Thứ Tư, 15/05/2013 21:40

Kiểm soát hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư xây dựng

Ngày 15/5, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng trong tình hình mới.

Trọng tâm của nội dung sửa đổi nhằm thống nhất cao về quan điểm phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng; mô hình quản lý các dự án, mối quan hệ giữa Luật Xây dựng và pháp luật liên quan.

Kiểm soát chặt vốn ngân sách

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Luật Xây dựng năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004 đã tạo lập và định hình khuôn khổ pháp luật và cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng. Mặt khác, luật cũng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cũng như từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Xây dựng đã bộc lộ những bất cập trong các quy định về đầu tư xây dựng cần được xem xét để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.

Hiện một số quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng chưa theo kịp quá trình hình thành và xác lập thể chế kinh tế thị trường với nhiều thành phần. Điều này được biểu hiện ở một số khía cạnh như: Chưa phân định rõ giữa vai trò quản lý Nhà nước với vai trò điều tiết của thị trường; giữa chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng với chức năng của chủ đầu tư, chủ sở hữu vốn nhà nước trong quản lý thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng; giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Quá trình phân cấp mạnh trong quản lý đầu tư và xây dựng chưa gắn với việc đối mới công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cũng như với việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ thực hiện, hiệu quả thấp gây ra thất thoát lãng phí lớn nhưng khó quy kết trách nhiệm còn xảy ra ở nhiều dự án, công trình xây dựng. Công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng với những hạn chế về khả năng dự báo, tính khả thi và công khai minh bạch thấp dẫn đến tình trạng có nhiều “quy hoạch treo”, “dự án treo” tại một số khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế… gây nên những lãng phí về cơ hội đầu tư và nguồn lực phát triển.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc sửa đổi và bổ sung luật sẽ giải quyết những bất cập trên, đặc biệt là trong việc xóa bỏ tình trạng lãng phí vốn nhà nước trong các công trình đầu tư xây dựng. Đặc biệt, để phù hợp với các cam kết hội nhập, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đề cập việc đổi mới cách tiếp cận, nội dung và phương thức quản lý đối với các hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc dự án, công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn khác nhau thì được quản lý thực hiện theo những phương thức khác nhau.

Cụ thể, đối với dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, nhà nước thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn diện từ chủ trương đầu tư đến thiết kế, thi công xây dựng và đưa công trình vào vận hành sử dụng, kể cả chi phí đầu tư xây dựng công trình. Mặt khác, với tư cách là chủ sở hữu vốn, nhà nước thực hiện việc phân công, phân cấp quản lý, quy định các quyền và nghĩa vụ đối với người đại diện chủ sở hữu vốn (người quyết định đầu tư) và người trực tiếp quản lý sử dụng vốn (chủ đầu tư xây dựng công trình).

Đối với dự án, công trình được đầu tư xây dựng bằng những nguồn vốn khác thì nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát về sự phù hợp với quy hoạch, về những nội dung thực hiện có liên quan đến an ninh, an toàn trong xây dựng và vận hành sử dụng công trình, bảo vệ cảnh quan, môi trường thông qua các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, cấp phép xây dựng, điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, kể cả việc kiểm tra, đánh giá về chất lượng xây dựng sau khi công trình được đưa vào vận hành sử dụng.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định, hướng dẫn cần thiết về thực hiện các dự án, công trình xây dựng theo hình thức hợp đồng dự án (BT, BOT), hợp đồng Đối tác Công-Tư (PPP) có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, về quy trình, thủ tục thực hiện cũng như quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia, các biện pháp bảo đảm trong hoạt động đầu tư xây dựng, qua đó khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước tham gia đầu tư xây dựng.

Giảm chồng chéo giữa các luật

Theo ban soạn thảo, việc ban hành nhiều quy định pháp luật khác sau khi đã có Luật Xây dựng như Luật đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Nhà ở… cũng làm cho một số các quy định của Luật Xây dựng bị chồng lấn về phạm vi điều chỉnh hoặc bị chồng chéo, trùng lặp ở một số quy định cụ thể. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức, thực hiện, quản lý và kiểm tra kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng ở cả Trung ương và địa phương.

Vì vậy, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp hoặc chồng lấn với quy định của pháp luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở đó, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tiếp tục được cải cách trên cơ sở đề xuất các quy định về phân loại dự án và phân chia giai đoạn thực hiện, minh bạch về quy trình, thủ tục, hồ sơ ở từng khâu thực hiện trên cơ sở phân định rõ giữa thủ tục hành chính với các thủ tục có tính chất chuyên môn, tác nghiệp.

Quá trình đầu tư xây dựng với quá trình quản lý khai thác sử dụng công trình được gắn kết thông qua việc bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư và của nhà thầu xây dựng sau khi hoàn thành bàn giao công trình xây dựng, về cấp giấy chứng nhận sử dụng công trình cũng như các quy định về bảo hành, bảo trì và bảo hiểm công trình ở giai đoạn vận hành sử dụng.

Vai trò của nhà nước trong việc định hướng phát triển, tổ chức quản lý và điều tiết thị trường xây dựng cũng được tăng cường thông qua những quy định về quản lý quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, lựa chọn nhà thầu xây dựng, điều kiện năng lực hoạt động khi tham gia thị trường… nhằm thiết lập và củng cố trật tự xây dựng, từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch và cạnh tranh của thị trường xây dựng.

Các ý kiến tham gia đóng góp tại hội nghị tập trung khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay trong quá trình đầu tư xây dựng. Có ý kiến cho rằng không nên giao cho các bộ tự làm luật liên quan đến Luật Xây dựng. Chẳng hạn như không nên đưa đấu thầu xây lắp vào Luật đấu thầu, nên để Luật đấu thầu ở mức độ hướng dẫn về mặt nguyên tắc, phần hướng dẫn nên giao cho các bộ chuyên ngành.

Mặt khác, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu giá thầu hợp lý, chứ không phải giá thầu thấp nhất vì thực tế phần lớn các dự án đều xin điều chỉnh giá thầu; cần phân định rõ vai trò quản lý Nhà nước và chủ thể xây dựng vì hiện nay vai trò quản lý nhà nước quá rộng, khó có khả năng bao quát hết các vấn đề trong đầu tư xây dựng.

Các đại biểu cũng kiến nghị tăng cường cơ chế xử phạt; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của các luật đồng thời không nên trình các bộ luật riêng lẻ khi chưa có rà soát, tổng kết để tránh chồng chéo giữa các luật chuyên ngành. Cùng với kiến nghị vẫn để các bộ, ngành làm chủ đầu tư các dự án quan trọng, sử dụng nguồn vốn lớn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ thêm phần bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, kể cả các quy định về chi phí môi trường.

Một số đại biểu dẫn chứng, thực tế triển khai xây dựng tại các địa phương nảy sinh vấn đề phân loại các cấp dự án, công trình. Vì vậy, dự luật cần tăng cường vai trò thẩm định các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công vì hiện nay các dự án đều do chủ đầu tư tự thẩm định, thi công, các cơ quan nhà nước chỉ cho ý kiến nên rất dễ xảy ra tình trạng thất thoát, thiếu hiệu quả.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc sớm ban hành Luật Xây dựng sửa đổi là cần thiết. Mặc dù, còn nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đấu thầu, sử dụng nguồn vốn…, tuy nhiên cần thống nhất quan điểm là hoạt động xây dựng là một quá trình liên thông từ đầu tư đến xây dựng, sản phẩm xây dựng là đặc thù, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Do vậy cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ, đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần rà soát, thống nhất ý kiến giữa các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ, Quốc hội các bộ luật, giảm thiểu tối đa sự giao thoa, chồng chéo giữa các bộ luật chuyên ngành./.

Thu Hằng

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Người mua nhà được hưởng 70% gói 30.000 tỷ đồng (15/05/2013)

>   Đồng Nai cần xây dựng 3 triệu m2 nhà ở mỗi năm (15/05/2013)

>   Sắp phân lô, bán nền nhiều dự án mới (15/05/2013)

>   DN làm nhà ở xã hội có thể được ưu đãi thuế từ 1/7 tới (15/05/2013)

>   “Tiềm năng BĐS phía Đông Hà Nội là rất lớn” (15/05/2013)

>   Giới hạn mức vay gói 30.000 tỷ "cứu" bất động sản (14/05/2013)

>   Sóng ngầm săn tài sản rẻ tại Việt Nam (14/05/2013)

>   Căn hộ được vay ưu đãi bắt đầu bung hàng (14/05/2013)

>   Nhà ở xã hội: Mệt mỏi chờ “xin - cho” (14/05/2013)

>   Đất dịch vụ hết thời "gà đẻ trứng vàng" (14/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật