Giải quyết nợ xấu, cần sự đồng thuận chính trị sâu rộng
Điểm gặp nhau trong quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế là xử lý nợ xấu phức tạp nhất và là trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Xử lý nợ xấu: Không nên coi là việc riêng của các ngân hàng
Việc kiên định điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là ổn định giá cả, chống lạm phát của Thống đốc NHNN hiện nay là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với bản chất hoạt động của ngân hàng trung ương là ổn định giá cả, ổn định lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính. Chính sách tiền tệ theo hướng lạm phát mục tiêu dù chỉ mới được thực hiện bước đầu, nhưng đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần đưa lạm phát từ 2 con số xuống dưới 8%, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Đương nhiên, Thống đốc còn nhiều việc khác phải làm, đặc biệt là chương trình tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng vô cùng khó khăn. Dù sao tôi cũng thích cách điều hành minh bạch, rõ ràng, nhất quán, đối diện trực tiếp với vấn đề và có tầm nhìn chiến lược của Thống đốc, một đồng nghiệp đáng quý trọng.
Xử lý nợ xấu là vấn đề phức tạp nhất và là trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với việc xử lý nợ xấu, mà quan trọng nhất là nguồn lực tài chính rất lớn, cơ sở pháp lý để mua, bán nợ đặc thù, năng lực quản lý và gia tăng giá trị tài sản và đặc biệt là khả năng tiếp cận trở lại vốn ngân hàng của các DN đang hoạt động, nhưng có lịch sử tín dụng xấu. Đây là những vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở hầu hết các nước và những quốc gia thành công là nhờ sự đồng thuận chính trị sâu rộng để giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu, trái lại không đồng thuận, không giải quyết nhanh, dứt điểm sẽ thất bại. Vì vậy, ở Việt Nam vấn đề xử lý nợ xấu không nên coi là việc riêng của NHNN và hệ thống ngân hàng, mà cần coi là việc chung của của cả hệ thống chính trị, của các DN và các ngân hàng thương mại, hay nói cách khác là xử lý cho cả nền kinh tế.
Việc xử lý nợ xấu qua Công ty Mua bán nợ Quốc gia (VAMC) mà không dùng nguồn ngân sách nhà nước hay vay nợ bên ngoài chắc chỉ có đặc thù ở Việt Nam. Do đó, hệ thống ngân hàng một mặt tiếp tục củng cố vững chắc thanh khoản, mặt khác tiếp tục xử lý nợ xấu bằng các nguồn lực tự có như dự phòng rủi ro, tái cơ cấu lại nợ. Đồng thời, chuẩn bị ban hành để thực hiện hàng loạt các quy định như chuẩn mực quản trị DN, chuẩn mực an toàn và quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và phân loại tài sản…
Tuy nhiên, nhìn chung, việc xử lý nợ xấu bằng công ty mua bán nợ tập trung, quy mô toàn diện (VAMC) khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu là quá trình phê duyệt chủ trương và phê chuẩn đề án cũng như ban hành các quy định pháp lý kéo dài khá lâu. Việc xử lý nợ xấu càng chậm thì chi phí phải trả càng lớn, số lượng DN phá sản càng nhiều và tiến trình phục hồi kinh tế càng khó khăn.
Sameer Goyal, Chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB)
Về dài hạn, cần có sự quan tâm đúng mức tới các thị trường vốn đang phát triển
Ngành ngân hàng Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong suốt thập kỷ qua và hỗ trợ cho sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong thời gian đó. Tuy nhiên, cái giá của sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng là rủi ro cao hơn trong hệ thống do khung pháp lý và năng lực giám sát của NHNN còn yếu kém và hệ thống cũng như thông lệ quản lý rủi ro ở các NHTM còn non trẻ mặc dù đang phát triển tương đối. Hệ quả là hệ thống ngân hàng đã cho thấy những dấu hiệu căng thẳng trong vài năm qua. Việc trích lập dự phòng nhiều hơn cho các khoản nợ xấu tăng lên cũng như giảm các khoản thu đã tạo thêm các áp lực lên vốn và khả năng thực hiện tái cấu trúc của ngân hàng. Các tài sản như bất động sản, đầu tư chứng khoán, vàng… cũng có thể là những nguồn rủi ro khác. Các biện pháp được Chính phủ thực hiện đã có thể tạm thời giải quyết một số vấn đề nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề thuộc về nền tảng cấu trúc.
Có các vấn đề cần chú ý ngay lập tức như tình trạng thanh khoản, tuy nhiên, giải quyết vấn đề đó không có nghĩa là vấn đề khó khăn nhất đã qua đi và chúng ta phải chuyển sang giải quyết các vấn đề ưu tiên khác. Chính phủ đang có những nỗ lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2012-2015, nhưng tiến trình này còn chậm chạp. Do đó, mặc dù những áp lực lên ngành ngân hàng do vấn đề thanh khoản có thể tạm thời giảm nhẹ, cải cách vẫn cần phải được tiếp tục ở một nhịp độ mới để giải quyết các điểm yếu cơ bản và xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh.
Chính phủ đã đưa ra khuôn khổ thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng tới năm 2015 tại Quyết định 254. Các vấn đề trước mắt cần được giải quyết nhanh chóng để đảm bảo chi phí toàn bộ cho việc tái cấu trúc được giảm tới mức tối thiểu. Trình tự và liên kết các biện pháp là rất quan trọng. Để xử lý vấn đề nợ xấu, thành lập Công ty quản lý tài sản tập trung chỉ là bước đầu tiên và thành công của nó còn phụ thuộc vào việc thiết kế nó ra sao. Hơn thế, để thực sự là một giải pháp hiệu quả, cần có khung pháp lý và quy định để hỗ trợ tái cấu trúc DN. Thêm vào đó, để tránh các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai, cần chú ý năng lực giám sát, cải thiện quản trị DN của các ngân hàng bao gồm tiếp cận các vấn đề liên quan tới tính liên kết giữa các tổ chức tài chính và DN. Nên khuyến khích tái cấp vốn ngân hàng để tạo nền tảng giải quyết các vấn đề tương tự trong tương lai. Từ trung hạn tới dài hạn, cần có sự quan tâm phù hợp tới phát triển thị trường vốn để giảm bớt áp lực hiện tại lên ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ đầu tư và tăng trưởng
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright
Xử lý nợ xấu với doanh nghiệp nhà nước là vấn đề cốt lõi
Nợ xấu của ngân hàng hiện nay được tạo ra bởi 3 nhóm nguyên nhân: cho vay DN Nhà nước, bất động sản, nhóm cổ đông chiến lược của ngân hàng. Ngay từ đầu, việc cho vay không căn cứ vào tính khả thi của dự án, không tuân theo các tiêu chí thương mại nên dẫn đến nợ xấu. Tâm lý phổ biến thời gian qua của cả người vay và bên vay (ngân hàng) là chờ đợi sự can thiệp của Nhà nước vào việc xử lý nợ xấu, nên thách thức vẫn còn đó, vì các khoản nợ vẫn còn, chỉ là chuyển từ hạng mục này sang hạng mục kia. Hạng mục tài sản khác vẫn tiếp tục tăng lên trong báo cáo tài chính năm 2012, khoản cho vay theo quan hệ cũng rất khó xử lý nghĩa là nợ xấu vẫn chưa được giảm, vẫn chưa giải quyết được và ngày càng khó khăn hơn. Trong khi đó, định hướng chính sách xử lý nợ chưa rõ, vẫn treo đó các khoản nợ, nên ngân hàng không đòi được nợ từ DN Nhà nước. Nhà nước vẫn chưa làm gì và cũng chưa nhìn thấy nguồn lực thực sự xử lý các khoản nợ của DN Nhà nước.
Điều dễ thấy là khoản vay đặc biệt của các ngân hàng yếu kém, các cổ đông nỗ lực trả nợ, nếu không sẽ bị mất quyền kiểm soát ngân hàng. Ngay cả những ngân hàng yếu kém đã được tái cơ cấu để đảm bảo nhóm nhà đầu tư mới, vẫn phải chấp nhận sở hữu chéo.
Trong các thách thức của hệ thống ngân hàng hiện tại, cũng cần đặt ra vấn đề tăng trưởng chậm. Các ngân hàng do e ngại nợ xấu đang chọn cách co cụm lại, tăng trưởng chậm, dẫn tới tác động ngược lại làm việc giải quyết khó khăn nợ xấu khó khăn hơn. Nếu như trước đây, chỉ cần vài năm tăng trưởng là ngân hàng có thể giải quyết được nợ xấu, nhưng bây giờ không thể dùng theo hướng đó. Nền kinh tế vẫn trong vòng xoáy thoái nợ.
Xử lý nợ xấu liên quan đến DNNN là vấn đề cốt lõi để giải quyết nợ xấu trong nền kinh tế, là trách nhiệm Nhà nước phải làm và phải dùng nguồn lực Nhà nước gắn tái cơ cấu DNNN với tái cơ cấu ngân hàng. Nhà nước phải xem xét khả năng cổ phần hóa và bán các DN nắm giữ dưới 50% mà đầu tư trong và ngoài nước mua rồi lấy tiền đó làm nguồn lực để xử lý nợ xấu của DNNN. Nhà nước buộc phải chấp nhận đau thương, cắt bỏ những DN làm ăn không hiệu quả. Đồng thời, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo. Còn với lĩnh vực bất động sản thì nên để thị trường tự điều chỉnh.
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế
Ngành ngân hàng có thể còn phải chịu những thách thức mới
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang đứng trước hàng loạt nhiệm vụ lớn: xử lý nợ xấu; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và loại bỏ những ngân hàng yếu kém; nâng chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng; chuyển dịch cơ cấu vốn cho DN, đang phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, sang các kênh tài chính khác theo thông lệ quốc tế.
Mọi việc vẫn đang ngổn ngang phía trước với ngành ngân hàng. Ví dụ như để xử lý nợ xấu, cần phải có con số thống kê chính xác về nợ xấu của từng tổ chức tín dụng. VAMC có ra đời hay không ra đời, hoạt động như thế nào, dựa trên nguyên tắc nào? Tái cơ cấu đã được tiến hành, nhưng phải làm mạnh hơn nữa, để tiến tới trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, không còn những ngân hàng yếu kém, mất thanh khoản. Chất lượng và hiệu quả tín dụng nên tính toán thế nào? Bởi nhìn lại năm 1995, tổng tín dụng chỉ chiếm khoảng 20% GDP, nhưng đến năm 2012, tỷ lệ này là trên 100%, trong khi tăng trưởng kinh tế trồi sụt.
NHNN đã nhận ra những thách thức, nhưng nếu những thách thức đó không được giải quyết nhanh và đồng bộ, ngành ngân hàng sẽ còn gặp khó khăn lớn hơn. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng có thể còn phải chịu những thách thức mới, bởi kinh tế thế giới cũng như trong nước còn tiếp tục biến động. Điều này đòi hỏi NHNN phải nhận diện và xâu chuỗi các biện pháp để đối phó với thách thức.
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam
AMC không phải là bến đỗ cho các khoản nợ xấu ngân hàng
Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát đã giảm từ hơn 20% trong tháng 8/2011 xuống một con số trong tháng 4/2013. Tỷ giá được ổn định đã góp phần làm giảm lạm phát, tăng niềm tin đối với tiền đồng. Đây là cơ sở để NHNN giảm các loại lãi suất, như lãi suất chính sách, lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất cho vay đã phần nào làm dịu bớt những vấn đề của hệ thống ngân hàng và DN. Đồng thời, những nỗ lực của NHNN trong việc cải thiện thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung là thành công, đặc biệt là so với bối cảnh khó khăn trong nửa cuối năm 2011.
Năm 2012 là một năm thách thức đối với hệ thống ngân hàng và nhiều khả năng những khó khăn đó sẽ tiếp tục trong năm 2013. Tăng trưởng kinh tế đã chậm hơn trong năm 2012 và nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ phải vật lộn để tồn tại. Cầu trong nước yếu và triển vọng kinh tế không chắc chắn đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng cũng đã thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Điều này đáng được hoan nghênh so với việc cho vay dễ dàng trong những năm trước đó, nhưng cũng ngăn cản đà tăng trưởng tính dụng mặc dù thanh khoản không còn là vấn đề với hệ thống ngân hàng.
Có sự khác biệt về con số nợ xấu tính toán bởi các ngân hàng, NHNN và các thành viên tham gia thị trường. Các ngân hàng cần phải chấp nhận và NHNN phải kiên quyết yêu cầu các ngân hàng báo cáo mức nợ xấu thực của mình. Trong bối cảnh này, việc chuẩn bị thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia (AMC) là một bước đi đúng hướng. Nhưng hoạt động của công ty này phải góp phần giải quyết dứt điểm nợ xấu và không phải là bến đỗ cho các khoản nợ xấu của các ngân hàng. Việc giải quyết nợ xấu nhất thiết sẽ liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực công, như kinh nghiệm cho thấy ở một số nước khác đã trải qua những vấn đề tương tự...
Những đợt sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém với nhau trong thời gian 2011-2013 để củng cố hệ thống ngân hàng mới chỉ là bước khởi đầu. Các ngân hàng sáp nhập cần phải cải thiện hoạt động, quản trị và tăng vốn để có thể cải thiện lợi nhuận, củng cố bảng cân đối và đáp ứng tất cả các quy định về an toàn của NHNN. Bên cạnh các ngân hàng yếu kém, tỷ lệ nợ xấu và các vấn đề khác trong bảng cân đối cần phải được giải quyết một cách công khai, minh bạch và toàn diện tại các NHTM cổ phần và NHTM Nhà nước.
Hồng Dung ghi nhận
Đầu tư chứng khoán
|