Tranh cãi về mô hình giám sát tài chính quốc gia
Dù hệ thống tài chính của Việt Nam đang gặp vấn đề nghiêm trọng, nhưng việc nâng cấp vai trò và chức năng của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia để giúp nhận diện tình trạng trên lại rơi vào bế tắc.
Mô hình nào để giám sát thị trường tài chính, ngân hàng?
|
Hàng loạt các quan điểm trái chiều nhau về ủy ban này đã được các quan chức, đại biểu quốc hội, và các nhà kinh tế đưa ra tại buổi tọa đàm “Cấu trúc giám sát tài chính Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” diễn ra ngày 16-5.
Theo đánh giá của ủy ban, thị trường tài chính Việt Nam đã có những biến động lớn trong vòng hơn 5 năm qua và nay đã xuất hiện những “rủi ro vượt tầm kiểm soát”, như nợ xấu tăng cáo, tồn kho bất động sản đang tác đọng đến ngân hàng, và đến lượt mình ngân hàng đầu tư vào rất nhiều các hoạt động khác mà thiếu đi giám sát.
Phó chủ tịch ủy ban Hà Huy Tuấn nói: “Các dòng tiền đang chạy vòng quanh trong thị trường tài chính, và rất khó theo dõi hay đánh giá tác động xem có an toàn, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hay không”.
Hiện nay có 5 cơ quan có trách nhiệm giám sát tài chính bao gồm Cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Cố vấn tài chính cao cấp của KPMG, ông Daniel Zuberbuhler gợi ý rằng, cần nâng cấp ủy ban bằng việc hợp nhất các cơ quan trên. Ông cho biết, rất nhiều nước đã thực hiện điều này sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra năm 2008.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Đại Lai cho rằng, quy định về chức năng của ủy ban chỉ làm “tham mưu”, “tư vấn”, “giúp” Thủ tướng nên hầu như ủy ban không có quyền ban hành (đề ra) bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói: “Chúng ta phải rất thận trọng. Đến nay chưa ai khẳng định được mô hình giám sát hợp nhất là một bước tiến của phát triển để Việt Nam phải theo”.
Ông Nghĩa cho rằng, nợ xấu hiện nay không chỉ là lỗi của ngành ngân hàng, mà của các doanh nghiệp vay nợ, và của nền kinh tế nói chung.
Cùng quan điểm với ông Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ nói không thể cộng các cơ quan giám sát vào một thể chế để tăng quyền cho ủy ban.
Theo ông Thụ, hệ thống pháp luật hiện hành không cho phép làm việc này.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lê Xuân Bá cho rằng, ý tưởng hợp nhất các cơ quan giám sát là bất khải thi.
“Ai đủ lực để lấy đi quyền giám sát của NHNN hay Bộ Tài chính?” ông Bá đặt câu hỏi, và tự trả lời rằng điều này là “không bao giờ xảy ra” ở Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận, hoàn cảnh của hệ thống tài chính, ngân hàng đang nóng bỏng “như cục than trong lòng bàn tay”, nhưng các cơ quan giám sát chẳng biết cụ thể.
“Một cỗ xe chạy nhanh cần phải có phanh tốt, nhưng Việt Nam chạy quá nhanh mà cũng chả có phanh, và nếu có thì người cầm lái cũng chả muốn sử dụng”, ông ví von.
Bất chấp tranh cãi trên, Chủ nhiệm ủy ban Vũ Viết Ngoạn không đưa ra kết luận tại buổi tọa đàm, dù cho rằng, thị trường tài chính, ngân hàng đã biến động và để lại nhiều hệ quả cho nền kinh tế trong suốt 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của ủy ban tháng 1 đầu năm nay, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hệ thống tài chính, tiền tệ trong nước đã có nhiều biến động “ngoài dự báo” của Chính phủ, và bày tỏ mong muốn ủy ban tăng cường vai trò giám sát đối với hệ thống tài chính ngân hàng trong nước.
Ông Ninh khẳng định, Chính phủ muốn ủy ban tăng cường vai trò giám sát đối với hệ thống tài chính ngân hàng. Lý do là mô hình Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam không giống ai do thống đốc là thành viên Chính phủ, còn NHNN vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa làm chức năng của ngân hàng trung ương.
Tư Hoàng
tbktsg
|