Đến hết tháng 4, tín dụng tăng 2,11%
Huy động vốn đã tăng 5,2% so với cuối năm 2012 và dư nợ tín dụng tăng 2,11% vào cuối tháng 4-2013, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong thông báo đưa ra ngày 15-5, NHNN cho biết, tốc độ tăng huy động vốn bằng tiền đồng cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ, và điều này phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Dư nợ tín dụng sau khi giảm trong tháng 1-2013 đã tăng trở lại từ tháng 2-2013, và đạt 2,11% vào cuối tháng 4-2013. Trong đó, dư nợ tiền đồng tăng 4,15%, dư nợ ngoại tệ giảm 7,2%, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng 3,1% so với cuối năm 2012.
“Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN đối với một số lĩnh vực như lúa gạo, cà phê, hỗ trợ sau thu hoạch ... đã giúp đầu tư tín dụng trong lĩnh vực này tăng khá. Tuy nhiên một số sản phẩm nông nghiệp, nông thôn vẫn gặp khó khăn, nhất là mặt hàng thủy sản, do thị trường bị phía nước ngoài áp đặt các quy định hạn chế đối với thủy sản Việt Nam, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh bị hạn chế”, theo tài liệu của NHNN.
Cơ quan này cũng cho biết cho vay lĩnh vực bất động sản tăng trong 4 tháng đầu năm, tuy mức tăng không lớn (khoảng 1,1%).
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 2- 3%/năm so với đầu năm. NHNN và các tổ chức tín dụng đã và đang có những việc làm cụ thể để tín dụng “ngấm” sâu hơn vào nền kinh tế như từ 13-5, bốn ngân hàng thương mại nhà nước đã cùng thực hiện điều chỉnh tất cả lãi suất cho vay về mức dưới 13%/năm; yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, quy định trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay mức trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 10%/năm); các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh theo chương trình hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản được xem xét giãn nợ tối đa đến 24 tháng đối với các khoản nợ cũ và cho vay mới với lãi suất tối đa là 11%/năm.
Đến tháng 4-2013, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay gần 20 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ đạt 114.000 tỉ đồng với hàng chục triệu lượt người thụ hưởng...
Tuy nhiên, trong báo cáo nhanh phân tích về thị trường khi NHNN giảm lãi suất được phát đi ngày 10-5, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam nhận định: “Chúng tôi không nghĩ động thái hôm nay sẽ có tác động kích thích mạnh đối với tăng trưởng tín dụng. Nếu không có các cải cách quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, những động thái tiền tệ hôm nay sẽ không thể kích thích cầu tín dụng trong nước. Trừ khi một kế hoạch cụ thể và chắc chắn để cải tổ lĩnh vực ngân hàng và khu vực nhà nước được công bố, Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào xuất khẩu để tăng tổng cầu và quá trình hồi phục sẽ diễn ra chậm chạp”.
Hồng Phúc
TBKTSG
|