Gạo Việt Nam trước thách thức lớn
Các nhà nhập khẩu gạo thế giới dọa ngưng mua nếu phía Việt Nam không hạ giá bán gạo. Trong khi đó, nếu chúng ta hạ giá sẽ gây thiệt hại cho sản xuất trong nước đồng thời dễ mất vị thế dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo
Vụ đông xuân năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mua lúa của nông dân chỉ có 4.500 đồng/kg, thấp hơn năm 2011 đến 700 đồng/kg. VFA giải thích mua lúa giá thấp là do bán gạo xuất khẩu giá thấp vì phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo gồm Thái Lan, Ấn Độ và mới đây là Myanmar.
Cần có chiến lược tốt để tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Trong ảnh: Đưa gạo lên tàu để xuất cảng ở Cần Thơ
|
Lợi thế nhiều, giá vẫn thấp
Từ khi đắc cử thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra thực hiện chính sách trợ giá cho nông dân với giá mua lúa khoảng 496 USD/tấn. Với giá này, gạo xuất khẩu của Thái Lan phải bán khoảng 600 USD/tấn. Việt Nam đang bán gạo xuất khẩu thấp hơn Thái Lan khoảng 170 USD/tấn, Thái Lan lại cương quyết giữ giá bán gạo cao thì gạo Việt Nam đâu phải cạnh tranh với gạo Thái! Nếu Thái Lan có xả kho đi nữa thì với giá chênh lệch đến 170 USD/tấn, gạo Thái Lan không thể cạnh tranh về giá với gạo Việt Nam.
Trong khi đó, Ấn Độ nhiều năm qua xuất khẩu gạo với số lượng không đáng kể. Năm 2012, Ấn Độ bất ngờ xuất trên 8 triệu tấn gạo trong khi Việt Nam vẫn xuất khẩu 8 triệu tấn, cao hơn năm 2011 khoảng 900.000 tấn. Ấn Độ dân số đông, nhu cầu lương thực lớn, không đủ “trường sức” để cạnh tranh với Việt Nam về lượng gạo bán ra.
Còn gạo Myanmar thì giá rẻ, chất lượng kém. Dự kiến, Myanmar chỉ còn xuất khẩu được khoảng 900.000 tấn/năm. GS Võ Tòng Xuân nhận định: Gạo Myanmar giá rẻ nhưng chất lượng lẫn sản lượng rất thấp, không thể so bì với gạo Việt Nam.
Lợi thế là vậy song gạo Việt Nam chưa mạnh về giá. Quý I/2013, xuất khẩu gạo nước ta đạt trên 1,45 triệu tấn, tăng hơn 350.000 tấn so với quý I năm ngoái nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 6%, tức chỉ đạt trên 641 triệu USD. Nhiều năm qua, lượng gạo xuất khẩu tăng đều đặn, riêng năm 2012 xuất nhiều hơn năm 2008 đến 3.274.300 tấn nhưng giá xuất khẩu lại đi theo chiều ngược lại: Năm 2008, bình quân 610 USD/tấn; năm 2012, chỉ còn 458 USD/tấn; quý I/2013, giá bán gạo xuất khẩu bình quân chỉ còn 443 USD/ tấn.
Không nên giảm giá gạo xuất khẩu
Chịu sức ép gạo giá rẻ của những đối thủ cạnh tranh, nhất là Myanmar, hiện VFA đang muốn tiếp tục hạ giá gạo xuất khẩu. Điều này khiến nhiều giới, nhất là nông dân trồng lúa, lo lắng.
Thái Lan xuất khẩu gạo thường xuyên với khoảng 10 triệu tấn, đã thực hiện chính sách nâng giá bán gạo xuất khẩu loại 5% tấm lên gần 600 USD/tấn. Thái Lan quyết giữ giá gạo cao nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân trong nước. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo không thường xuyên, chỉ xuất gạo tồn kho lâu năm khi chắc chắn bảo đảm an ninh lương thực trong nước (năm 2009, Ấn Độ phải nhập từ Thái Lan và Việt Nam 2 triệu tấn gạo) nên gạo nước này chất lượng kém hơn gạo Việt Nam.
Trong điều kiện như vậy, Việt Nam cần phải xuất khẩu gạo theo nước xuất khẩu thường xuyên với giá cao, tức là theo Thái Lan, để bảo vệ quyền lợi của nông dân chứ không nên xuất khẩu gạo với giá rẻ như Ấn Độ.
Việt Nam và Thái Lan chi phối đến 50% lượng gạo cần thiết của thị trường thế giới (khoảng 18 triệu tấn gạo). Các nước nhập khẩu gạo không thể để dân mình đói trong khi kho gạo đang trống, vì thế họ buộc phải tranh nhau nhập khẩu gạo Việt Nam với giá 550 USD/tấn (rẻ hơn gạo Thái Lan 50 USD/tấn) vì sợ giá gạo sẽ còn tăng.
Nếu Ấn Độ nâng giá theo Việt Nam thì tốt, không theo cũng chẳng hề gì. Cứ để Ấn Độ bán giá thấp, họ hết gạo rồi thì mình mới bán giá cao.
Vậy bản chất của cạnh tranh giá gạo hiện nay là gì? Thực ra, các nhà nhập khẩu chỉ dọa đổi đối tác cung ứng gạo nhằm ép giảm giá phía ta. Nếu ta cứ thuận theo thì giá xuất khẩu sẽ rớt xuống nữa. Chưa biết doanh nghiệp (DN) kêu lỗ là có thật hay không nhưng giá lúa gạo trong nước đang giảm, nông dân lỗ là quá rõ ràng. Vì vậy, DN cứ đẩy giá lên, đừng sợ bị ép giá, các đối tác nhập khẩu có mua gạo của Myanmar cũng chỉ một lượng nhỏ rồi hết.
Nông dân điêu đứng vì bỏ giá sàn
VFA thừa nhận rằng có hiện tượng cạnh tranh phá giá giữa các DN xuất khẩu gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, một số DN xuất khẩu gạo thiếu bản lĩnh nên bị khách hàng ép giá, đã tác động thêm vào sự sụt giảm giá của gạo Việt Nam.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc các DN trong VFA bán phá giá gạo diễn ra sau khi VFA bỏ giá sàn loại gạo 5% tấm. Hiện chỉ còn duy trì giá sàn với gạo 35% tấm trong khi gạo 35% tấm không phải là mức làm chuẩn để xác định giá gạo xuất khẩu. Cho nên, theo một chuyên gia về xuất khẩu gạo, nếu chỉ duy trì giá sàn thì có nghĩa giá gạo 5% tấm có thể kéo về mức sàn của giá gạo 35% tấm là có thể được phép xuất khẩu.
Gạo 5%, 10%, 15%, 20%, 25% tấm kéo sát về giá sàn gạo 35% tấm đều được phép xuất khẩu. Điều này có nghĩa VFA chấp nhận cho các DN hạ giá. “Đó là bước đi không khôn ngoan” - chuyên gia này nói.
Cũng vì gạo xuất khẩu giá thấp nên VFA mua lúa của nông dân với giá quá thấp. Giá thành lúa vụ đông xuân 2012-2013 ở Long An là 3.547 đồng/kg, ở Đồng Tháp là 3,893 đồng/kg. Với giá lúa 4.500 đồng/kg, nông dân chỉ lời từ 607-953 đồng/kg. Tóm lại, việc bỏ giá sàn đã khiến người trồng lúa điêu đứng.
Ngoài ra, vì không có đủ kho để chứa lúa gạo nên không thể điều tiết số lượng gạo xuất khẩu phù hợp từng thời gian nhằm giữ giá và không thể đưa ra được một cơ chế xuất khẩu gạo hợp lý.
Về chiến lược giá gạo xuất khẩu, hiện chúng ta không những không theo Thái Lan mà bán gạo xuất khẩu thấp hơn Ấn Độ khoảng 50 USD/tấn, trong khi chất lượng gạo của ta cao hơn chất lượng gạo của Ấn Độ. |
Hoàng kim
người lao động
|