Thứ Năm, 04/04/2013 13:24

Xuất khẩu tăng, nhiều lo ngại

Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ 2012 - vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiếp tục là động lực của tăng trưởng. Bên cạnh những con số bề ngoài khá ấn tượng, những dữ liệu chi tiết lại cho thấy xuất khẩu nước ta đang có nhiều điểm đáng lo ngại.

Gạo, thủy sản gặp khó

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng 19,7% là kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm do quý I thường chưa phải thời điểm và mùa vụ xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Trong khi các nước có xu hướng kiện bán chống phá giá, tăng bảo hộ thương mại, gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì DN xuất khẩu cá tra lại cạnh tranh không lành mạnh để xuất khẩu bằng mọi cách. Vì vậy cần phải đặt ra giá sàn xuất khẩu cá tra để buộc DN cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.

Ông Trần Quốc Khánh,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Tính đến hết quý I đã có 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng và phương tiện vận tải. Xuất nhập khẩu của khối DN trong nước bắt đầu khôi phục và trong quý I kim ngạch tăng 10,1%, gần gấp đôi so với mức 5,1% cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch của nhóm này tăng 29,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 68,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại di động tăng cao nhất với 4,49 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá nhiều mặt hàng giảm như nhân điều, gạo, cao su. Kim ngạch xuất khẩu nhóm này giảm 0,3% so với cùng kỳ, chỉ chiếm tỷ trọng 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó nhân điều giảm 23,3% và cao su giảm 23,2%. Chè là mặt hàng duy nhất trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu tăng 8,3% do mức giá tăng 13,6%.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về sản xuất kinh doanh quý I của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, bày tỏ lo ngại 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và cá tra của Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đang gặp nhiều vấn đề về đầu ra.

Đặc biệt gạo trên địa bàn đang tồn kho lớn do thị trường xuất khẩu trầm lắng, dù giá gạo của Việt Nam đã thấp nhất thế giới (chỉ 380-400USD/tấn), thấp hơn 50USD/tấn so với Ấn Độ và một số nước khác. Cá tra cũng đang gặp khó khăn khi giá chỉ 19.000-21.000 đồng/kg, lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg, trong khi diện tích nuôi đang giảm tới 1/3 tại khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, các nhà máy chế biến thiếu vốn trữ hàng khi giá nguyên liệu thấp, nên khi giá cao nhiều DN giảm chất lượng, hạ giá bán để duy trì sản xuất ảnh hưởng uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam.

Lo ngại xuất thô

Ở nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, do giá giảm (456 triệu USD) nên kim ngạch xuất khẩu 3 tháng tăng 1,2% so với cùng kỳ. Đáng lo ngại nguồn tài nguyên thô của Việt Nam đang được đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp những bất lợi về giá. Cụ thể, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch tháng 3 ước đạt 965 triệu USD, tăng 39,5% so với tháng trước và 3 tháng ước đạt 2,63 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Ngoại trừ xăng dầu giảm 21% về lượng và 31,5% về trị giá, xuất khẩu các mặt hàng khác đều tăng mạnh trong bối cảnh giá không thuận lợi. Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, dù kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 7,61 tỷ USD, tăng 32% và 3 tháng đạt 20,4 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ, nhưng tình hình cũng không hẳn lạc quan. Bởi những mặt hàng trong nhóm có kim ngạch tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ tháng 3-2012 là đá quý và kim loại quý tăng 614,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 136,8%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 54,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 44%…

Xuất khẩu nguyên liệu thô tăng trong bối cảnh giá không thuận lợi

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đá quý và kim loại quý tăng mạnh do từ cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế.

Trong nhóm điện thoại và linh kiện, dù kim ngạch tăng trưởng mạnh (đạt hơn 4,48 tỷ USD) và có tác động tích cực vào thành tích xuất khẩu 3 tháng, nhưng theo ông Trần Quốc Khánh, xuất khẩu nước ta đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động của Công ty Samsung Việt Nam.

Theo đó, nếu loại trừ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ra khỏi kim ngạch chung, con số tăng trưởng xuất khẩu quý I chỉ tăng 12% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu tháng 3 giảm mạnh so với 2 tháng đầu năm. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ yếu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng do khó khăn kinh tế, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều trong những tháng còn lại.

Trước những kiến nghị về việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và thủy sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết sắp tới sẽ họp với 13 tỉnh ĐBSCL để tìm các biện pháp hỗ trợ nông dân về gạo và thủy sản.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các vụ chức năng tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 1 nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản và các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu; phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Hà My

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Đột phá công nghiệp mũi nhọn (04/04/2013)

>   Thu hút FDI: Thành tích tỷ đô và niềm tự hào khó nuốt (04/04/2013)

>   Sẽ xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước (04/04/2013)

>   TPHCM: Mức tiêu thụ điện kỷ lục 58,5 triệu kWh/ngày (04/04/2013)

>   Sớm có phương án tái cơ cấu VNPT (03/04/2013)

>   VRG sẵn sàng nhận Vinacafe (03/04/2013)

>   Tôm Việt Nam gặp khó ở Nhật (03/04/2013)

>   Xuất khẩu thủy sản cả nước giảm 8% trong quý I (03/04/2013)

>   “Không để tàu Vinashin, Vinalines bị giữ thành “tàu ma” (03/04/2013)

>   Kinh doanh hàng không ở Việt Nam “tồn tại đã là khó” (03/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật