“Đẩy” cho địa phương tạm trữ gạo: Ai lo đầu ra?
Các địa phương sẽ ưu tiên giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa gạo và thu mua trực tiếp từ nông dân chứ không qua thương lái.
Đó là ý kiến của nhiều vị lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL, trước thông tin Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất với Bộ NN&PTNT giao cho địa phương phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, điều mà các địa phương lo lắng nhất là đầu ra cho xuất khẩu.
Địa phương “nắm dao đằng lưỡi”
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho hay mỗi lần thực hiện thu mua tạm trữ đều bị chỉ trích chỉ doanh nghiệp (DN) có lợi, chỉ tiêu thu mua chưa tương xứng với sản lượng sản xuất, không làm tăng giá lúa, tạm trữ trễ… Trong khi đó, DN đã cố gắng hết sức để thực hiện dù được hỗ trợ lãi suất nhưng vẫn lỗ vì giá xuất khẩu rớt, thị trường cạnh tranh gay gắt. Để kế hoạch tạm trữ như mong muốn, VFA đề xuất giao lại cho các địa phương thực hiện từ các vụ tới.
Đầu ra sau khi thu mua tạm trữ gạo cần trách nhiệm chung của các bên liên quan, nếu không gánh nặng đó vẫn thuộc về nông dân.
|
Phản hồi thông tin trên, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết nếu có chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ và Bộ NN&PTNT thì chắc chắn các địa phương sẽ thực hiện được. Đây là cách làm hay, địa phương có thể hoàn toàn chủ động nhờ nắm được số liệu cụ thể, chi tiết về sản lượng và nguyện vọng của nông dân, năng lực của DN trên địa bàn.
“Khác với cách điều hành của VFA, các tỉnh sẽ đưa ra điều kiện riêng đối với DN thu mua tạm trữ. Đó là ưu tiên hỗ trợ lãi suất 0% cho những DN có vùng nguyên liệu và thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân, không qua thương lái. DN nào không đủ điều kiện vẫn được thông qua thương lái nhưng chỉ xem xét cho vay sau khi ưu tiên cho những DN trên. Cách làm thứ hai là để cho người dân nào có đủ điều kiện về kho bảo quản, năng lực được thu mua tạm trữ. Người tạm trữ sẽ được vay vốn lãi suất 0%, có chuyên viên do địa phương cử xuống hướng dẫn kỹ thuật” - bà Tuyết thông tin.
Cách làm này theo ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, sẽ đảm bảo yếu tố công bằng khi phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho DN, không để xảy ra nghi ngờ về lợi ích giữa DN trong và ngoài VFA. Các tỉnh sẽ đưa ra mức giá và sản lượng thu mua sát với thực tế sản xuất, chất lượng lúa, đảm bảo ổn định và có lãi cho nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thiện Nghĩa, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng địa phương chỉ nên giao DN thu mua tạm trữ. Và DN tham gia phải đủ điều kiện xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có ký hợp đồng bao tiêu và thu mua trực tiếp từ nông dân.
Nhưng VFA vẫn nắm đằng “chuôi”
Nỗi lo lớn nhất của các địa phương là VFA mới chỉ đá “quả bóng” phân bổ chỉ tiêu tạm trữ qua, trong khi vẫn giữ quyền phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu.
Ông Phạm Thiện Nghĩa phân tích: “Làm kiểu này giống như trao cho địa phương cái phiếu thu, không có cái phiếu chi thì bán hàng sao được? Nhiều địa phương lúng túng, sợ DN không dám tạm trữ khi không biết mình được xuất khẩu bao nhiêu. DN tạm trữ cũng lo lắng, nếu tạm trữ nhiều mà xuất khẩu không bao nhiêu, không tìm được đầu ra thì lỗ nặng. Giai đoạn chuyển tiếp này không hề đơn giản vì liên quan đến rất nhiều đơn vị, chưa kể thời gian bàn giao quá cận kề”.
Về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết VFA sẽ căn cứ theo số lượng thu mua tạm trữ từng địa phương để giao phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, lại cho rằng việc VFA phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu chỉ giải quyết được một phần nhỏ đầu ra. Chủ yếu vẫn là DN tự tìm thị trường. Do đó, địa phương, VFA, DN lẫn bộ, ngành, Chính phủ phải chung tay liên kết, lên kế hoạch rõ ràng từ đầu vào đến đầu ra thì mới hiệu quả được.
Nhìn nhận vấn đề, GS Võ Tòng Xuân nói rõ: “Nay VFA đẩy quả bóng thu mua tạm trữ cho địa phương. Không lo được đầu ra, có ngày địa phương đẩy lại VFA, VFA trả về cho Chính phủ. Đẩy đưa trách nhiệm vậy cũng như không. Vì thế cần có sự kết hợp chặt chẽ, gắn chặt trách nhiệm giữa bộ, ngành, VFA với địa phương và DN. Về đầu ra, đề nghị Chính phủ nên hướng cho DN bán trực tiếp ra nước ngoài và có kho tạm trữ ngay tại đó”.
Công khai phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu
Giao cho địa phương phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ là cách làm tốt, còn đầu ra DN xuất khẩu nên tự lo chứ hợp đồng tập trung không có nhiều, địa phương lo cũng không được.
Việc băn khoăn về sự phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu chẳng qua là do nghi ngờ phân chia thiếu công bằng mà thôi. Vì vậy, VFA cần công khai minh bạch việc này. Chẳng hạn, VFA có thể căn cứ vào thành tích xuất khẩu của từng DN, thành tích xuất khẩu cao thì chỉ tiêu cao, thành tích thấp thì chỉ tiêu thấp…
Chuyên gia NGUYỄN ĐÌNH BÍCH (Viện Nghiên cứu Thương mại)
Lợi ích của nông dân đang giảm
Điều tra mới đây của Oxfam - liên minh quốc tế của 15 tổ chức làm việc tại 98 quốc gia trên thế giới nhằm tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công - cho thấy: Trong khi thu nhập của nông dân Việt Nam hầu như không tăng thì lợi nhuận của DN xuất khẩu gạo vẫn tăng, từ 7% trong năm 2007 lên hơn 90% trong giai đoạn 2008-2010.
Oxfam nhận định chính sách thu mua tạm trữ gạo của Việt Nam những năm qua hầu như tác động rất ít đến việc tiêu thụ lúa của nông dân. Nếu như năm 2006, nông dân thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo thì đến năm 2010, tỉ lệ này chỉ còn 10%.
|
Quang Huy
Pháp luật TPhcm
|