Thứ Năm, 02/05/2013 10:01

Cái vận của chữ… liên doanh

Một điểm chung của khối bảo hiểm liên doanh là hoạt động khá ổn định, nhưng thị phần đều nhỏ, nếu không muốn nói là rất nhỏ.

PVI Sun Life hiện diện trên thị trường với buổi ra mắt hoành tráng cùng những kế hoạch và kỳ vọng cao. Nhưng với hai từ “liên doanh” gắn trong tên gọi, không ít người vẫn nhìn với ánh mắt nghi ngờ bởi hai cái tên “liên doanh” trước đó chưa tạo nên dấu ấn gì đáng kể.

Vận… liên doanh

Công ty liên doanh Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life được thành lập với sự góp vốn của PVI Holdings (51%) và Sun Life Financial - Canada (49%). Đây là thành viên bảo hiểm nhân thọ thứ 3 hoạt động dưới loại hình liên doanh. Trước đó là VCLI thành lập năm 2008 có vốn điều lệ 600 tỷ đồng đóng góp bởi 3 bên là Vietcombank (45%), BNP Paribas Assurance (43%) và SeAbank (12%). Và cách đây 2 năm là Liên doanh Vietinbank - Aviva có vốn điều lệ 800 tỷ đồng với tỷ lệ đóng góp 50:50 giữa hai bên là VietinBank và Tập đoàn Aviva.

Mở rộng ra cả thị trường bảo hiểm thì số lượng loại hình liên doanh cũng không ít với các tên tuổi trong lĩnh vực phi nhân thọ gồm Bảo Việt Tokio Marine (Bảo Việt góp 51% vốn, Tokio Marine là 49%), Samsung Vina thành lập năm 2002 với tỷ lệ góp vốn 50:50 giữa Vinare và Samsung Fire & Marine, Bảo hiểm Liên hiệp thành lập năm 1997 với sự tham gia của 3 đơn vị gồm Bảo Minh, Sompo Japan Insurance Inc. (Nhật Bản), LIG Insurance Ltd. (Hàn Quốc)...

Ra mắt tháng 3/2013, Liên doanh PVI Sun Life đặt mục tiêu cân bằng thu - chi chỉ sau 3 năm đầu hoạt động

Một điểm chung của khối bảo hiểm liên doanh là hoạt động khá ổn định, nhưng thị phần đều nhỏ, nếu không muốn nói là rất nhỏ. Có một cảm giác là hầu hết DN bảo hiểm liên doanh mới chủ yếu dựa trên những lợi thế sẵn có của các cổ đông góp vốn.

Theo báo cáo kinh doanh năm 2012, tổng doanh thu phí của VCLI chỉ hơn 50 tỷ đồng, chiếm 0,28% thị phần, còn của Vietinbank - Aviva thì còn thấp hơn nữa với tổng doanh thu phí chỉ hơn 11 tỷ đồng, chiếm 0,06% thị phần. Những con số cực kỳ khiêm tốn nếu so với mức vốn đăng ký nhiều trăm tỷ đồng của các liên doanh này.

Tất nhiên, chưa thể sớm kết luận về hiệu quả hoạt động của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ, bởi hầu hết mới thành lập. Nhưng nếu nhìn rộng ra cả thị trường bảo hiểm, đến lĩnh vực ngân hàng hay toàn bộ nền kinh tế, rất khó để có thể chỉ ra một liên doanh nào nằm trong top đầu lĩnh vực mình hoạt động?

Chuyện top cuối

Quay trở lại với câu chuyện của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ. Trong cuộc họp của ngành bảo hiểm mới đây, một lãnh đạo của cơ quan quản lý đã công khai phát biểu rằng: “Hai ông liên doanh là VCLI, Vietinbank - Aviva, từ lúc thành lập đến giờ cũng lặn mất tăm, không rõ hoạt động thế nào?”.

Có thể đó là suy nghĩ bộc phát của người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp thị trường, nhưng cũng phần nào cho thấy cảm giác bất an đối với các liên doanh trong bối cảnh thị trường tăng trưởng chậm hơn kế hoạch, sự cạnh tranh rất lớn với tổng cộng 15 DN bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động.

Sự mờ nhạt về hình ảnh và khiêm nhường về doanh thu phí của 2 liên doanh nhân thọ đi trước khiến nhiều người cho rằng, phải chăng lập liên doanh lúc này là một sự liều lĩnh, nhất là khi không có ngân hàng mẹ “đỡ đầu”? Phía PVI Sun Life, Ban lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất lúc này vẫn là nỗi lo mang tên thị trường.

Nhưng câu hỏi đặt ra là thị trường có thật sự chật chội khiến không chỉ các liên doanh bảo hiểm nhân thọ im ắng như vậy không?

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một DN bảo hiểm cho biết, các liên doanh bảo hiểm có những câu chuyện mang tính đặc thù, nhưng thực tế thị trường vẫn còn khá nhiều tên tuổi 100% vốn ngoại có độ phủ thị phần không sáng sủa hơn. Chẳng hạn như Cathay Life, năm 2012 chỉ chiếm 0,65% thị phần tổng doanh thu phí, Great Eastern Life là 0,56%, Fubon Life là 0,05%...

“Nhiều người đang nhắc đến tính chật chội của thị trường bảo hiểm, nhất là với nhân thọ. Sự ra đời của PVI Sun Life làm khắc sâu thêm nhận định đó. Nhưng chật chội ở đây chỉ là nói về lượng DN hiện có, còn xét về lượng người tham gia bảo hiểm thì mật độ vẫn còn thưa thớt lắm”, vị lãnh đạo này nhận xét. “Thị trường vẫn còn rất tiềm năng”

Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng giám đốc Bảo Việt Nhân thọ. Theo ông Tuấn thì kinh tế dẫu khó cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc bán sản phẩm nhân thọ khi đến nay, khối này mới chỉ khai thác được 6 triệu hợp đồng chính, trên tổng số khoảng 90 triệu dân Việt Nam. “Quan trọng là sẽ khai thác tiềm năng đó đến đâu?”, ông Tuấn nhận định.

Cơ chế tạo khác biệt?

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng: “Đúng là có sự khó hiểu về chiến lược của một số DN bảo hiểm nhân thọ hiện nay, trong đó có các liên doanh bảo hiểm. Có cảm giác các DN này chỉ sử dụng số vốn ban đầu hàng trăm tỷ đồng để gửi tiết kiệm, mua trái phiếu lấy lãi, chứ không thật sự tập trung cho nghiệp vụ chính”.

“Nhưng cũng có thể, các DN đang chờ thời điểm thị trường thuận lợi hơn mới bùng nổ?”, vị chuyên gia này nêu ra một giả thuyết.

Giải thích về lý do im hơi lặng tiếng, Tổng giám đốc VCLI, ông Trần Bá Phước phân trần, đó là do VCLI chủ yếu bán buôn, các hoạt động phần lớn thông qua ngân hàng. Công ty mới chỉ bắt đầu kinh doanh từ tháng 8/2010. Đến năm 2012 thu về hơn 50 tỷ đồng doanh thu phí cũng là tăng 100% so với năm 2011. Năm 2013, theo kế hoạch, Công ty sẽ tăng tốc lên gấp 2,5 lần, ước đạt gần 140 tỷ đồng doanh thu phí.

Mặc dù vậy, trước sự im ắng hơn hẳn của các liên doanh so với nhiều DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài mới thành lập, không ít ý kiến cho rằng lỗi nằm ở mô hình. Nhiều DN hoạt động theo nguyên tắc luân phiên theo kiểu nhiệm kỳ này làm tổng giám đốc thì nhiệm kỳ sau đổi ngôi làm chủ tịch hội đồng thành viên.

“Cơ chế này không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn phổ biến ở nhiều liên doanh khác tại Việt Nam. Chưa kể việc dùng vốn nhà nước để góp liên doanh dẫn đến chưa sát sao với phần vốn góp. Cộng với việc quản lý theo nhiệm kỳ, nên thường quản lý rủi ro trong ngắn hạn tốt hơn trong dài hạn, không hỗ trợ tốt nhất cho việc giải quyết các phần việc còn tồn đọng. Thậm chí, chỉ với 2 thành viên góp vốn, khi góc nhìn của 2 bên liên doanh (nước ngoài và Việt Nam) khác nhau cộng với việc áp đặt của cổ đông nhà nước, mà ở đây là các ngân hàng, sẽ khiến các liên doanh khó bề xoay xở”, một chuyên gia từng là lãnh đạo của Liên doanh Bảo Minh CMG (tiền thân của Bảo hiểm Daiichi) chia sẻ.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng không hoàn toàn như vậy bởi hoạt động theo mô hình nào, liên doanh hay TNHH/cổ phần thì cuối cùng vẫn là tạo ra lợi nhuận. Với 2 liên doanh bảo hiểm là VCLI, Vietinbank - Aviva, việc phân phối sản phẩm đều mang đậm dấu ấn ngân hàng, từ sản phẩm đến nhân viên bán hàng, nên tính đặc thù rất cao.

Về phía VCLI, ông Vũ Khắc Trường, Phó tổng giám đốc Công ty cho rằng, thật khó có thể nói rằng đối với liên doanh bảo hiểm, khó khăn hay thuận lợi nhiều hơn, nếu chỉ có khó khăn thì không ai lập liên doanh cả. Tuy nhiên, một vài khó khăn cũng được ông Trường chỉ ra, đó là bancassurance là một mô hình mới tại Việt Nam, phụ thuộc khá nhiều vào các đối tác; khủng hoảng tài chính mấy năm gần đây cũng gây ra trở ngại lớn cho sự phát triển.

Và chuyện của “lính mới”

Liên quan đến PVI Sun Life, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI Holdings khẳng định: “PVI không chỉ lập một đơn vị bảo hiểm mà là lập công ty tốt nhất thị trường và trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu ở Việt Nam”.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings cũng có tham vọng liên doanh này sẽ cân bằng thu - chi (hòa vốn) chỉ sau 3 năm đầu hoạt động (trong khi thông thường sẽ là lâu hơn thế). Năm 2013, PVI Sun Life ước đạt doanh thu phí 151 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các thành viên thị trường, không dễ gì rút ngắn thời gian để hòa vốn ngay trong 5 năm đầu, chứ chưa nói gì đến 3 năm, trừ khi lãi từ hoạt động khác chứ không phải từ bảo hiểm.

“Chưa có một DN nhân thọ nào có lãi sau 7 năm hoạt động. Với nhân thọ, 7 năm mà lỗ lũy kế bằng không cũng là tài lắm rồi, bởi đến Prudential cũng lỗ kỹ thuật trong 8 năm đầu. Còn Daiichi Việt Nam nhận chuyển giao từ Bảo Minh CMG từ năm 1999 mà đến cuối năm 2011 mới có lỗ lũy kế bằng không”, một chuyên gia bảo hiểm phân tích. Còn với VCLI, ông Phước cho biết, Công ty phấn đấu đến năm 2014 sẽ có lãi.

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, sự tương đồng trong phát triển thị trường cũng như kinh nghiệm của các đối tác cũng chưa chắc đã đảm bảo cho sự thành công của sản phẩm để có thể tạo lãi ngay. Đơn cử như trường hợp của Cathay Việt Nam, cùng với áp lực về việc phải ra sản phẩm ngay sau khi thành lập (luật quy định DN phải ra sản phẩm sau 1 năm nhận được giấy phép hoạt động) đã cho ra một sản phẩm đầu tay còn khá sơ sài, chỉ mang tính “chống móm”.

Còn với PVI Sun Life, sản phẩm mà DN này hướng đến là sản phẩm với dịch vụ chuyên nghiệp chất lượng cao. Theo nguồn tin riêng của ĐTCK, tháng 5 này, Công ty sẽ ra mắt sản phẩm đầu tay.

Ngôi vị dẫn đầu

Niềm tin vào tương lai phát triển của PVI Sun Life không phải không có cơ sở khi trong dàn lãnh đạo cấp cao của DN này có ít nhất 2 nhân vật từng kinh qua các vị trí chủ chốt tại 2 tên tuổi nhất nhì mảng nhân thọ là Prudential và Bảo Việt. Đồng thời, thế mạnh cạnh tranh lớn nhất của Công ty lúc này là tận dụng lợi thế từ thị trường rộng lớn là Tập đoàn Dầu khí với trên 60.000 CBCNV thuộc Tập đoàn và các công ty thành viên.

Tuy nhiên, ước mơ trở thành DN bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam cũng là tham vọng chung của nhiều DN. Như ông Nguyễn Đức Tuấn đã từng nói, “giành ngôi vị dẫn đầu, đó không chỉ là tham vọng của Bảo Việt Nhân Thọ”.

Với PVI Sun Life, liệu liên doanh này có bước qua “cái dớp” của hai tên tuổi đi trước? Để có câu trả lời có lẽ thời gian không chỉ tính bằng năm?

Kim Lan

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Gần 6.000 tỷ đồng bảo hiểm cho vệ tinh VINASAT (24/04/2013)

>   Bảo hiểm thân tàu: Chưa thấy bình minh (23/04/2013)

>   Lãi trong lỗ (22/04/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Giã từ mục tiêu tăng trưởng tham vọng (13/04/2013)

>   Bảo hiểm nhân thọ quý I: Tạm hài lòng! (11/04/2013)

>   Bảo hiểm Toàn cầu có nguy cơ mất tiền tỷ (11/04/2013)

>   Công ty Bầu Thụy bảo hiểm vụ cháy Bắc Giang (09/04/2013)

>   Lộ diện phân loại doanh nghiệp bảo hiểm (09/04/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, những nghiệp vụ lỗ triền miên (08/04/2013)

>   Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tăng cao kỷ lục (07/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật