Thứ Hai, 27/05/2013 15:11

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng: Không có chuyện DN tốt không vay được vốn

"Tôi xin khẳng định rằng, nếu doanh nghiệp nào nói họ tốt mà không vay được vốn là họ chưa nói đúng. Những DN chưa vay được vốn ngân hàng thời gian qua đa phần có “lý lịch” không tốt.".

Đó là khẳng định của ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) (HOSE: EIB) khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

Mặc dù mặt bằng lãi suất đã hạ khá nhiều so với cách đây 1 năm, song các doanh nghiệp (DN) vẫn muốn vay được vốn với lãi suất thấp hơn nữa. Vậy theo ông, lãi suất cho vay có thể hạ thêm được không? 

Hiện bản thân các ngân hàng cũng phải tìm đủ mọi biện pháp để có được mức lãi suất tốt cho DN vay. Vấn đề hiện nay là giá vốn đầu vào cao, nên việc hạ lãi suất cho vay cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù hiện trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn chỉ là 7,5%/năm, nhưng với các kỳ hạn trên 12 tháng, ngân hàng vẫn phải huy động với lãi suất 9-10%/năm.

Hơn nữa, các ngân hàng còn tồn một lượng không nhỏ vốn giá cao huy động từ thời gian trước. Cộng thêm dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro thanh khoản… tính ra lãi suất bình quân đầu vào lên tới 9-10%/năm. Trong khi đó các DN đều muốn lãi suất cho vay chỉ ở mức 5-7%/năm thì ngân hàng làm sao cho vay được.

Không chỉ kêu về lãi suất, nhiều DN còn cho rằng, khó tiếp cận được nguồn vốn vay cho dù họ đang hoạt động khá tốt?

Tôi xin khẳng định rằng, nếu DN nào nói họ tốt mà không vay được vốn là họ chưa nói đúng. Những DN chưa vay được vốn ngân hàng thời gian qua đa phần có “lý lịch” không tốt. Chẳng hạn, công ty A vay của Eximbank 200 triệu đồng, lãi suất 15%/năm trong vòng 12 tháng. Năm sau, DN đó sẽ trả cả vốn lẫn lãi tổng cộng 230 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến ngày đáo hạn, công ty A bảo chưa trả được tiền và cần vay thêm một ít vốn nữa, thì ngân hàng nào dám cho vay. Chưa kể, khi không vay được tại Eximbank, công ty A chạy qua ngân hàng khác để vay chẳng hạn. Tất nhiên ngân hàng này sẽ thẩm định công ty A qua Eximbank hoặc qua Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của NHNN để nắm bắt tình hình lịch sử tín dụng của công ty này. Khi thấy công ty A có nợ đọng tại ngân hàng thì chuyện chưa thể cho vay tiếp đối với DN này cũng là điều hết sức bình thường. Thêm nữa, công ty A đã thế chấp tài sản ở Eximbank thì lấy đâu tài sản thế chấp ở ngân hàng khác nữa để vay vốn mới.

Tôi xin khẳng định, bản thân các ngân hàng cũng rất muốn cho vay ra, nhất là với những DN tốt. Bởi nếu không cho vay ra được, cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải chịu thua lỗ. Tôi có thể làm một phép tính: Giả sử một năm Eximbank huy động được 80.000 tỷ đồng. Với mức lãi suất huy động bình quân vào khoảng 9-10% như đã nói ở trên, mỗi năm Eximbank phải trả cho người gửi tiền 8.000 tỷ đồng. Nếu Eximbank không cho vay ra được, có nghĩa không có nguồn thu nên sẽ phải lấy từ vốn tự có ra để trả cho người gửi tiền. Từ đó, không có chuyện DN có hợp đồng tốt không vay được vốn mà ngược lại ngân hàng còn phải giành nhau DN tốt để cho vay.

Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, số DN tốt không nhiều. Đó chính là lý do nhiều ngân hàng đã phải đẩy vốn vào trái phiếu Chính phủ.

Nói vậy thì vấn đề nằm ở phía DN chứ không phải lãi suất?

Theo tôi DN nói riêng, xã hội nói chung cần phải có cái nhìn công bằng hơn với hoạt động ngân hàng. Nếu bạn gửi tiền chịu mức lãi suất 6%/năm, thì Eximbank sẵn sàng cho DN của bạn vay 6,5%/năm. Như đã nói, hiện Eximbank đang huy động cao thì không thể cho vay thấp.

Thế nhưng, hiện nay cả người gửi tiền lẫn người vay bên nào cũng muốn ngân hàng đáp ứng quyền lợi của mình, đến khi không đạt được kỳ vọng thì quay qua trách mắng ngân hàng. Nói đâu xa, ví dụ trong một gia đình, bà vợ có tiền đem gửi ngân hàng thì lúc nào cũng muốn lãi suất cao 8-9%/năm, anh chồng làm DN tới Eximbank vay tiền thì lại muốn lãi suất thấp 7-8%/năm, sau đó bắt hệ thống ngân hàng phải trả giá.

Nói như ông thì các NHTM đang chịu rất nhiều áp lực từ xã hội?

Đúng vậy. Tôi rất hoan nghênh thông tin NHNN phát đi mới đây. Đó là năm 2012, hệ thống ngân hàng đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408 nghìn tỷ đồng, trong khi thu lãi cho vay từ nền kinh tế chỉ khoảng 420 nghìn tỷ đồng. Có nghĩa chênh lệch thu chi từ hoạt động huy động – cho vay trong năm 2012 chưa tới 20 nghìn tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Xin cảm ơn ông!

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Bị chiếm đoạt 147 lượng vàng: Người bị hại đòi bồi thường ở đâu? (27/05/2013)

>   Ngân hàng đưa khách vào tròng! (27/05/2013)

>   Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay nhà ở: Mục đích đã rõ ràng (27/05/2013)

>   Khoảng cách giá vàng sẽ được thu hẹp (27/05/2013)

>   VAMC dọn nợ, ngân hàng có thể kiệt sức (27/05/2013)

>   Thông tư 02: Thống đốc chưa thể nói điều “khó nói”? (27/05/2013)

>   VPBank: Lượng khách hàng mới tăng 50% trong năm 2012 (27/05/2013)

>   Có VAMC, tín dụng chưa chắc chảy (27/05/2013)

>   Nghị quyết 02 dưới góc nhìn chính sách tiền tệ (27/05/2013)

>   Thêm sức ép chính sách tiền tệ (27/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật