Thứ Năm, 16/05/2013 22:58

Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng không phải để giải cứu thị trường BĐS

"Tôi nhắc lại, đây không phải là gói tín dụng để giải cứu BĐS mà hướng tới đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở mà nguồn lực cá nhân còn hạn chế. Do đó, gói tín dụng này mang ý nghĩa an sinh xã hội lớn nhưng đồng thời đằng sau nó vẫn sẽ lan tỏa hỗ trợ cho thị trường BĐS.", đó là chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN - Nguyễn Viết Mạnh với phóng viên Thời báo Ngân hàng chiều 15/5/2013.

PV: Thưa ông, tại sao NHNN lại chỉ đưa ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mà không phải là 20 hay 40 nghìn tỷ như dự kiến?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: NHNN phải căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ với nhiệm vụ quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát. Sau khi tính toán, NHNN nhận thấy với gói tín dụng trị giá 30 nghìn tỷ đồng là phù hợp mục tiêu, chính sách kể trên.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn cho người dân vay 10 năm là chưa đủ?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Nghị quyết 02 của Chính phủ nêu rõ NHNN dành nguồn vốn 20 – 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân có nhu cầu mua nhà trong thời hạn 10 năm. Còn trong quy định tại Thông tư 11 của NHNN thì có yêu cầu các NHTM cho vay tối thiểu là 10 năm với lãi suất tối đa là 6%/năm. Như vậy khoản vay có thể dài hơn 10 năm, lên đến 15 năm, tùy theo khả năng tài chính của mỗi người để các NHTM thẩm định và quyết định cho vay. Nhưng sau 10 năm thì người vay phải trả lãi theo lãi suất thương mại. Tôi cho rằng, 5 NHTM triển khai gói tín dụng này gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank và MHB đã rất chia sẻ với khách hàng bởi họ chỉ được vay lãi suất tái cấp vốn của NHNN thấp hơn 1,5%/năm so với lãi suất cho vay khách hàng, mà các NHTM chịu hoàn toàn chi phí rủi ro, và thông thường lãi biên các khoản vay ở mức 2,5 – 3%.

PV: Hiện nay vẫn có không ít người lo ngại vấp "bẫy lãi suất" từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Trong Thông tư 11 đã quy định: Ngân hàng trong vòng 10 năm không được áp dụng lãi suất cho vay vượt quá 6%, như vậy, thông điệp về lãi suất rất rõ ràng. Theo tôi, người vay đang được hưởng lợi khi lãi suất đang trong xu hướng giảm. Có thể ở một số nước như Mỹ, người mua nhà được vay lãi suất thấp trong thời hạn dài hơn nhưng chúng ta không thể lấy mô hình ở nước nào đó áp đặt cho Việt Nam, nhất là vào thời điểm này. Đó là chưa kể tiềm lực kinh tế của mỗi nước có sự khác biệt lớn. Như ở Mỹ để giải cứu thị trường BĐS, Chính phủ nước này có thể bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường, còn ở Việt Nam thì không thể. Việc NHNN đưa gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang… mang ý nghĩa ổn định xã hội rất lớn.

Tôi lưu ý, cơ chế chính sách mà NHNN đưa ra tại Thông tư 11 là để các NHTM dựa trên những quy định cụ thể đang cho vay áp dụng với khách hàng. Như vậy, người vay theo cơ chế vay thông thường của các NHTM, chắc chắn không có việc các ngân hàng hạ chuẩn tín dụng để mắc bẫy nợ xấu tự làm khó mình sau này.

PV: Giả dụ nếu gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được hấp thụ nhanh liệu NHNN có tăng thêm nguồn hỗ trợ?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Chúng tôi sẽ theo dõi quá trình triển khai chương trình. Trong trường hợp thực sự có hiệu quả đối với nền kinh tế và cân đối giữa chính sách tiền tệ và lạm phát..., NHNN sẽ có đề xuất cụ thể. Nhưng tôi nhắc lại, đây không phải là gói tín dụng để giải cứu BĐS mà hướng tới đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở mà nguồn lực cá nhân còn hạn chế. Do đó, gói tín dụng này mang ý nghĩa an sinh xã hội lớn nhưng đồng thời đằng sau nó vẫn sẽ lan tỏa hỗ trợ cho thị trường BĐS.

PV: Hai cơ quan: NHNN và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp thế nào để hạn chế khả năng có hoạt động đầu cơ?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Tôi cho rằng rất khó để hoạt động đầu cơ có môi trường phát sinh bởi đằng sau nó là cả hệ thống pháp luật. Người vay trải qua nhiều thủ tục mới được duyệt hồ sơ và cấp tín dụng. Đó là họ phải thuộc đối tượng được vay vốn, được địa phương hay cơ quan quản lý xác nhận và sau đó là ngân hàng thẩm định… Bên cạnh đó, công tác thanh tra kiểm tra tích cực triển khai nên rất khó xảy ra trường hợp trong một gia đình có nhiều người được duyệt hồ sơ vay vốn. Nếu phát hiện sai phạm, ngay lập tức ngân hàng sẽ thu hồi lại.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nhóm PV

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Sớm sửa các luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản (16/05/2013)

>   Bất động sản VN sẽ hồi phục dần trong năm 2014? (16/05/2013)

>   6.000 tỷ xây đường trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (16/05/2013)

>   Kiến nghị Hà Nội giao đất cho Petrolimex để làm trụ sở (16/05/2013)

>   Bất động sản TP.HCM chứng kiến làn sóng M&A mới (16/05/2013)

>   Gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở: Hiệu quả, có thể “bơm” thêm! (16/05/2013)

>   Không có “bẫy lãi suất” trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (15/05/2013)

>   Kiểm soát hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư xây dựng (15/05/2013)

>   Người mua nhà được hưởng 70% gói 30.000 tỷ đồng (15/05/2013)

>   Đồng Nai cần xây dựng 3 triệu m2 nhà ở mỗi năm (15/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật