Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS: Nên cung cấp gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng mỗi năm
“Gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng rất tích cực nhưng hiện tại là quá ít để các doanh nghiệp trong ngành nhận được hỗ trợ. Thêm vào đó, doanh nghiệp chỉ được vay 30% trong gói hỗ trợ đó, vì thế nên cung cấp gói hỗ trợ 30,000 tỷ cho mỗi năm”.
Đó là đề xuất của TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) tại buổi hội thảo “Ý nghĩa và tính thực tiễn trong Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho BĐS” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 24/05.
TS Tuấn cho biết, so với năm 1999 thì hiện nay diện tích nhà ở của cả nước đã tăng hơn gấp hai lần (từ hơn 709 triệu m2 lên khoảng 1.6 tỷ m2), diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng gấp đôi từ 9.68m2 lên 19m2. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90,100 ha. Trong đó có khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với diện tích khoảng 2 triệu m2 sàn, 56 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với diện tích sàn là 1.8 triệu m2 (số liệu theo Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản ngày 06/05/2013 do Bộ Xây dựng tổ chức).
Riêng TPHCM có khoảng 1,380 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng, hiện nay một số chủ đầu tư dự án thương mại đang thực hiện thủ tục pháp lý xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo TS Tuấn thì thị trường bất động nói chung và đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, nhất là bộ phận người có thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là những đối tượng của chính sách nhà ở xã hội.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM hiện nay, trên địa bàn thành phố riêng công chức, viên chức, chiến sỹ… có khoảng 150,000 đối tượng đủ điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, chưa tính đến những đối tượng có thu nhập thấp. Đến nay, UBND TPHCM đã chấp thuận cho khoảng 25 dự án với khoảng 21,000 căn hộ phục vụ cho đối tượng nhà ở xã hội, trong đó có một số dự án đã đưa vào sử dụng, dự án đang thi công và một số dự án đang thực hiện hồ sơ pháp lý. Dự kiến đầu tháng 6 này, thành phố sẽ có khoảng 2,400 căn hộ nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa ra thị trường.
Để đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà ở xã hội”, TS Tuấn kiến nghị việc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án để chủ đầu tư sớm triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, với chủ trương 5 ngân hàng giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn 30,000 tỷ đồng, TS Tuấn đề nghị duy trì hàng năm việc giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn 30,000 tỷ đồng.
Thứ ba, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt là UBND TP.HCM và Hà Nội xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Thứ tư, nhà ở xã hội theo hình thức thuê mua, hộ gia đình chỉ được phép chuyển nhượng nhà đang thuê mua sau 5 năm kể từ khi ký hợp đồng và nhà đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ thời hạn chuyển nhượng là 10 năm) và được quyền thế chấp chính căn hộ này để thanh toán tiền mua cho chủ đầu tư.
Cuối cùng, theo chính sách hiện nay, khách hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 đều được cho vay ưu đãi. Tuy nhiên chỉ có chủ đầu tư nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại được chuyển công năng thành nhà ở xã hội mới được vay vốn ưu đãi. Do đó, đề nghị bổ sung đối tượng là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có diện tích nhỏ hơn 70m2 với giá thành dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi với mức lãi suất không quá 8%/năm và chỉ định tất cả các Ngân hàng trên toàn quốc tham gia chương trình này.
Sanh Tín ghi (Vietstock)
Infonet
|