Tín dụng cho vay BĐS tăng trưởng hợp lý
Tín dụng cho vay bất động sản tính đến hết tháng 3 tăng 1,1% so với cuối năm 2012.
Tại tọa đàm về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm gặp khó khăn thì lĩnh vực bất động sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng hợp lý.
Cụ thể, dư nợ cho vay bất động sản đến 31/3/2013 đạt 230.951 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2012. Một số địa phương có mức tăng khá như Đà nẵng (tăng 11,8%), Hà Nội (tăng 3,4%), TPHCM (tăng 2,5%).
Dư nợ cho vay tăng mạnh ở một số đối tượng như: Xây dựng sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê tăng 3,7%; Xây dựng sửa chữa mua nhà để kết hợp cho thuê mà nguồn không trả bằng tiền lương: tăng 3,7%.
NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm 2013 đến nay, nhằm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, hàng loạt ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp và người dân vay mua, xây, sửa chữa nhà… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, giảm bớt công nợ và hàng tồn kho.
Theo đó, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 3/2013 đạt 639.301 tỷ đồng, trong đó, chiếm vị trí số 1 là dư nợ cho vay bất động sản với tổng dư nợ lên tới 60.733 tỷ đồng.Số dư nợ cho vay bất động sản trên chiếm đến 9,4% tổng dư nợ.
Liên quan đến vấn đề tín dụng cho bất động sản trong giai đoạn hiện nay, theo TS. Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), vốn để thực hiện cho vay ưu đãi hỗ trợ thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội là vô cùng lớn, nhưng không đáng ngại. Vấn đề đặt ra là, triển khai thế nào để thực hiện được nhiều mục tiêu.
Để có đủ 30.000 tỷ đồng, thậm chí còn lớn hơn nữa, nếu cần thiết, NHNN có thể phát hành tín phiếu, trái phiếu trên thị trường, tức là thu hút tiền ở ngoài thị trường, sau đó lại bơm ra thị trường.
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ cho vay mua nhà ở đang được NHNN hoàn thiện, các ngân hàng thương mại phải cho đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội vay vốn với lãi suất 6%/năm trong vòng 3 năm (kết thúc ngày 15/4/2016), sau đó phải cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường.
Về mặt xã hội, chính sách này hoàn toàn hợp lý, bởi các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước giải quyết vấn đề xã hội.
Công Trí
Chính phủ
|