Bảo hiểm thân tàu: Chưa thấy bình minh
Đã xuất hiện những DN chủ động hạn chế khai thác nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu như BIC.
Năm 2012, doanh thu bảo hiểm thân tàu của Bảo Minh chỉ đạt 82% kế hoạch
|
11 năm liên tiếp, nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy có số tiền bồi thường lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm. 4 năm liên tiếp, các tổn thất lớn xảy ra vào tháng 11 và 12, mùa mưa thuận gió hòa, do biến đổi khí hậu. Năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với nghiệp vụ từng một thời mang lại doanh thu lớn cho nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2012, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I) đạt doanh thu 1.795 tỷ đồng, giảm 3,67% so với cùng kỳ năm 2011. Số tiền đã bồi thường 830 tỷ đồng, chiếm 46% doanh thu phí bảo hiểm (chưa kể dự phòng bồi thường). Nợ xấu về phí bảo hiểm, đặc biệt là nợ phí của các DN tàu biển bắt đầu đến hạn trích lập dự phòng nợ khó đòi làm tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của các DN bảo hiểm.
Tại Bảo hiểm Bảo Minh, năm 2012, nghiệp vụ hàng hải (bao gồm tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm về tàu) là 1 trong 3 nhóm nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu chỉ đạt hơn 73% kế hoạch. Doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu chỉ đạt 82% so với cùng kỳ do các chủ tàu có khó khăn về tài chính. Falcon đang trong tình trạng phá sản, Vosco và Vinaship bán nhiều tàu cũ và không mua thêm tàu mới…
Xác định rõ nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy có tỷ lệ bồi thường cao, các DN trong ngành hàng hải lại đang gặp khó khăn, ngay từ đầu năm 2012, đã có những DN bảo hiểm chủ động hạn chế khai thác mảng nghiệp vụ này, như CTCP Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC). Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty này không hoàn thành kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm do ĐHCĐ giao cho năm 2012.
Thực tế, không phải DN bảo hiểm nào cũng tỉnh táo nhận ra những rủi ro của nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy, để chủ động rút lui và hoặc hạn chế khai thác. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những năm qua, vẫn có các DN bảo hiểm sẵn sàng đón nhận những chủ tàu còn nợ phí của DN bảo hiểm khác, có lịch sử tổn thất nhiều, thậm chí còn hạ phí hoặc tiếp tục cho nợ phí để giành giật khách hàng. Thậm chí, những khuyến cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về việc mượn bằng cấp chuyên môn của thuyền bộ, không đủ trang thiết bị, biên chế thuyền bộ, mất an ninh an toàn hàng hải cũng chưa được các DN quan tâm.
Không chỉ đề nghị các DN bảo hiểm cần kiểm tra bằng lái, định biên, đội ngũ thuyền viên trên tàu, thời gian qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam còn khuyến cáo rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế rủi ro cho các DN trong ngành như: không cho nợ đọng phí, kể cả cấp P&I theo chuyến; cảnh báo hiện tượng bảo hiểm trùng xuất hiện và có thể gia tăng; đưa ra chế tài cho tổn thất do sơ suất lỗi lầm thuyền viên để ngăn chặn trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, Hiệp hội cũng khuyến cáo các DN khi khai thác bảo hiểm tàu không nên phân cấp khai thác bồi thường cho chi nhánh khi chi nhánh chưa đủ năng lực đánh giá rủi ro…
Trao đổi với ĐTCK về tương lai của nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy trong thời gian tới, đại diện một số DN bảo hiểm đang triển khai nghiệp vụ này cho rằng, vẫn chưa nhìn thấy tương lai sáng sủa. Bởi lẽ, tình hình kinh tế dự báo tiếp tục khó khăn, sức cầu tiêu dùng yếu, ngành kinh doanh vận tải biển sẽ tiếp tục suy giảm.
Với Bảo hiểm Bảo Minh, nghiệp vụ bảo hiểm tàu một thời được coi là nghiệp vụ hái ra tiền đang là nghiệp vụ khiến DN cảm thấy mệt mỏi. Đánh giá những khó khăn ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh năm 2013, Ban giám đốc Bảo Minh nhận định, tình trạng khó khăn của các DN vận tải biển như Vinashin, Vinalines, Falcon, Biển Đông… không có khả năng thanh toán phí nợ sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Tổng công ty, vì phải trích lập dự phòng nợ khó đòi.
Thực tế, khó khăn cũng khiến các DN bảo hiểm phải tính toán những bước đi thận trọng hơn, hầu hết các DN bảo hiểm đã xác định mục tiêu tăng trưởng cao vào giai đoạn này là không còn phù hợp. Chính vì vậy, việc giành khách hàng trong “danh sách đen” từ DN khác không thể tiếp tục tái diễn.
“Không chỉ nghiệp vụ bảo hiểm tàu, mà những nghiệp vụ bảo hiểm lỗ nhiều hơn lãi cũng sẽ bị siết chặt hơn. Thà doanh thu ít, nhưng lợi nhuận dương còn hơn”, đại diện một DN bảo hiểm cho biết.
Ngọc Lan
đầu tư chứng khoán
|