Chủ Nhật, 12/05/2013 22:28

Chưa “giải phẫu” nợ xấu ngân hàng?

Việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến hoãn thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Đề ra Thông tư 02 (có hiệu lực từ ngày 1-6) để tiếp cận gần hơn các thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, củng cố các chuẩn mực an toàn một cách chặt chẽ hơn và ở mức cao hơn nhưng Ngân hàng (NH) Nhà nước lại dự kiến hoãn thực hiện trong khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến giờ “G”.

Hoãn để cứu doanh nghiệp

Theo NH Nhà nước, khả năng dãn thời gian thực hiện Thông tư 02 xuất phát từ việc Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa trực tiếp đi tiếp xúc với doanh nghiệp (DN) tại hơn 40 tỉnh, TP, hầu hết đều có nguyện vọng chung là dãn thời gian thực hiện Thông tư 02 nhằm tạo cho DN khả năng vay vốn cao hơn. Vì khi phân loại nợ xấu theo thông tư này sẽ khiến các khoản nợ xấu của NH tăng lên, chi phí dự phòng tăng lên và nợ xấu của DN cũng tăng lên. Lúc đó, các NH càng phải “thắt chặt hầu bao” làm cản trở khả năng tiếp cận vốn của DN.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch NH Bưu điện Liên Việt (Lien Viet Post Bank), cho rằng nếu áp dụng phân loại nợ theo chuẩn mới sẽ có hàng loạt nông dân mất nhà. Gần 70% dư nợ của NH NN-PTNT (Agribank) và Lien Viet Post Bank là cho vay nông nghiệp trong khi nông dân nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thất bát, thua lỗ nhiều năm qua. Nếu không được vay vốn tái sản xuất, họ sẽ bị NH xiết nợ. Về phía NH có khả năng phải trì hoãn việc giảm lãi suất cho vay, thậm chí còn tăng lãi suất để bù đắp chi phí.

Giải quyết được nợ xấu thì hệ thống ngân hàng mới an toàn, vốn cho vay doanh nghiệp mới phát huy tác dụng.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo lo lắng: Nếu thực hiện Thông tư 02, ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các hộ vay vốn kinh doanh sản xuất, một bộ phận chủ trang trại. Nếu chúng ta không dãn thời gian để DN có dòng tiền trang trải, DN sẽ ngừng mua lúa gạo cho nông dân vì không có vốn.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc NH Kỹ Thương (Techcombank), cho rằng cần dãn một thời gian nhất định để hỗ trợ và củng cố DN. Có những DN gần như đang chết nhưng chỉ cần một phương án kinh doanh là có thể hồi sinh và các NH biết DN nào có thể cứu, DN nào không.

TS Cao Sỹ Kiêm cũng đồng tình: “Nợ xấu của NH nằm trong DN. Kinh tế đang khó khăn, nếu áp dụng quy định mới chẳng khác nào dồn DN vào thế bí, nếu không có thời gian điều chỉnh thì cái giá phải trả sẽ rất đắt”.

Nuôi ảo tưởng về nợ xấu

Tuy nhiên, khác với sự đồng thuận từ các NH với dự kiến của NH Nhà nước, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trái ngược. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không nên hoãn áp dụng phân loại nợ xấu theo chuẩn mới với bất cứ lý do nào. Theo chuyên gia này, Thông tư 02 là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực NH, nếu hoãn sẽ khiến chúng ta sống trong ảo tưởng đang tốt. Cái giá phải trả khi áp dụng lớn nhưng không thấm vào đâu vì việc áp dụng sẽ giúp lành mạnh hóa hệ thống, hội nhập với thế giới.

Theo tính toán của ông Hiếu, nợ xấu tại một số NH thương mại hiện nay chỉ khoảng 3%-4%, nếu áp dụng theo Thông tư 02, có thể lên đến 10%-20% hoặc cao hơn và nợ xấu sẽ ăn vào vốn chủ sở hữu. Dù vậy, chuyên gia này vẫn kiên quyết: “Cần xem đây là cuộc giải phẫu ghê gớm nhất, lớn nhất, từ đó sẽ xử lý bệnh tốt nhất. Nếu hoãn, chúng ta sẽ mất uy tín với quốc tế rồi người ta đặt ra vấn đề trong tương lai, các chính sách đưa ra có bị hoãn nữa không”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng cần thận trọng với khả năng dãn thời gian thực hiện Thông tư 02. Bởi đây là thông tư nhằm tái cơ cấu hệ thống NH, đã ban hành thì nên thực hiện, nếu dãn chỉ nên áp dụng đối với nội dung liên quan đến DN. Các thông tin về nợ xấu chưa được công khai rõ ràng, nhất quán, NH Nhà nước không đưa ra số liệu cụ thể về khả năng bao nhiêu NH bị ảnh hưởng, nợ xấu tăng lên bao nhiêu, khả năng chịu đựng của hệ thống NH và DN thế nào khi áp dụng thông tư này… thì việc đề nghị hoãn thực hiện là không thuyết phục.

“Lý do hoãn để giúp DN tiếp cận vốn, đẩy tín dụng ra nền kinh tế cũng không thỏa đáng vì muốn kích thích tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay cần có dòng tiền thực, dòng tiền mới mà chỉ vốn ngoại mới có khả năng đáp ứng mạnh mẽ nhất” - ông Đinh Tuấn Minh nhận xét.

Thiếu đột phá sẽ tiếp lục loay hoay

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, ngân sách không tăng được, vốn tiết kiệm trong dân hạn chế, chỉ có thể trông chờ vốn của nước ngoài chảy vào thông qua bán nợ xấu, bán DN Nhà nước. Nếu vẫn xác định bài toán cầu yếu, hàng tồn kho nhiều, sản xuất không phục hồi, DN không vay được vốn… theo các giải pháp hiện nay thì sẽ tiếp tục loay hoay.


Phương Anh

người lao động

Các tin tức khác

>   Gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ cho người thu nhập thấp mua nhà: Lãi suất 6% đã sớm lạc hậu? (12/05/2013)

>   Bán hoặc gán nợ tài sản đảm bảo, lỗ hổng trong quản lý của các ngân hàng (12/05/2013)

>   Trái phiếu nợ xấu: Giá bao nhiêu? (12/05/2013)

>   Giải quyết nợ xấu, cần sự đồng thuận chính trị sâu rộng (11/05/2013)

>   HSBC: Lãi suất OMO sẽ giảm xuống 6% vào 13/05 (10/05/2013)

>   Tín dụng cho vay BĐS tăng trưởng hợp lý (10/05/2013)

>   Cách khơi thông 100 tỷ USD đang chôn vùi trong bất động sản? (10/05/2013)

>   Cướp ngân hàng trực tuyến "hiệu quả" hơn cướp truyền thống (10/05/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm một loạt lãi suất (10/05/2013)

>   Ngân hàng lo chốt trạng thái vàng (10/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật