Thứ Ba, 07/05/2013 08:11

Bancassurance: Xuất hiện dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh

Hiện chưa có số liệu chính xác về tốc độ phát triển của sản phẩm bảo hiểm liên kết bancassurance tại thị trường Việt Nam, nhưng nhìn vào sự gia tăng các liên kết trong những năm gần đây thì có thể thấy một xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Đa phần các ngân hàng tham gia cuộc chơi đều nhìn nhận đây là một kênh tiềm năng, phục vụ chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối và các dịch vụ tài chính, gia tăng giá trị và giữ chân khách hàng.

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1993, nhưng đến năm 2006, bancassurance mới thực sự nở rộ, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính - ngân hàng, sự thông thoáng của hành lang pháp lý, sự mở cửa và hội nhập trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người dân về các sản phẩm, dịch vụ tài chính “trọn gói”. Mô hình và cấp độ phát triển bancassurane tại Việt Nam cũng tương đối phong phú và đa dạng. Trong đó, cấp độ hợp tác phân phối giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm là phổ biến nhất. Bancassurance tại Việt Nam đã đạt tới cấp độ phát triển cao nhất, với việc hình thành các tập đoàn tài chính, khép kín chu trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Bancassurance đang trở thành một trào lưu và xu hướng tất yếu để các ngân hàng trong nước tìm tới một nguồn thu bổ sung bền vững và an toàn, thay vì dựa vào hoạt động tín dụng vốn nhiều rủi ro. Về phương diện khách hàng, sự đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm cung cấp qua hệ thống ngân hàng cùng với việc bán chéo, bán tích hợp,… đã tạo thuận lợi rất lớn để khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính cao cấp, trọn gói, thỏa mãn đa dạng nhu cầu tài chính của họ. Tiềm năng của bancassurance còn rất nhiều và các chuyên gia dự báo, “cuộc chiến” tới đây của các ngân hàng sẽ là bancassurance. Chính bancassurance sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh hiệu quả cho các ngân hàng biết nắm lấy thời cơ.

Thời gian qua, không chỉ có công ty bảo hiểm nhân thọ liên tục bắt tay với các nhà băng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình mà khối phi nhân thọ cũng vào cuộc quyết liệt không kém. Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ khẳng định, bancassurance là kênh bán hàng đang được nhiều DN trong khối đẩy mạnh. Các sản phẩm bán qua kênh này chủ yếu là bảo hiểm xe cơ giới, chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến dịch vụ tài chính, bảo hiểm tài sản… Thậm chí, ở một số DN bảo hiểm phi nhân thọ, kênh phân phối này đã đem lại 80% doanh thu của sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, do phương thức khách hàng muốn vay tiền mua xe sẽ phải mua bảo hiểm luôn. Khai thác khá thuận tiện như vậy nên theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện tượng cạnh tranh trong việc trả phí cao cho ngân hàng bán bảo hiểm qua kênh bancassurance đã xuất hiện tại một số DN.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một DN khối này thừa nhận, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số DN bảo hiểm nâng phí cho ngân hàng phân phối sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể, ngoài chi hoa hồng như chi cho đại lý, các công ty bảo hiểm còn tiến hành hàng loạt chương trình động lực như trao thưởng, tặng quà cho nhân viên ngân hàng.

“Việc này cũng giống những chương trình thi đua cho đại lý, nhưng có thể một số công ty bảo hiểm đã quá lạm dụng”, vị đại diện trên cho biết.

Được biết, đối với kênh bancassurance, dù các DN bảo hiểm có trả phí cao hơn so với quy định, thì so với việc chi trả cho các đại lý, chi phí này vẫn thấp hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo, việc trả phí cao để tăng doanh thu chiếm lĩnh thị phần qua kênh bán hàng đang được chú ý này có thể nhanh chóng tạo ra làn sóng cạnh tranh không lành mạnh. Điều đáng e ngại hơn cả là hiện tượng cạnh tranh trong việc trả phí cao cho ngân hàng xảy ra phổ biến với sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, nghiệp vụ đang có sự cạnh tranh khốc liệt bằng hạ phí không tương xứng với rủi ro hoặc tăng hoa hồng đại lý bằng chính sách trợ giúp kinh phí… Chính điều này đã khiến nhiều nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tuy đem lại doanh thu cao, tăng trưởng tốt, nhưng vẫn lỗ đều trong những năm qua.

Gia Linh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Xử lý nợ đọng BHXH: Nhẹ tay khiến doanh nghiệp “nhờn thuốc”? (07/05/2013)

>   Tập đoàn tài chính: Tham vọng và ám ảnh! (03/05/2013)

>   Năm 2013: Khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản sẽ tăng (03/05/2013)

>   Cái vận của chữ… liên doanh (02/05/2013)

>   Gần 6.000 tỷ đồng bảo hiểm cho vệ tinh VINASAT (24/04/2013)

>   Bảo hiểm thân tàu: Chưa thấy bình minh (23/04/2013)

>   Lãi trong lỗ (22/04/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Giã từ mục tiêu tăng trưởng tham vọng (13/04/2013)

>   Bảo hiểm nhân thọ quý I: Tạm hài lòng! (11/04/2013)

>   Bảo hiểm Toàn cầu có nguy cơ mất tiền tỷ (11/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật