Thứ Sáu, 10/05/2013 17:11

Bí ẩn bài toán: Ai hưởng lợi khi giá gạo thế giới tăng?

Thời gian qua, giá gạo trên thị trường thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn tới người sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Khi giá gạo giảm, người nông dân là đối tượng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ngay cả khi giá tăng vọt thì người nông dân cũng không được lợi...

Đó là nhận định của tiến sỹ Đặng Kim Sơn-Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn tại buổi thảo luận chính sách với đề tài “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?” Cuộc thảo luận được tổ chức dưới sự phối hợp thực hiện với tổ chức Oxfam vào sáng ngày 10/5 tại Hà Nội.

Báo cáo tại cuộc thảo luận tiến sỹ Trần Công Thắng-Trưởng bộ môn nghiên cứu chiến lược chính sách Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho biết, thời gian qua nhà nước tập trung khá nhiều ưu tiên cho sản xuất lúa và hỗ trợ nông dân trồng lúa.

Trong đó, một số chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại, bỏ thuế nông nghiệp, chính sách dồn điền đổi thửa,… đã góp phần rất lớn cho tăng trưởng của ngành và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

"Tuy nhiên, chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường. Các chính sách này chưa tập trung tăng hiệu quả xuất khẩu của ngành mà mới chú trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường. Mặt khác, nông dân chưa phải là đối tượng chính của một số chính sách," ông Thắng nhận định.

Bàn về chủ đề ai là đối tượng được hưởng lợi khi giá gạo tăng, ông Nguyễn Đình Bích-Phó trưởng ban Ban nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại đánh giá, sự lệch pha giữa sản xuất lúa và xuất khẩu gạo khiến cho người nông dân chưa được hưởng đúng mức lợi nhuận.

Đề cập đến chính sách xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Bích nhấn mạnh, giá lúa định hướng không đảm bảo lợi ích của nông dân.

Theo ông Bùi Xuân Trình-đại diện Văn phòng Chính phủ, giá lúa định hướng do Bộ Tài Chính ấn định dựa trên chi phí sản xuất do Bộ Tài Chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, điều tra và công bố ngay từ đầu vụ đối với từng vụ sản xuất trong năm. Khi giá lúa thấp hơn định hướng, Bộ Nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cùng phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất Thủ tướng đưa ra các giải pháp cụ thể nâng giá thị trường không thấp hơn giá lúa định hướng đồng thời đảm bảo xuất khẩu gạo đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, giá định hướng quy định cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp thường không thu mua trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái. Đó là lý do lý giải các doanh nghiệp xuất khẩu không quan tâm đến giá của nông dân. Qua điều tra thực địa cho thấy, chỉ 30% lúa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang thu mua trực tiếp từ người trồng lúa trong năm 2012.

Mặt khác, người nông dân cũng không được lợi từ chính sách thu mua tạm trữ. Tiến sỹ Trần Công Thắng nhận định, chính sách thu mua tạm trữ khá là hợp lý vì thời điểm ban hành là vào lúc mức giá rất thấp. Sau khi ban hành chính sách và sau thời hạn tạm trữ, giá lúa có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, việc thu mua tạm trữ lại thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu được vay không lãi suất từ 3-4 tháng. Do đó, chính sách này người trồng lúa cũng không được hưởng lợi.

Đặc biệt, đối với việc ban hành chính sách xuất khẩu gạo thì không hề có sự tham gia đóng góp ý kiến của người trồng lúa. Mặc dù hội nông dân là tổ chức đại diện cho người nông dân ở Việt Nam nhưng trong Nghị định 109 về điều hành xuất khẩu gạo cũng không hề đề cập đến vai trò của hội nông dân.

Thông qua buổi thảo luận, ông Nguyễn Đình Bích cho rằng đối tượng được hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu tăng dường như còn tồn tại quá nhiều vấn đề, đặc biệt cần xem xét lại yếu tố thực tiễn của Nghị định 109 với những quy định về xuất khẩu gạo.

Đồng thời ông nhấn mạnh khuyến khích tập trung những chính sách hỗ trợ cho mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho hộ trồng lúa.

 Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2011) và Oxfam (2012) đều cho thấy thu nhập của người trồng lúa rất thấp. Số liệu ước tính thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước cũng mới chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng.

Minh Tâm

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Thái giảm giá gạo xuất khẩu giải phóng kho dự trữ (10/05/2013)

>   Vì sao giá gạo xuất khẩu thấp? (09/05/2013)

>   Việt Nam gặp khó với mục tiêu xuất 8 triệu tấn gạo (09/05/2013)

>   Tín dụng cho cây cà phê (08/05/2013)

>   Cacao có xu hướng giảm giá do nguồn cung dồi dào (08/05/2013)

>   Giá trị hạt gạo: Bao giờ được nâng cao? (08/05/2013)

>   Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay (08/05/2013)

>   Thị trường xuất khẩu gạo: Cung vượt cầu (07/05/2013)

>   “Trụ đỡ” nền kinh tế đang lung lay? (06/05/2013)

>   Gạo Việt đang bị ép giá (06/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật