Thứ Hai, 22/04/2013 17:57

Lãi trong lỗ

Dù có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng đa số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều lỗ nghiệp vụ kinh doanh chính.

Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012 tiếp tục có một năm khởi sắc, tăng trưởng toàn thị trường tuy đạt thấp so với mục tiêu, nhưng vẫn duy trì ở mức 2 con số với tỷ lệ tăng trưởng 10,6%. Nhưng nếu so với lãi suất tiết kiệm bình quân năm 2012, tỷ lệ này chỉ tương đương. Câu chuyện lỗ nghiệp vụ vẫn đang kéo lùi hiệu quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp.

Theo thống kê của Cục giám sát và quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đạt mức khoảng 1.600 tỷ đồng, với 22 doanh nghiệp có lãi, chỉ 7 doanh nghiệp lỗ. Nhưng đó là kết quả cuối cùng bao gồm cả lãi từ hoạt động đầu tư. Và nếu đi sâu về hiệu quả hoạt từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm thuần túy, có tới 17 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ báo lỗ, tăng thêm 1 doanh nghiệp so với năm trước đó.

Dù đánh giá còn nhiều khó khăn, song giới chuyên môn vẫn đánh giá cao tiềm năng của bất động sản du lịch Việt Nam

Lỗ nghiệp vụ là… bình thường!

Ba năm liên tiếp 2010, 2011, 2012, Bảo hiểm Ngân hàng Công Thương (Bảo Ngân) lỗ nghiệp vụ 5-10 tỷ đồng. Nhà bảo hiểm này đã có 10 năm hoạt động với tiền thân là Công ty liên doanh bảo hiểm Châu Á – Ngân hàng Công Thương.

QBE Việt Nam lỗ nghiệp vụ hơn 3 tỷ đồng trong cùng thời gian, dù doanh thu không quá lớn, bất chấp việc nhà bảo hiểm Úc đã có tới 13 năm kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam.

Bảo hiểm BIDV (BIC), doanh nghiệp có những thông điệp khá thẳng thắn về mục tiêu phải giảm lỗ nghiệp vụ đã… thành công! Giảm số lỗ nghiệp vụ từ 52 tỷ đồng năm 201 xuống còn 8,4 tỷ đồng.

Bên cạnh các DN bảo hiểm thâm niên, một nhóm lớn các DN bảo hiểm trẻ vẫn đang trong giai đoạn tiến tới điểm hòa vốn. Đây là điều được coi là bình thường bởi các nhà bảo hiểm thường mất 6-10 năm từ khi thành lập để hòa vốn từ nghiệp vụ bảo hiểm và có lãi do chi phí khai thác chiếm tỷ trọng cao. Trong giai đoạn này, lợi nhuận mang lại hầu hết đến từ hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính nhờ tận dụng nguồn phí thu được.

Tất nhiên, đó cũng chỉ là lý thuyết. Còn thực tế tại Việt Nam, không phải không có lý do khi cơ quan quản lý trong vài năm trở lại đây liên tục cảnh báo về tình trạng lỗ nghiệp vụ. Năm 2012, có tới quá nửa là những nhà bảo hiểm phi nhân thọ lỗ nghiệp vụ có lịch sử hoạt động khá lâu, số lỗ không theo chiều hướng giảm. Chẳng hạn như AAA suốt 7 năm lỗ nghiệp vụ theo xu hướng tăng dần, năm 2010 lỗ nghiệp vụ 25 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 98 tỷ đồng và năm ngoái lỗ 110 tỷ đồng, trên số vốn chủ sở hữu tính đến cuối 2012 là 620 tỷ đồng.

Bằng số năm lỗ của AAA là AIG. Công ty này cũng lỗ nghiệp vụ tăng dần trong 3 năm trở lại đây, với số lỗ của 3 năm lần lượt là 34 tỷ đồng, 71 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. Nhà bảo hiểm Mỹ này là 1 trong 7 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh chung 2012 bị lỗ, không chỉ giới hạn riêng ở lỗ nghiệp vụ. Còn lại là các nhà bảo hiểm trẻ khác, chủ yếu là những DN bảo hiểm nước ngoài mới thành lập trong vài năm như Liberty, Cathay, Groupama, ACE phi nhân thọ.

Nỗi lo sau câu chuyện lỗ nghiệp vụ

Nhiều nhà bảo hiểm vẫn coi chuyện lỗ nghiệp vụ là rất bình thường, khi mà lãi tài chính lớn hơn rất nhiều đủ để công ty không những có lãi mà còn lãi khá. Bảo Ngân, với số vốn chủ sở hữu 560 tỷ đồng, vẫn có lãi tài chính nhiều chục tỷ đồng. Năm 2012, công ty con của Vietinbank này lãi tài chính gần 70 tỷ đồng, kết quả lợi nhuận trước thuế 63,7 tỷ đồng.

Các nhà bảo hiểm QBE, BIC và nhiều nhà bảo hiểm khác vẫn đang có lãi tài chính lớn gấp nhiều lần lỗ nghiệp vụ đủ để các công ty lãi đều đặn qua các năm.

Điều các nhà quản lý lo ngại là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đi liền với câu chuyện lỗ nghiệp vụ, vấn đề mà một lần nữa lại bị chỉ trích gay gắt trong Hội nghị thường niên của ngành do Hiệp hội Bảo hiểm tổ chức tháng trước.

Báo cáo của Hiệp hội cho biết, tình trạng hạ phí xuống dưới mức quy định, chi sai tỷ lệ hoa hồng kèm theo các chính sách khác cho đại lý bán bảo hiểm “vẫn tiếp diễn phổ biến”. Khi mà thị trường Việt Nam trong những năm gần đây đã không còn phát triển nhanh như trước, sự cạnh tranh không lành mạnh đang đặt ra vấn đề về tính bền vững của tăng trưởng.

Thực tế năm 2012, lợi nhuận từ nghiệp vụ bảo hiểm vẫn là chuyện “không vui” với cả một số nhà bảo hiểm đã có vị trí. Trong khi lỗ nghiệp vụ toàn ngành năm vừa qua giảm xuống, Bảo hiểm PVI lại ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 17% xuống còn 161,6 tỷ đồng. Tại kết quả kinh doanh hợp nhất 2012 của Tập đoàn (Công ty cổ phần PVI), chi phí bán hàng và cung cấp dịch vụ đang tăng nhanh hơn doanh thu – chi phí tăng 17%, nên dù doanh thu vẫn tăng khá 14% nhưng lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ tăng 4%. Phí nhượng tái bảo hiểm, chi bồi thường bảo hiểm gốc và tăng dự phòng bồi thường là những khoản có tốc độ tăng cao năm vừa rồi của tập đoàn.

Nhưng dù vậy, vẫn phải ghi nhận PVI là trường hợp có số lãi nghiệp vụ tương đối lớn so với các doanh nghiệp trong ngành, kể cả doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, vốn có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm thị trường và sản phẩm.

Một trường hợp khác là nhà bảo hiểm Nhật MSIG Việt Nam, chiếm thị phần 1,2% và đã có lịch sử 15 năm hoạt động ở Việt Nam, báo lỗ nghiệp vụ 21,3 tỷ đồng trong năm ngoái – giảm mạnh so với số lãi nghiệp vụ gần 11 tỷ đồng năm 2011. Lợi nhuận trước thuế của DN này đã giảm 77% xuống chỉ còn 13,1 tỷ đồng.

Trong khi đó cửa kiếm lợi nhuận từ hoạt động tài chính lại đang trở nên khó khăn hơn do sự đi xuống của mặt bằng lãi suất tiền gửi và sự bất ổn tiếp diễn trên thị trường chứng khoán. Lợi nhuận hoạt động tài chính của toàn ngành đã giảm 10,9% trong năm ngoái xuống 1.744 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm 12%.

Kỳ vọng lỗ để lãi

Theo một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm, mặc dù còn nhiều vấn đề, nhưng tình hình chung vẫn đang khả quan hơn khi số lỗ nghiệp vụ của toàn thị trường đang diễn biến theo chiều hướng giảm, các doanh nghiệp dù chưa thực hiện được mục tiêu lãi nghiệp vụ nhưng đã có nhận thức và có kế hoạch để thực hiện.

Theo thống kế, con số lỗ nghiệp vụ toàn thị trường (tính cả các DN có lãi nghiệp vụ) giảm 17% xuống 161,9 tỷ đồng trong năm vừa rồi, và có những DN đang kỳ vọng quá trình tiến tới hòa vốn của mình sẽ đem lại kết quả bền vững trong tương lai.

Lý giải với ĐTCK về kết quả lợi nhuận âm của mình, Liberty bày tỏ tin tưởng vào việc sẽ sớm có lãi, lấy dẫn chứng là trong khi tình hình thị trường ô tô ở Việt Nam liên tục suy giảm thì doanh số bảo hiểm ô tô của Liberty vẫn tiếp tục tăng trưởng.

“Có thể nói rằng, chủ trương của chúng tôi là ‘ngựa chạy đường dài’”, đại diện Liberty nói.

Thực tế phí bảo hiểm của Liberty thường cao hơn thị trường nhưng nhưng thị phần của nhà bảo hiểm Mỹ này tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng lên 1,94% trong năm vừa qua, đứng thứ 13 trên thị trường. Con số này năm 2008 mới chỉ là 0,41% và năm 2007 là 0,06%.

“Gần đây một số công ty đã công khai quyết định không chạy theo doanh thu, thắt chặt công tác bồi thường và quản lý chi phí hoạt động chặt chẽ hơn. Vì vậy, chúng ta có thể lạc quan là trong thời gian tới, thị trường sẽ phát triển tốt hơn và lành mạnh hơn”, đại diện Liberty đánh giá.

Hải Linh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Giã từ mục tiêu tăng trưởng tham vọng (13/04/2013)

>   Bảo hiểm nhân thọ quý I: Tạm hài lòng! (11/04/2013)

>   Bảo hiểm Toàn cầu có nguy cơ mất tiền tỷ (11/04/2013)

>   Công ty Bầu Thụy bảo hiểm vụ cháy Bắc Giang (09/04/2013)

>   Lộ diện phân loại doanh nghiệp bảo hiểm (09/04/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, những nghiệp vụ lỗ triền miên (08/04/2013)

>   Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tăng cao kỷ lục (07/04/2013)

>   17/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh lỗ (03/04/2013)

>   Ngành bảo hiểm đầu tư 88.002 tỷ đồng vào nền kinh tế (03/04/2013)

>   “100% doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm về bồi thường” (03/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật