Có VAMC, tín dụng chưa chắc chảy
Nghị định về thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã ra đời, được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng nợ xấu, nhưng để tín dụng thực sự chảy thì không đơn giản.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề này.
- Trong bối cảnh nợ xấu đang là tảng đá ngáng đường dòng chảy tín dụng, ông có đánh giá cao về sự ra đời của VAMC, một công ty ra đời chủ yếu để hỗ trợ giải quyết nợ xấu?
- Ông Ngô Trí Long: Mục tiêu của VAMC được chính phủ cho là góp phần xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, tối đa hóa giá trị thu hồi nợ.
Tôi cho rằng đề án đưa ra thì tốt, vì dù sao cũng có thêm cách để xử lý vấn đề nợ xấu, nhưng ở một mức độ nhất định thôi. Vì nợ xấu chỉ được đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán, chứ không được giải quyết dứt điểm.
Thường ở các nước, có chuyên gia định giá khoản nợ, và mua đứt bán đoạn; còn ở Việt Nam, theo đề án này thì VAMC mua nợ bằng giá trị sổ sách thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, vì vậy cũng cần xem xét kỹ, vì nó có những đặc thù mà các nước không có.
Trong quá trình thực hiện vẫn phải chờ xem có thể diễn ra điều gì bất cập hay không, nếu có thì phải thay đổi cho phù hợp. Khi triển khai thì phải minh bạch, tránh lợi ích nhóm, không thì hậu quả còn nặng nề hơn là khi chưa xử lý.
Trong đề án, VAMC mua lại nợ xấu và có quyền bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, nhưng liệu với tiền sử đã có nợ xấu, ngân hàng có sẽ cho doanh nghiệp vay?
- Theo đề án thì khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho công ty quản lý tài sản và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi sẽ được tổ chức tín dụng xem xét cho vay. Nếu thực hiện đúng như thế, tức doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cận được vốn.
Nhưng trên thực tế, ngân hàng có cho vay hay không vẫn chưa thể chắc chắn được.
Nếu doanh nghiệp đã yếu rồi ngân hàng sẽ yêu cầu có phương án kinh doanh thật tốt, và phải có thêm tài sản thế chấp mới vay được vốn. Và ngân hàng đã biết rõ là doanh nghiệp vẫn yếu thì chưa chắc đã dám cho vay, để lại phát sinh nợ xấu. Vậy nên vốn có ra được nền kinh tế hay không, không phụ thuộc nhiều vào đề án này.
Số tiền đưa ra trong đợt này thông qua tái cấp vốn tối đa khoảng 40.000 tỉ đồng, theo như đề án thành lập VAMC. Đồng thời chính phủ cũng vừa công bố gói cho vay 30.000 tỉ đồng đối với người mua nhà và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, cung tiền tăng có gây áp lực lên lạm phát?
- Thực tế, 30.000 tỉ đồng chưa chắc đã sử dụng hết, và kể cả 40.000 tỉ đồng tiền tái cấp vốn (tối đa), của ngân hàng cũng khó mà ra được nền kinh tế bởi điều kiện cho vay của ngân hàng quá chặt chẽ. Nếu vậy, lạm phát là không đáng lo ngại. Ngân hàng sẽ không cho vay đối với những đối tượng không có khả năng trả nợ.
Tuy vậy, nợ xấu trên sổ sách thì đẹp, nhưng nợ vẫn còn đó, chưa xử lý triệt để được, mới chỉ như khoanh, dãn nợ, trong khi lại tiếp tục tung ra một lượng tiền lớn. Nếu sử dụng không hiệu quả khoản tiền trên, cộng với nợ xấu còn đó thì lại gây ra bất ổn cho kinh tế sau này.
Nếu thị trường bất động sản ấm lại sau 5 năm nữa, thì đề án này xem như đã đi đúng hướng vì tài sản đảm bảo được xử lý để thu hồi, nhưng nếu thị trường tiếp tục trầm lắng như hiện tại thì sẽ như thế nào, thưa ông?
- Thị trường bất động sản có ấm lại được không, tùy thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế. Các nước mất 5 năm, 10 năm để phục hồi nền kinh tế. Ở nước ta, nếu nền kinh tế vẫn bất ổn như hiện nay thì có mất 20 năm thị trường bất động sản cũng chưa chắc đã phục hồi được.
Thực tế, vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất trong thời gian này là tái cơ cấu nền kinh tế thì chưa làm được. Cho đến nay đây vẫn chỉ là những khẩu hiệu chung chung, chưa có một đề án tổng thể cụ thể, thiết thực để thực hiện. Việc đưa ra đề án tái cơ cấu, lẽ ra phải từ đề án chung, rồi mới đến các đề án riêng, thì hiện đang làm ngược lại.
Nếu trong 5 năm nữa, nếu không giải quyết được các vấn đề trên thì không chỉ bất động sản chết mà nền kinh tế cũng bị khủng hoảng. Hiện giờ đã là tiền khủng hoảng rồi, sức mua cạn kiệt, thu nhập người dân thấp, doanh nghiệp phá sản nhiều, nợ xấu, các thị trường tài sản èo uột. Nếu mong chờ VAMC giải quyết một phần nào đó các bất ổn thì cũng không nên trông chờ nhiều, vì vấn đề chung chưa có gì cải thiện.
Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyên
tbktsg
|