Thứ Hai, 13/05/2013 11:28

Thanh toán xuất - nhập khẩu: Cạnh tranh âm thầm nhưng gay gắt

Trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động tín dụng có xu hướng giảm thì mảng dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán xuất – nhập khẩu và tài trợ thương mại đang được các ngân hàng thúc đẩy mạnh hơn.

Bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 39,4 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2012; trong khi đó nhập khẩu cũng đạt gần 40,19 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây chỉ là những con số sơ lược cho thấy hoạt động xuất – nhập khẩu (XNK) của Việt Nam vẫn khá sôi động. Đi cùng với đó là diễn biến hoạt động thanh toán XNK của các ngân hàng cũng “tấp nập” theo.

Thanh toán quốc tế vẫn là mảng dịch vụ đầy hấp dẫn do hoạt động XNK sôi động

Dịch vụ thanh toán quốc tế được các ngân hàng thực hiện hiện nay khá đa dạng, nhưng xung quanh hai hình thức chính: Một là tài trợ thương mại - hình thức này chủ yếu thanh toán bằng thư tín dụng (L/C); Hai là chuyển tiền, loại này không thông qua L/C.

VietinBank cho biết, trong năm 2012, doanh số thanh toán XNK qua ngân hàng này đạt trên 32 tỷ USD, chiếm hơn 14% thị phần kim ngạch XNK của cả nước. Trong một buổi tập huấn nghiệp vụ thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại mà Sở giao dịch VietinBank tổ chức cho các giám đốc và trưởng bộ phận thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại các chi nhánh phía Bắc của ngân hàng này gần đây, một mục tiêu khá hoài bão được đưa ra là sẽ chiếm 20% thị phần thanh toán XNK trong tương lai gần.

Trong khi đó, một NHTM Nhà nước lớn khác là BIDV hiện cũng đang chiếm lĩnh khoảng 10-12% thị phần. Tuy nhiên, hiện tại Vietcombank vẫn là ngân hàng có thị phần thanh toán XNK lớn nhất hiện nay. Năm 2012, Vietcombank đạt 38,81 tỷ USD thanh toán XNK, chiếm thị phần gần 17%. Theo ông Phạm Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank, năm 2013 ngân hàng này đặt mục tiêu tiếp tục duy trì thị phần khoảng 17-19%.

Ngoài các NHTM Nhà nước, nhiều NHTMCP khác như: Eximbank; Sacombank; DongA Bank; VIB… và các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Standard Chatered, ANZ… cũng đẩy mạnh các dịch vụ liên quan đến thanh toán XNK và tài trợ thương mại, với hàng loạt các gói sản phẩm, dịch vụ khác nhau nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của DN XNK.

Trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động tín dụng có xu hướng giảm thì mảng dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán XNK và tài trợ thương mại đang được các ngân hàng thúc đẩy mạnh hơn.

“Cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng lớn” - TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định. Bởi theo chuyên gia này, việc phát triển mảng dịch vụ này mang lại các lợi ích lớn khác cho ngân hàng. Một mặt, các ngân hàng đều muốn phát triển các mảng dịch vụ lên trong bối cảnh thu từ hoạt động tín dụng ngày càng khó khăn trong khi đây lại là dịch vụ mang lại nguồn thu khá ổn định.

Bên cạnh đó, nghiệp vụ thanh toán này cũng giúp thể hiện được “đẳng cấp” của ngân hàng vì với dịch vụ này, rõ ràng ngân hàng sẽ trực tiếp giao dịch với bên ngoài, tức là ngân hàng phải có những kết nối tốt với các đối tác trên thế giới. Ngoài ra, đây cũng là một kênh giúp cho ngân hàng có nguồn vốn ngoại tệ nhất định.

Theo chia sẻ của ông Phạm Quang Dũng, năm 2013 cũng như những năm tới đây, các NHTM Việt Nam nói chung sẽ gặp phải khó khăn rất lớn trong việc duy trì thị phần thanh toán XNK của mình trước các ngân hàng nước ngoài.

“Chúng ta thấy nhóm DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Các DN này lại có nhiều quan hệ với các định chế tài chính nước ngoài. Chính vì thế nếu như các NHTM trong nước không có các chính sách, giải pháp và bước đi phù hợp thì có thể thị phần sẽ bị cạnh tranh rất quyết liệt”.

Như vậy có thể thấy, để duy trì và gia tăng thị phần trong mảng dịch vụ này, các NHTM ngoài việc cạnh tranh với nhau sẽ còn phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ bên ngoài.

Theo đó, đòi hỏi ngân hàng sẽ phải dành những khoản đầu tư về nguồn lực nhất định cho hệ thống hạ tầng công nghệ, phát triển quan hệ đối tác, phát triển các sản phẩm, nghiệp vụ liên quan cũng như nâng cao khả năng quản lý, điều hành, quản trị rủi ro trong mảng dịch vụ này. Việc chú trọng tới các khách hàng FDI cũng là yếu tố quan trọng cần tính tới.

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tiêu dùng tiền mặt “làm khó” tín dụng BĐS (13/05/2013)

>   Ngân hàng không “ăn” chênh lệch lãi suất khủng (13/05/2013)

>   BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống còn 13% (13/05/2013)

>   Xem xét nới lỏng tiền tệ, hạ thêm lãi suất (13/05/2013)

>   Xử lý nợ xấu, cần chạy đua với thời gian (13/05/2013)

>   “Cờ” lãi suất đến tay ngân hàng cổ phần (13/05/2013)

>   'Rút tiền khỏi ngân hàng, hãy đưa vào sản xuất kinh doanh' (13/05/2013)

>   Đồng ý miễn cả hai loại thuế cho công ty xử lý nợ xấu (13/05/2013)

>   Chưa “giải phẫu” nợ xấu ngân hàng? (12/05/2013)

>   Gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ cho người thu nhập thấp mua nhà: Lãi suất 6% đã sớm lạc hậu? (12/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật