Thứ Sáu, 10/05/2013 09:31

Ngân hàng “cầm hòn than đang cháy”

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất (LS) huy động nhằm tiếp tục kéo giảm LS cho vay do đang thừa vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ LS giảm chưa đủ, mà cần thêm nhiều giải pháp khác để khơi thông dòng vốn.

Hàng tồn kho nhiều khiến doanh nghiệp không dám vay vốn dù lãi suất đã giảm. Trong ảnh: sản xuất giày dép tại Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (TP.HCM)

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thời gian qua con số doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động ngày càng tăng và “dịch phá sản” này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cần giải pháp khẩn cấp để giải cứu DN, song song đó kéo giảm LS cho vay tương xứng với tốc độ giảm LS huy động, kết hợp với kích cầu tiêu dùng.

Tín dụng tăng thấp, vốn ngân hàng đi đâu?

Tính đến hết tháng 4-2013, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ tăng 1,4% trong khi huy động tăng đến 5,34%. Trả lời câu hỏi vốn ngân hàng chạy vào đâu, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết ngoài tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng còn phải tăng cường thanh khoản để đáp ứng các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chỉ số an toàn vốn tối thiểu 9%, các ngân hàng hiện nay đã đạt 15-17%. Ngoài ra các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu chính phủ để đảm bảo thanh khoản. Bên cạnh đó cũng có hiện tượng vốn huy động chảy vào đấu thầu vàng nhưng chỉ xảy ra ở những ngân hàng cần tất toán trạng thái vàng và không nhiều.

Một khi LS huy động giảm thì những DN trước đây gửi vốn ở ngân hàng phải tính đường làm ăn, người gửi tiền thì tính kênh đầu tư khác. Nhà nước nên tăng đầu tư vào những lĩnh vực còn tiềm năng để dẫn dắt luồng vốn tư nhân đổ vào những lĩnh vực này.

Ngân hàng thừa vốn

Sáng 9-5, Ngân hàng Sacombank đã giảm LS huy động các kỳ hạn từ 7-11 tháng xuống mức 7,3%/năm, thấp hơn 0,2%/năm so với mức trần cho phép. Đây cũng là ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh đầu tiên chủ động giảm LS huy động sau động thái cắt giảm mạnh LS huy động của Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV.

Giải thích nguyên nhân cắt giảm LS huy động, ông Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank - nói cho vay hiện nay rất khó khăn. Do vậy ngân hàng buộc phải giảm LS huy động để kéo giảm thêm LS cho vay.

Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank (HOSE: VCB), nói ngân hàng chịu áp lực vì huy động vào nhưng không cho vay ra được.

“Việc giảm LS nhằm giảm bớt áp lực cho ngân hàng, vì khi đó DN bớt gửi tiền ngân hàng mà rút vốn ra làm ăn. Sức mua tăng, khi đó hàng tồn kho mới giảm được, DN mới cần vốn để sản xuất. Chứ như hiện nay ngân hàng muốn cho vay nhưng DN không làm ăn được thì vay để làm gì?” - ông Thanh đặt câu hỏi.

Đây cũng là tình trạng chung tại các ngân hàng. Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng DN của Ngân hàng ACB, cho biết tốc độ giải ngân từ đầu năm đến nay rất chậm. Ngay cả các gói cho vay ưu đãi, DN cũng không vay. Tính đến hết tháng 4-2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 1,4%, trong khi chỉ tiêu cả năm 2013 là 12%.

Ông Trần Hoàng Ngân ví von tình thế của các ngân hàng hiện nay chẳng khác nào cầm hòn than đang cháy vì ôm một đống vốn và phải trả lãi đều cho người gửi tiền nhưng lại không cho vay ra được. “Nhiều ngân hàng đang bị “phỏng tay” và việc đua nhau giảm mạnh LS huy động vừa qua là bằng chứng cụ thể. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy ngân hàng thừa thanh khoản mà lại bị bít đầu ra. Vấn đề hiện nay là làm sao giải quyết đầu ra cho tín dụng” - ông Ngân nói.

Doanh nghiệp bị bít đầu ra

Trình bày với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình sản xuất, kinh doanh và việc vay vốn vào đầu tuần này, ông Văn Đức Mười - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm - cho biết hiện các DN không còn nghĩ đến việc vay hoặc duy trì nợ ngân hàng. Việc VCB phát tín hiệu giảm LS huy động 6%/năm là tín hiệu tích cực, nhưng vấn đề hiện giờ của DN không nằm ở vốn hay LS mà là tồn kho hàng hóa. Thời gian qua DN đã mất khách hàng, mất thị trường, hàng tồn chưa giải quyết được nên nếu không có cơ chế thoáng trong tái cấu trúc nợ cũ thì sẽ không có chu kỳ sản xuất mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hàn Vinh Quang - chủ tịch HĐQT Công ty CP giấy An Bình - cho biết hiện có ngân hàng cho vay với LS chỉ 7%/năm nhưng ông vẫn không vay vì tăng sản lượng cũng không biết bán cho ai. “Rất nhiều bạn hàng, đối tác của tôi đã gục ngã khi LS cho vay ở mức 18%/năm. Chưa kể sức mua kém, đầu ra sản phẩm đầy rủi ro, thanh toán chậm khiến nhà sản xuất luôn trong trạng thái căng thẳng. Tốt hơn cả là không đầu tư gì thêm” - ông nói.

Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) Lê Văn Trí cho biết với tình hình kinh tế xấu như hiện nay, chỉ thật sự cần thiết mới dám đầu tư vì quá rủi ro do đầu ra đang khó. Chưa kể mức LS dù đã giảm nhưng chưa thật sự hấp dẫn. Ông Trí cho biết vừa rồi ngân hàng đã giảm LS các khoản vay cũ từ mức 13-15%/năm về mức 10%/năm khiến DN dễ thở hơn, nhưng vẫn chưa thật sự mang lại khả năng cạnh tranh cao cho DN.

Ông Phan Văn Dũng, thành viên HĐQT Công ty CP Hữu Liên Á Châu, cho hay hiện vẫn đang phải trả lãi các khoản nợ cũ ở mức 11,5-13%/năm và chưa được điều chỉnh giảm dù LS huy động ngày một thấp. Công ty đang có nhu cầu vay 100 tỉ đồng nhưng ngân hàng chào LS lên đến 11%/năm, mức LS quá cao và không thể cạnh tranh lại với các đối thủ xuất khẩu khác.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Thanh cho rằng cần thêm thời gian ngân hàng mới giảm thêm lãi vay vì thời gian qua giá vốn bình quân của các ngân hàng ở mức 9-10%. Đến nay ngân hàng đang ôm một lượng lớn vốn LS cao. Còn LS huy động tuy đã giảm nhưng phải chờ các khoản gửi mới để “trung hòa” với vốn LS cao trước đây. Giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM nói những DN lớn làm ăn hiệu quả, trả nợ tốt chỉ đang vay với LS 8-10%. Có ngân hàng còn chào mời họ vay với LS thấp hơn mức này. Do vậy, khả năng giảm thêm LS cho đối tượng này rất khó. Trong khi nhóm khách hàng khác độ rủi ro cao, ngân hàng phải duy trì LS như một hình thức ép họ trả nợ.

Ánh Hồng - Trần Vũ Nghi

Doanh nghiệp “sống mòn” với sức mua kém

Sức mua trên thị trường nội địa kiệt quệ, lượng hàng tồn kho ngày càng tăng đã đẩy nhiều DN vào cảnh sống dở chết dở, vừa không có tiền trả nợ ngân hàng vừa còng lưng trả lãi.

“Đang tính sang sạp đây em ơi, buôn bán bây giờ ế ẩm quá” - chị Thúy, tiểu thương chợ Rạch Ông (Q.8), than. Hơn 10g sáng nhưng cả khu vực sạp đồ khô vẫn vắng lặng, rất ít người ra vào. Theo chị Thúy, có khi cả ngày không bán được món nào, trong khi cùng thời điểm năm trước doanh thu mỗi ngày 3-4 triệu đồng. “Nước ngọt còn bán lai rai chứ thực phẩm khô, đồ hộp có khi 2-3 ngày mới có người mua, buôn bán rất chán” - chị Thúy nói. Tại chợ Hòa Bình (Q.5), chỉ vào đống quần áo chất cao sắp đầy ắp trong các sạp, một tiểu thương cho biết: “Hàng từ tết tới giờ đó, mỗi ngày chỉ bán được một vài món, không biết “xổ” đến bao giờ mới hết hàng”.

Chủ một thương hiệu thời trang có tiếng ở TP.HCM cho hay dù đã chủ động cắt giảm lượng hàng sản xuất đến 50% so với dịp lễ năm ngoái, nhưng khi kết sổ thấy chỉ bán được chưa tới 20%. Ông H. - người đang điều hành hơn 20 cửa hàng quần áo thời trang thương hiệu M - cũng thừa nhận chưa năm nào “sức mua lại tệ kinh khủng như năm nay”. Theo bà Đặng Quỳnh Đoan - chủ thương hiệu thời trang Việt Thy, “hầu hết các DN đều cắt giảm sản lượng sản xuất, giảm giá bán tối đa nhưng vẫn không thể kéo được khách”.

Nhiều DN vật liệu xây dựng cho biết đang trong tình trạng “ngắc ngoải” do hàng tồn kho kéo dài từ đầu năm đến nay. Ông Nguyễn Hoàng Tú, giám đốc Công ty kinh doanh sắt thép Việt Hoàng (Q.Bình Tân), cho biết tổng lượng thép tiêu thụ đến cuối tháng 4-2013 của công ty chỉ mới đạt 20% kế hoạch năm, giảm đến 40% so với cùng kỳ. Gần hai tháng qua, công ty không lấy thêm hàng bởi số lượng nhập kho từ tết đến giờ vẫn còn. Theo ông Tú, điều lo lắng của DN là chưa biết bao giờ tình trạng ôm hàng mới chấm dứt.

Ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ tịch HĐQT Công ty Thời Trang Việt, thừa nhận các DN đành phải giảm giá mạnh để đẩy hàng tồn, tránh nguy cơ ôm hàng sẽ bị chôn vốn và gánh thêm lãi vay. Giám đốc một DN thời trang lo lắng đang tồn đọng hiện không dưới 16.000 sản phẩm, trị giá lên tới hàng tỉ đồng chưa biết phải giải quyết cách nào để thu hồi vốn trả ngân hàng.

* Theo Bộ Công thương, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1-4-2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 21,2%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 18,6%; giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 54,6%; mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 32%...

* Trong khi đó, Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết tổng lượng thép tiêu thụ của các thành viên VSA trong tháng 4-2013 đạt khoảng 420.000 tấn, giảm 6,8% so với tháng trước và giảm tháng thứ tư liên tiếp. Đến cuối tháng 4-2013, lượng phôi thép và thép thành phẩm hiện còn tồn ở các DN ước gần 800.000 tấn. Hội Vật liệu xây dựng VN cũng cho biết ngành sản xuất gạch ốp lát chỉ hoạt động 70% công suất nhưng tồn kho hơn 1 triệu m2 gạch, 30% lượng tấm lợp các loại chưa tiêu thụ được.


Trần Vũ Nghi - Dũng Tuấn

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Ngày 10/05, NHNN dự kiến giảm lãi suất điều hành (10/05/2013)

>   Lãnh đạo Bộ Tài chính làm việc với Tập đoàn Bảo Việt và Công ty Mua bán nợ Việt Nam về Đề án tái cơ cấu (10/05/2013)

>   'Tiền mất, tật mang' với tài sản thế chấp (10/05/2013)

>   Người gửi tiền xót xa nhìn lãi suất hạ (10/05/2013)

>   Lãi suất giảm: Đừng liều ôm bom bất động sản? (10/05/2013)

>   Lãi suất cho vay sắp đón đợt giảm mới? (09/05/2013)

>   Lãi tiết kiệm rớt mạnh, doanh nghiệp vẫn kêu vốn đắt (09/05/2013)

>   Làn sóng giảm lãi suất lan đến ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh (09/05/2013)

>   DaiABank: Ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2013 bất thành (09/05/2013)

>   'Ép' Ngân hàng Nhà nước hoãn nợ xấu (09/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật