự báo đến cuối năm ở mức tương đối thấp. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang được cải thiện cùng với tiến trình xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Hạ lãi suất sẽ trở thành xu thế tất yếu ít nhất đến hết quí III-2013, đáp ứng yêu cầu của các khách hàng đi vay từ các NHTM.
* Lãi suất cho vay hạ xuống 1%, ông dự báo thế nào về sức hấp thụ của nền kinh tế?
Sức hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là triển vọng tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn, trong đó có sử dụng vốn tín dụng ngân hàng. Lãi suất hạ 1% chỉ là một yếu tố giúp cải thiện khả năng hấp thụ vốn tín dụng chứ không thể tăng sức hấp thụ nguồn vốn này một cách cơ bản, kể cả lãi suất tiếp tục hạ thấp hơn nữa trong thời gian tới.
* NHNN cho đây là cơ sở để định hướng cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất các khoản vay cũ trong thời gian tới về mức hợp lý. Theo ông, doanh nghiệp có nên kỳ vọng các khoản vay cũ sẽ được hạ xuống theo định hướng này?
Lãi suất các khoản vay cũ có hạ hay không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng của họ. NHNN chỉ có thể khuyến khích NHTM giảm nhẹ gánh nặng lãi các khoản vay cũ cho khách hàng thông qua tạo điều kiện về hướng dẫn thủ tục và cơ chế để NHTM cũng như khách hàng của NHTM thấy được lợi ích của việc hạ lãi suất các khoản vay cũ với những thủ tục đơn giản và hợp pháp.
* Động thái này được cho là nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp phục hồi, nhưng với thực tế hiện nay chỉ như “muối bỏ bể” ?
Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí đứng trước câu hỏi tồn tại hay không tồn tại. Vì vậy, doanh nghiệp cần rất nhiều điều kiện để tồn tại và phục hồi, trong đó có giảm lãi suất tín dụng. Lãi suất giảm chỉ là một điều kiện, dù quan trọng nhưng không phải là quyết định.
* Ông có ý kiến gì khi lãi suất chủ chốt giảm, người gửi tiền sẽ chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp?
Lãi suất giảm liên quan đến cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, các biện pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng tồn kho…
Giảm lãi suất cho vay sẽ tác động đến lãi suất huy động mà lãi suất huy động chủ yếu liên quan đến lạm phát. Nếu nền kinh tế phục hồi tốt, không có gì đột biến, lạm phát sẽ đứng ở mức 6-6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra, nhiều khả năng người ta sẽ đưa trần lãi suất huy động xuống 7%, thậm chí 6,5%. Tất nhiên làm không khéo, việc đẩy lãi suất huy động xuống 6,5% sẽ khiến ngân hàng mất nguồn vào.
Trường hợp kinh tế phục hồi kém, có thể rơi vào trạng thái đình trệ đi kèm với lạm phát, lúc đấy lãi suất cho vay có xuống 6% người ta vẫn buộc phải gửi tiền vào ngân hàng. Lúc này vẫn có thể ép trần lãi suất huy động xuống được, nhưng sẽ phải đứng trước thách thức không doanh nghiệp nào đến vay tiền.
Vì vậy, cái gốc của vấn đề là dù điều chỉnh lãi suất (cả huy động và cho vay) hay hỗ trợ, ưu đãi thì mục tiêu phải là phục hồi sản xuất. Nhưng để đạt được mục tiêu ấy, phải tác động cả đến câu chuyện phía cung và phía cầu, vì chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng, luồng tiền mới được khơi thông.
Kỳ Anh
tuổi trẻ
|