NHNN: Đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc ngân hàng
Một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là việc xây dựng Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để xử lý nợ xấu của các TCTD.
Tái cơ cấu ngân hàng là nội dung quan trọng cùng với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để thực hiện thành công tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, trong thời gian qua, NHNN đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các giải pháp đẩy nhanh tái cấu trúc hệ thống các TCTD
Trước tiên, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành tập trung vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường, trong đó có thị trường bất động sản;
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng được NHNN chú ý để nâng cao mức độ an toàn hệ thống ngân hàng đồng thời tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập VAMC để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng vô cùng quan trọng. Ngày 18/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Ngoài ra, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, giữ ổn định tỷ giá VND/USD, giảm lãi suất và bình ổn thị trường vàng. Hệ thống thanh toán và hệ thống công nghệ của ngân hàng tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển đồng bộ. Công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động ngân hàng được tăng cường, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật ngân hàng…
Nâng mức sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
Hiện nay, Nghị định 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam quy định tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam (30%) phù hợp với cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Căn cứ tỷ lệ mức sở hữu cổ phần của một cổ đông (15%) được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần yếu kém tại Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015", NHNN đã xây dựng trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP.
Theo đó, mức sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 20% không phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung quy định Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.
sbv
|