Thu hút FDI đừng “túm” nhỏ bỏ lớn
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, dường như chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đang tạo sức cạnh tranh tốt cho những DN FDI nhỏ, vốn khó cạnh tranh ở bản địa. Điều này vô hình trung đang đẩy dần những DN lớn xa Việt Nam.
Nhìn chung, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Cả giai đoạn 1988-2011, trung bình mức đầu tư của mỗi dự án là 15,4 triệu USD, trong khi năm 2011 giảm xuống còn 13,47 triệu USD. Đây là con số rất đáng quan ngại được công bố trong Bản báo cáo tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong khoảng 25 năm “đi tìm” vốn ngoại, mất vài năm đầu, nhà đầu tư kéo vốn vào Việt Nam chỉ là kiểm nghiệm một môi trường kinh doanh mới, chưa rõ độ rủi ro. Nhưng kể từ sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, nhiều DN lớn, có tên tuổi trên thế giới bắt đầu xây dựng các cơ xưởng tại Việt Nam, mà trong dòng chảy đó có nhiều thương hiệu thế giới như Honda, Toyota, Ford... Sức hút từ các DN lớn này đã từng kéo về nhiều DN vệ tinh làm phanh, ghế, săm lốp, hay hệ thống dây điện... Nhưng, xu hướng này đã không giữ được lâu.
Quá ưu ái các DN nhỏ, DN FDI lớn sẽ không đầu tư
|
Sang đến giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO, nhiều dự án quy mô tỷ USD đã xuất hiện, nhưng chiếm phần khá lớn là những khoản đầu tư vào các lĩnh vực mang tính “chụp giật” cao, như bất động sản, khai thác khoáng sản... Nhưng nhiều dự án đến nay chỉ còn trên giấy. “Tỷ lệ dự án giải thể trước thời hạn, dự án xin giãn tiến độ, các dự án chậm triển khai, dự án có nhà đầu tư bỏ trốn tương đối cao, khoảng 1.000 DN, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, gây lãng phí nguồn lực đất đai và bức xúc trong xã hội”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, dường như chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đang tạo sức cạnh tranh tốt cho những DN FDI nhỏ, vốn khó cạnh tranh ở bản địa. Điều này vô hình trung đang đẩy dần những DN lớn xa Việt Nam.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận, các DN nhỏ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ tự nuôi được họ, đến lúc khó khăn lại kéo về nước. Trong khi, một DN lớn đầu tư vào có thể kéo theo những DN khác, và chính các DN này sẽ tạo thành một chuỗi sản xuất, và cung ứng, có sức lan tỏa rất mạnh cho nền kinh tế, đồng thời “cải tạo” và nâng cấp năng lực DN trong nước như mục tiêu ban đầu về thu hút FDI đã đề ra.
Bởi vậy, ông Thiên cho rằng, nếu Việt Nam dành không gian ưu ái DNNVV quá nhiều, các DN lớn sẽ không vào đầu tư, vì “họ sẽ nhìn nhận Việt Nam chắc chỉ chơi với tầm cỡ ấy”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay mới có khoảng 100 trên tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới có mặt ở Việt Nam, trong khi Trung Quốc là 400. “Dòng đầu tư từ các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn, nếu so với đầu tư của các nước này vào Thái Lan, Indonesia, Malaysia”, bộ này cho biết. Theo số liệu điều tra, chỉ có khoảng 5-6% DN FDI tại Việt Nam sử dụng công nghệ cao, 80% sử dụng công nghệ trung bình, một số ít sử dụng công nghệ lạc hậu.
Xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân từ việc các địa phương sau khi được phân cấp về cấp phép đầu tư đang “đua nhau” kéo dự án về tỉnh mình. Trường hợp thu hút đầu tư Nhật Bản là ví dụ điển hình. Ông Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong năm 2012 đã có rất nhiều địa phương sang Nhật Bản xúc tiến đầu tư. “Có tuần 4 - 5 địa phương cùng đến, dứt khoát mời Đại sứ tới dự, tôi cũng ái ngại. Không lẽ đến địa phương này không đến địa phương khác...”, ông Hưng nói.
Trong “cuộc đua” đó, theo ông Thiên, các địa phương Việt Nam đang dùng “mẹo” hạ giá như thuế thấp, tiếp cận đất đai dễ dàng, nhân công giá rẻ… tức là làm cho mình thiệt đi để DN FDI được lợi. “Các tỉnh của Việt Nam hì hục cạnh tranh với nhau để tự hạ giá mình xuống, mà như nhiều chuyên gia hay nói là cuộc cạnh tranh cùng xuống đáy”, ông Thiên cảnh báo.
Cũng bởi, lâu nay các địa phương đã cấp phép và cho triển khai quá nhiều khu công nghiệp, quá nhiều dự án phát triển ngành. Đất đai đã chót thu hồi, áp lực hiện nay với chính quyền địa phương là phải nhanh chóng hút các DN FDI để lấp đầy. Như vậy, cuộc cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam không phải với một nước khác, mà cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Tất nhiên, DN dù lớn hay nhỏ, trong nước hay nước ngoài cũng đều cần những ưu đãi nêu trên, nhưng khuynh hướng của những DN lớn có phần khác, khi quan tâm hơn đến những yếu tố căn bản và dài hạn hơn. Chẳng hạn như môi trường vĩ mô phải thông thoáng, cởi mở, minh bạch; chính sách nhất quán… “Cho nên để kéo DN lớn tham gia vào sân chơi của mình thì lại rất cần những tiêu chí này”, ông Thiên lưu ý.
Và như vậy, để thu hút các DN FDI quy mô lớn thì Việt Nam cần phải có một tầm nhìn xa hơn nữa và phải bảo đảm với các nhà đầu tư lớn rằng, “chân dung” của Việt Nam trong tương lai sẽ là nền kinh tế mà ở đó, các DN cần khai thác và sẽ có vị trí của riêng mình, được tạo điều kiện thuận lợi trong một môi trường kinh doanh tốt để DN hoạt động hiệu quả, ông Thiên nói.
“Đến thời điểm này, chúng ta cần phải có kế hoạch thu hút DN FDI có trọng điểm, đấy là các DN lớn, những DN dẫn đầu vào Việt Nam”, ông Thiên nêu quan điểm và phân tích thêm: “Bây giờ chỉ có làm ngược lại, khuyến khích DN lớn thì sẽ lôi kéo thêm nhiều DN nhỏ cùng vào. Còn cứ hoan hô rồi sốt ruột để lấp đầy các khu công nghiệp thì DN lớn sẽ không vào”.
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|