Chủ Nhật, 28/04/2013 16:20

Tái cơ cấu nền kinh tế: Gian nan “vượt dốc”

Nền kinh tế hiện nay như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu nên phải rẽ sang xa lộ khác. Nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn thì phải qua một chặng đường gập ghềnh và khúc khuỷu.

Quá trình tái cơ cấu chưa đạt được những bước tiến thực tiễn mong đợi.

“Soi” tiến độ tái cơ cấu

Trong cuộc gặp gỡ báo chí cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tỏ ra vui mừng khi cung cấp thông tin về sự tiến bộ của vốn đầu tư công kể từ khi đầu tư công bị đưa vào “tầm ngắm” để chấn chỉnh sau những chuệch choạc làm bức xúc dư luận. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Trong năm kế hoạch 2013 này, 96,5% phần vốn đầu tư có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương, bộ, ngành đã được kiểm soát, tuân thủ Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ còn 4,5% số vốn bố trí chưa đúng Chỉ thị 1792/CT-TTg. Số dự án khởi công mới năm 2013 giảm rất mạnh so với năm 2012 và những năm trước đó.

Tuy nhiên theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tái cơ cấu đầu tư công vẫn chỉ dừng lại ở mức thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, có thể nói chưa có đề án riêng về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Chỉ thị 1792/CT-TTg chỉ nhằm mục đích xử lí một số vấn đề cấp bách trong đầu tư công trong đó chủ yếu giải quyết mâu thuẫn giữa các dự án đầu tư và khả năng bảo đảm nguồn vốn, góp phần sắp xếp lại các dự án đầu tư. “Không thể phủ nhận mặt tích cực của chủ trương này, nó góp phần loại bỏ những dự án kém hiệu quả, tình trạng đầu tư phân tán, đầu tư dở dang chậm đưa vào khai thác gây lãng phí nghiêm trọng đã từng xảy ra nhưng đây chưa phải là một đề án tái cơ cấu thực thụ” - ông Trương Đình Tuyển đánh giá.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Trương Đình Tuyển cho rằng: Chính phủ đã có đề án và nhiều văn bản liên quan đến nội dung này. Điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả của DNNN. Mặc dù vậy, đề án và các văn bản này mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính, phân công lại trách nhiệm thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước theo hướng lập lại mô hình “Bộ chủ quản” một thời đã bị bãi bỏ. Đề án đã khẳng định lại vai trò của DNNN, đặc biệt là của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước trong một nền kinh tế nhiều thành phần. Điểm cốt lõi là không áp đặt kỷ luật thị trường lên tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực ngành nghề mà các DNNN đang độc quyền kinh doanh hoặc chiếm vị thế thống lĩnh, không đặt ra lộ trình các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải công khai minh bạch theo các tiêu chí của công ty niêm yết.

Nhận định về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính, trong đó có tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Nhà nước đang triển khai tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy vậy, kết quả tái cơ cấu cụ thể đối với từng ngân hàng chưa được thông báo và vẫn là một câu hỏi lớn. Ông Cung cũng tỏ ra băn khoăn về hiệu quả thực sự của việc xử lí nợ xấu dù nợ xấu được thông báo đã giảm từ khoảng gần 9% tổng dư nợ xuống còn 6% vào đầu tháng 3-2013.

Ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ: Sau hơn 1 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kết quả thường được thông báo là “hệ thống vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, “thanh khoản được cải thiện”, “nợ xấu không tăng, hay tốc độ tăng giảm…”. Tuy vậy, hình như chưa có cải thiện nhiều trong vai trò của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Đề án vẫn “trên giấy”

Chuyên gia CIEM cho rằng: Các công việc đã làm để tái cơ cấu kinh tế mới chỉ là giai đoạn đầu, chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội, làm cho nguồn lực được sử dụng có hiệu quả hơn, hợp lí và bền vững hơn... Hình như vẫn còn chần chừ, do dự ở các bộ, cơ quan Nhà nước và DN, muốn níu kéo lại những gì đã có nên chưa có những cải cách đáng kể, thực sự theo cơ chế thị trường và hội nhập. Do đó, tuy đã có những khởi đầu quan trọng, nhưng nền kinh tế chưa có động lực mới để phát triển.

Nhìn lại toàn bộ vấn đề tái cơ cấu, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: Thứ nhất, những hoạt động tái cơ cấu thực sự như sáp nhập ngân hàng yếu kém chủ yếu là do sự bức bách của thực tiễn, chứ chưa phải là các hoạt động diễn ra theo lộ trình được định trước, trong khuôn khổ một chương trình đã được thiết kế tổng thể và bài bản. Thứ hai, các hoạt động tái cơ cấu khác chủ yếu đều chỉ dừng lại ở các đề án “trên giấy”, chưa gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán, chưa được triển khai trên thực tế, do đó, chưa có điều kiện để kiểm chứng và đánh giá kết quả. Với những kết quả “khiêm tốn” như vậy, có cơ sở để đánh giá rằng 1 năm qua, quá trình tái cơ cấu chưa đạt được những bước tiến thực tiễn mong đợi. Những trọng điểm tái cơ cấu đã xác định hầu như đều chưa được “động chạm” đến, hệ thống phân bổ nguồn lực cũ hầu như vẫn giữ nguyên cấu trúc và cơ chế vận hành. Các “kênh mương” dẫn vốn, các tập đoàn kinh tế, ngân sách các tỉnh, các ngành, đều chưa có gì thay đổi.

Có vẻ đi ngược lại ý kiến của các chuyên gia, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Nói một cách khách quan, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được đề cập đến cách đây gần 10 năm dưới hình thức này hình thức nọ. Nhưng chúng ta chỉ nhận ra thật cần thiết khoảng 2 năm nay. Điều này cũng mới chỉ manh nha trong một bộ phận lãnh đạo, nhà quản lí. Đây là vấn đề quá lớn của một quốc gia. Do đó, đặt vấn đề là đã được gì, đã làm được nhiều chưa trên thực tế còn hơi sớm. Vấn đề sắp tới là tập trung, quyết liệt trong hành động, biến những gì đang còn là chủ trương, những gì đã được xác định trong đề án, trong chương trình hành động thành việc làm cụ thể, tăng cường kiểm tra, cập nhật tình hình, nắm bắt kịp thời tín hiệu từ cuộc sống để kịp thời uốn nắn, bổ sung.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh:

Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013-2020, việc tái cơ cấu DN, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là mục tiêu ưu tiên từ nay đến 2015. Để hỗ trợ cho việc triển khai đề án này, tôi kiến nghị 9 giải pháp, trong đó có việc sửa đổi ngay những quy định không phù hợp đang cản trở quá trình cổ phần hoá DNNN liên quan đến vấn đề xác định giá trị DN, việc chọn đối tác chiến lược; bán cổ phần ưu đãi cho người lao động… nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, kể cả cổ phần hóa toàn công ty. Mặc dù hiện nay Chính phủ đã dừng việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước và đã giảm bớt một số tập đoàn chuyển sang mô hình tổng công ty, nhưng dù mang tên gọi gì về bản chất vẫn mang tính hành chính, không phù hợp với quy luật phát triển DN. Do đó cần tiếp tục đánh giá, xem xét lại những tập đoàn đã thành lập trong các năm qua, kể cả những đơn vị đã chuyển thành tổng công ty để sắp xếp lại.

Ông Vũ Hoài Bắc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn GHC:

Việc tái cơ cấu sẽ tiến hành chủ yếu dựa trên nội lực của DN (với sự hỗ trợ của tư vấn bên ngoài) và xuất phát từ nội bộ của DN, trên một tập hợp các vấn đề cụ thể, được hệ thống lại và nhận diện. Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp với DN, đặt trong môi trường hoạt động của DN và đặc thù của từng ngành cụ thể. Các vấn đề trước hết cần được xem xét một cách tổng thể trong cấu trúc quản trị DN. Quản trị điều hành một tổng công ty 100% vốn nhà nước, trong một tập đoàn chủ đạo kinh tế nhà nước là một thách thức lớn bởi các mâu thuẫn tiềm ẩn giữa kinh nghiệm quốc tế về quản trị điều hành kinh doanh hướng hiệu quả thị trường với các quy định quản trị điều hành của Chính phủ Việt Nam cho các tập đoàn kinh tế chủ đạo và các tổng công ty trọng điểm. Do vậy, việc tái cấu trúc đòi hỏi dũng cảm quyết đoán, với các văn bản thể chế hóa đầy đủ, có tính đến quyền lợi pháp lí của tổ chức và cá nhân.

TS. Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam:

Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu rất lớn và suốt cả năm 2012 chưa có biện pháp xử lí cơ bản nợ xấu; công tác quản trị, điều hành của một số tổ chức tín dụng còn thấp; năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước còn yếu… Do vậy, rủi ro hệ thống vẫn còn tồn tại và một cuộc khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của vấn đề nợ xấu. Một vấn đề quan trọng là chi phí tái cơ cấu, nhất là chi phí bao nhiêu và lấy từ những nguồn lực nào thì chưa được chỉ rõ trong đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.


Lương Bằng

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Kinh tế 4 tháng nhìn từ ba mục tiêu vĩ mô (28/04/2013)

>   IMF: Kinh tế Việt Nam đang dần được hồi phục (27/04/2013)

>   Lo ngại nguy cơ giảm phát (26/04/2013)

>   Nợ công: Cần minh bạch, rõ ràng (26/04/2013)

>   Kinh tế Việt Nam 2013: Cần chính sách đột phá (25/04/2013)

>   CPI tháng 4 tăng nhẹ: Mừng ít lo nhiều (25/04/2013)

>   Cạn kiệt cầu tiêu dùng và niềm tin thị trường (24/04/2013)

>   Hiệu quả bình ổn giá (24/04/2013)

>   CPI tháng 4 làm ngân hàng ngoại bất ngờ (24/04/2013)

>   Tiền ít vẫn ham dự án mới (24/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật