Tìm giải pháp căn cơ cho xuất khẩu bền vững
XK có tăng trưởng nhưng không bền vững là thực tế đang diễn ra đối với nền kinh tế Việt Nam. Muốn khắc phục nhược điểm này, cần có những giải pháp để phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa.
Công nghiệp hỗ trợ yếu khiến nhiều ngành hàng phụ thuộc vào nguyên liệu NK.
|
Xuất khẩu tăng
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, là nền kinh tế đang phát triển, việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam vào các thị trường XK lớn thông qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Còn những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần một chiến lược phát triển lâu dài. Thông qua các lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hoá Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường cũng như các quốc gia đối tác trong FTA. Hơn nữa, trước làn sóng FTA song phương và đa phương đang diễn ra sôi động, Việt Nam nếu không tích cực tham gia các FTA sẽ bị gạt ra khỏi sân chơi toàn cầu.
Lợi thế mất dần
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2012, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong nước cũng như diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu, nhưng hoạt động XNK vẫn trở thành “điểm sáng” của nền kinh tế với kim ngạch XK đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,12% so với năm 2011. Trong 3 tháng đầu năm 2013, XK tiếp tục có kết quả tích cực với kim ngạch đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch XK vào các thị trường đều có mức tăng trưởng khá như Mỹ tăng 16,9%, EU tăng 32,2%, ASEAN tăng 29,5%... Nhờ có các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong những năm gần đây, XK sang các thị trường có FTA liên quan tới Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, kim ngạch XK của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật bản là 39,5% và 25%, Trung Quốc là 52% và 17%, sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%... |
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, đằng sau những thành tích thì còn nhiều lo ngại cho XK của Việt Nam. Hiện nay, XK của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên nhiều lợi thế có sẵn như nhân công giá rẻ và XK nguyên liệu, tài nguyên. Những lợi thế này đang giảm dần và sẽ mất đi cùng với thời gian. “Khi những lợi thế này mất đi sẽ tác động lớn đến khả năng tăng trưởng XK”, ông Hải nói. Ví dụ, trong số các nhóm hàng XK chủ lực, nhóm hàng khoáng sản, nguyên liệu từ chỗ dẫn đầu kim ngạch XK đã sụt giảm mạnh về kim ngạch. Ngành XK dệt may, da giày cũng đang phải đối mặt với bài toán chi phí sản xuất, trong đó có chi phí nhân công tăng lên còn giá bán sản phẩm không tăng tương ứng.
Hơn nữa, không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Sự thiếu quan tâm này làm cho DN mất đi lợi thế về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. Một số DN còn lúng túng, chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của những đối tác trong các FTA với Việt Nam. Sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa thỏa mãn được các nhu cầu hiện nay. “Chúng ta chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà hiện đang phải NK nhiều từ các thị trường không được tính giá xuất xứ ưu đãi, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Hải cho biết.
Từ chỗ ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu đã khiến cho nhiều ngành hàng XK của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu NK. Điều này không chỉ gây áp lực cho quản lý nhập siêu mà còn ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao giá trị XK.
Nâng chất lượng
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), phát triển XK bền vững đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm XK cũng như chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và XK, chú trọng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại mà trọng tâm đàm phán FTA vào những thị trường, khu vực trọng điểm, nhiều tiềm năng cũng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hoá XK. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần cập nhật kịp thời những thay đổi về chính sách XNK nhất là việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài để kịp thời hỗ trợ DN trong nước.
Về phía DN, ông Đỗ Thắng Hải khuyến nghị, DN phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và XK, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò của mình để liên kết các DN tham gia hoạt động XK trong các ngành hàng và để bảo đảm hiệu quả lợi ích chung của các ngành hàng, DN và nhà nước.
Phan Thu
Hải Quan
|