Thứ Sáu, 05/04/2013 22:32

Tái diễn hoạt động tạm nhập - tái xuất: Tránh để Việt Nam thành “bãi thải thế giới”

Tất cả cái lợi chúng ta có được từ hàng tạm nhập – tái xuất là từ việc “làm thuê”: cho thuê kho bãi, cảng biển, phương tiện; bốc vác thuê; DN lập ra để cho “thuê” tên... Và cái giá phải trả cho những “đồng bạc lẻ” đó là sự xuống cấp của đường sá, nguy cơ bị mượn đường để buôn lậu hàng cấm... và nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi thải của thế giới”.

Sau dịp cuối năm 2012 các cơ quan chức năng đồng loạt lên tiếng về hậu quả khó lường của hình thức kinh doanh tạm nhập – tái xuất (TN – TX), dẫn đến Chính phủ và Bộ Công thương đã ra 2 văn bản tạm dừng hoạt động này. Im ắng không lâu, hiện TN – TX lại manh nha trở lại với việc doanh nghiệp (DN) lợi dụng các kẽ hở trong chính sách và việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Thêm vào đó, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh – địa phương được liệt vào danh sách “tự ý cho xuất sai cửa khẩu”, lại đề xuất mở thêm 5 cửa TN – TX khác để tạo điều kiện cho DN. Liệu rằng đây có phải dấu hiệu cơ quan chức năng lại bắt đầu “lỏng tay”, tham cái lợi nhỏ, bỏ cái lợi lớn để hoạt động này tận dụng sôi động trở lại?

Thực tế, chủ trương tạm dừng hoạt động TN – TX vẫn có những quan điểm khác nhau. Qua trao đổi với Hải quan một số địa phương, có những luồng dư luận cho rằng việc thẩm lậu hàng TN – TX là rất khó, đặc biệt là nội tạng và thực phẩm bẩn. Thêm vào đó, hoạt động này tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn người. Cảng biển và các DN vận tải có thêm thu nhập. Ngay cả các lao động phổ thông ở các cửa khẩu cũng có thêm việc làm. Có thể đơn cử cảng Hải Phòng, sau khi chủ trương tạm dừng TN – TX, đã trở nên đìu hiu hẳn. Sự “phanh gấp” của chính sách cũng đã khiến nhiều DN vận tải “chết dở” khi đã đầu tư đội xe, thiết bị, kho bãi để làm dịch vụ cho loại hàng này, nhưng giờ “nằm vêu” cùng một đống nợ.

Tuy nhiên, nhìn cho kỹ, tất cả cái lợi chúng ta có được từ hàng TN – TX là từ việc “làm thuê”: cho thuê kho bãi, cảng biển, phương tiện; bốc vác thuê; DN lập ra để cho “thuê” tên... Và cái giá phải trả cho những “đồng bạc lẻ” đó là sự xuống cấp nhanh kinh hoàng của đường sá (vốn được đầu tư bằng tải sản xã hội), nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguy cơ thẩm lậu hàng hóa độc hại, nguy cơ bị mượn đường để buôn lậu hàng cấm và nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi thải của thế giới”. Nếu so sánh đất nước là một bà mẹ, và các DN làm dịch vụ cho hoạt động TN – TX là những đứa con, thì những đứa con này đang “mài” mẹ ra để mà kiếm sống trước mắt.

Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo 127 Trung ương (BCĐ 127 TW): Hàng hóa kinh doanh TN – TX chủ yếu trên tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh – Lạng Sơn – Cao Bằng, trong đó các mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm hải sản đông lạnh, các sản phẩm gia súc, gia cầm, rượu ngoại, xăng, dầu DO, phế thải các loại... Trong năm 2012, các lực lượng chức năng đã thu giữ 455 tấn thực phẩm đông lạnh, gần 41 tấn nội tạng động vật, 419 tấn phế liệu nhập khẩu các loại vi phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) nhận định: Tình hình kinh doanh TN – TX trong thời gian qua nổi lên 1 số vấn đề bất cập. Dù Chính phủ đã ra Chỉ thị 23, Bộ Công thương cũng có Thông tư 05 tạm dừng hoạt động kinh doanh này, nhưng do cơ chế kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ, nhiều kẽ hở, nên xuất hiện tình trạng nhiều DN làm dịch vụ vận tải vận chuyển hàng cấm, hàng tạm dừng TN – TX như máy móc đã qua sử dụng, lốp ôtô, chân gà, cánh gà đông lạnh... vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, cũng như tái xuất đi Trung Quốc.

Qua điều tra, xác minh của lực lượng Cảnh sát kinh tế, các hàng hóa cấm TN – TX, hoặc tạm dừng TN – TX vẫn bị các DN đưa vào Việt Nam khá phổ biến ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, gây ô nhiễm môi trường và bị lợi dụng nhập lậu. Tình trạng địa phương tự ý cho xuất sai cửa khẩu, điểm thông quan diễn ra phổ biến ở Quảng Ninh, Cao Bằng... Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực đề xuất BCĐ 127 TW sớm đề xuất Chính phủ có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh.

Đồng quan điểm với lực lượng Công an, ông Nguyễn Văn Cẩn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết: Tính đến tháng 11-2012, lực lượng Hải quan đã tịch thu và xử lý trên 800 container hàng cấm, hàng không được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, kiểm soát hoạt động này đang gặp một số vướng mắc cần kiến nghị tháo gỡ ở cấp Chính phủ và các ngành.

“Khi bị phát hiện vi phạm, các DN từ chối nhận hàng, bởi họ cơ bản là làm dịch vụ cho nước ngoài. Hiện chúng tôi đang tồn đọng 500 container rác thải hoặc rác thải cấm mà theo công ước quốc tế không được bán, phải tiêu hủy. Nếu chúng ta không chặt, không có cơ chế, cơ quan quản lý Nhà nước vừa mất công kiểm soát, vừa mất tiền tiêu hủy”, ông Cẩn cho biết.

Nhìn thẳng vào sự thật, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng) nhận định: Phần lớn hàng TN - TX bản chất là buôn lậu vào Trung Quốc. Chủ hàng Việt Nam chỉ tham gia vào 1 khâu. Nhiều trường hợp đã tháo kẹp chì container, dỡ hàng xuống tàu rồi, nhưng bên kia không “mua” được Hải quan Trung Quốc, lại phải quay về. Lực lượng Cảnh sát biển đã từng bắt được một số vụ tái xuất thịt trâu bò với tình trạng tương tự, phổ biến là ở khu vực Quảng Ninh. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho rằng phải nghiên cứu biện pháp để chống thẩm lậu vào Việt Nam.

“Tình trạng địa phương tự ý cho xuất sai cửa khẩu, điểm thông quan diễn ra phổ biến ở Quảng Ninh, Cao Bằng...”, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an).

Vũ Hân

Công an nhân dân

Các tin tức khác

>   Quy hoạch các cửa hàng kinh doanh xăng dầu (05/04/2013)

>   Chuyên gia chê tiến độ tái cơ cấu kinh tế quá 'rùa' (05/04/2013)

>   Việt Nam xuất siêu gần 100 triệu USD sang Malaysia (05/04/2013)

>   Kinh doanh xăng dầu, lỗ hơn trăm tỷ? (05/04/2013)

>   Tỷ lệ lấp đầy KCN Bà Rịa-Vũng Tàu đạt hơn 33% (05/04/2013)

>   “Đủng đỉnh” như cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp (05/04/2013)

>   Sẽ thêm nhiều dự án dệt, nhuộm năm 2013 (05/04/2013)

>   Gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 (05/04/2013)

>   Tồn kho công nghiệp giảm nhờ tiêu thụ hay còn nguyên nhân khác? (05/04/2013)

>   Thu hút FDI đừng “túm” nhỏ bỏ lớn (05/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật