Lãi suất giảm: Dòng tiền chảy về đâu?
Hàng loạt ngân hàng tiến hành giảm lãi suất huy động về mức dưới trần lãi suất quy định của NHNN. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tìm kiếm cơ hội sinh lời mới bên cạnh lãi tiết kiệm. Trong khi đó, doanh nghiệp nóng lòng được tiếp cận nguồn vốn rẻ và kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện.
Hạ lãi suất, doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ứng gì?
|
Nôn nóng tìm kênh sinh lời
Những ngày qua, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống mức 6% - 8%/năm cho các kỳ hạn. Tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạ 1% đối với một số lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên.
Trước tình hình đó, chị Trương Thị Thu Hiền (Quận 6, TPHCM) cho biết các khoản tiền tiết kiệm dưới dạng tích lũy của gia đình chị vẫn giữ nguyên trong ngân hàng và cũng không có ý định đi đáo hạn hay rút ra.
Tuy nhiên, những người bạn (là nhà đầu tư chứng khoán) của chị thì đã rút bớt các khoản tiết kiệm gửi tạm ngân hàng trước đây để mua chứng khoán. “Đầu tư chứng khoán vẫn có còn lời. Còn bất động sản thì sợ vì số người đang mắc kẹt trong đó không phải ít”. - chị Hiền nhận định.
“NHNN xác định từ đầu là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sắp tới sẽ rà soát lại các khoản vay trên 15% để kéo giảm về dưới 15% hoặc 13%.”
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM
|
Ngay khi nghe thông tin lãi suất tiết kiệm hạ, chị Trang (Quận 9, TPHCM) đã rút hết tiền trong ngân hàng, một phần trong số đó chị mua vàng, số còn lại được gửi ở ngân hàng nước ngoài. Chị Trang cho hay theo tham khảo của chị, một số người có điều kiện hoặc Việt kiều đã đổi sang ngoại tệ rồi gửi ngân hàng nước ngoài để có lãi suất cao hơn.
Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, với mức lãi suất tiết kiệm hiện tại, một số cổ phiếu có cổ tức cao và hoạt động ổn định có thể trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư trong nước trong trung hạn.
Doanh nghiệp có hưởng lợi?
Số liệu thống kê mới đây cho biết, các tổ chức tín dụng đã trả lãi 408.000 tỷ đồng cho nền kinh tế và thu lãi cho vay khoảng 420.000 tỷ đồng trong năm 2012. Chênh lệch thu chi toàn ngành khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, chi phí lãi vay công bố khá sát so với dự đoán của một chuyên gia kinh tế trước đó là 20 tỷ USD.
Mới đây, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, nguy cơ lớn hiện nay là khủng hoảng lòng tin của doanh nghiệp và tư tưởng chờ đợi là chủ yếu. Theo ông Minh, chưa xác định nền kinh tế đã tới đáy chưa nhưng khó khăn của doanh nghiệp thì chưa có điểm dừng. Vòng luẩn quẩn từ lãi suất cao, thiếu vốn, sức mua kém và hàng tồn kho đã khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng cho vay cũng không dám.
“Bây giờ đã gần giữa năm, doanh nghiệp co cụm hoặc đang nợ nần thì dù vốn có hạ, cũng chỉ nhìn cho vui. Cái khó đâu chỉ có vốn ngân hàng mà là phải tháo gỡ thế nào để đẩy sức mua. Hàng làm ra bán không được thì vốn ngân hàng có hạ thấp nữa các doanh nghiệp cũng không dám vay.” - giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nói.
Một đại diện nhiều doanh nghiệp nhận định: mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động ở khoảng 3% thì mới đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Do đó, động thái kéo giảm lãi suất huy động lần này được cho là cơ sở để kéo giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sức mua.
Việc NHNN, ngân hàng thương mại cùng giảm lãi suất một cách chủ động hứa hẹn những biến động mới trong nền kinh tế. Dòng tiền có thể đổ vào chứng khoán nhiều hơn khi mà kênh đầu tư chứng khoán tương đối hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm.
Trong khi đó đối với doanh nghiệp dù đang bộn bề khó khăn nhưng áp lực chi phí vốn, gánh nặng lãi vay sẽ giảm. Bên cạnh kỳ vọng sức mua sẽ được cải thiện giúp cho nền kinh tế có chuyển biến tích cực.
|
Trần Anh
Tiền phong
|