Khôn ngoan nhất là hoãn có thời gian áp dụng Thông tư 02
"Hoãn” áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN được xem là điểm mở để cứu DN. Bên cạnh đó cũng có nhiều lo ngại: NHNN không muốn đối diện thẳng với nợ xấu. Xung quanh vấn đề này, báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi nhanh với TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
TS Lê Thẩm Dương
|
Ông Dương nói, hoãn Thông tư 02 cho thấy kỷ cương khối ngân hàng không nghiêm, việc tái cấu trúc ngân hàng không dứt khoát. Hoãn Thông tư 02 có nghĩa là không ép được cả DN lẫn ngân hàng làm ăn đàng hoàng.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, trong điều hành bao giờ người quản lý cũng chọn phương án ít xấu nhất trong những phương án xấu. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu như không hoãn chuyển nhóm nợ xấu, cả DN, ngân hàng, nền kinh tế sẽ chuyển sang giai đoạn cực xấu. NHNN hoãn áp dụng Thông tư 02, là chọn phương án ít xấu nhất.
Chúng ta trở lại thị trường vàng, NHNN đã 3 lần lùi thời gian tất toán vàng cho các NHTM, tổ chức tín dụng, với hạn cuối cùng là 30-6 tới đây. Và hiện giờ, việc áp dụng Thông tư 02 cũng là ở tình thế tương tự.
Bảng cân đối của NHTM có thể sạch nhưng đánh đổi lại, là cộng đồng DN chết, nền kinh tế khó chồng khó. Do vậy không thể cực đoan trong điều hành chỉ vì riêng DN hay ngân hàng. Vì vậy chỉ nên hoãn áp dụng Thông tư 02 trong một thời gian hữu hạn, có lợi cho nền kinh tế.
Cứ xem như bước 1 là NHNN nhân nhượng cho các NHTM. Bước 2, nếu các NHTM lần khần thì ép. Hệ thống NHTM một thời chơi với vàng, giờ đến hạn, muốn không bị phạt thì bằng giá nào cũng phải mua vàng.
Về tỉ tỷ lệ nợ xấu giảm từ 8,8% vào giữa năm ngoái xuống chỉ còn 6%, theo TS Dương, cả hư số và thực số bao nhiêu mình cũng chưa nắm được. Nguy hiểm nhất là nợ tiềm ẩn xấu. "Anh ngân hàng cho DN vay 10 năm và khoản nợ này chưa đến hạn để tính toán, xếp hạng. Nó sẽ là nợ xấu hay nợ không xấu? Đó mới là điều quan trọng” - TS Dương nói.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|