Thứ Năm, 25/04/2013 13:48

CPI tháng 4 tăng nhẹ: Mừng ít lo nhiều

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4 đã đảo chiều tăng nhẹ 0,02% và là mức tăng thấp nhất so với các tháng 4 kể từ năm 2004 đến nay. Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả khẳng định: "Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua cạn kiệt, hàng tồn kho lớn. Vậy là mừng ít, lo nhiều”.

Tháng 4, có hai nhóm hàng tăng mạnh. Nhóm hàng hóa dịch vụ thiết yếu gồm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,62%, trong đó dịch vụ y tế tăng 4,51%; giao thông tăng 1,2%.

PV: CPI tháng 4 chỉ tăng nhẹ là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm trọng số lớn nhất (gần 40%) trong rổ hàng hóa chung tiếp tục giảm 0,91%. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả thống kê này không hợp lý vì trên thực tế, nhiều giá dịch vụ ăn uống tăng, Vậy còn quan điểm của ông thì sao?

Ông Ngô Trí Long: Một vài nhóm hàng này có thể tăng, nhóm hàng kia có thể giảm, nhưng khi Tổng cục thống kê đã điều tra toàn diện, thì số liệu này có thể đáng tin cậy, và nó tương đối đúng thực trạng. Mức tăng 0,91% nếu so với cùng kỳ năm trước mà tăng 22% là quá thấp.

Thưa ông, CPI bốn tháng qua chỉ tăng 2,41%. Vậy mục tiêu đưa lạm năm 2013 dưới 6,80 % liệu có đạt được không?

Nhìn chung diễn biến CPI 4 tháng vừa qua thì có thể thấy chỉ tiêu này có thể đạt được. Vì theo quy luật tiêu dùng, tháng 1 và 2 thường có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất, năm nay lại tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm. Năm 2013 có nhiều cái khác, CPI giảm vào tháng 3 và giữ đà tương đối ổn định trong tháng 4 này.

Nguyên nhân của sự ổn định chủ yếu là do sức mua cạn kiệt, hàng tồn kho lớn. Sức mua, hàng tồn kho và chỉ số giá tiêu dùng lại có mối quan hệ hữu cơ. Khi sức mua thấp, hàng tồn kho tăng cao, nhiều doanh nghiệp bán đại hạ giá để cắt lỗ, nhằm bảo toàn vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể. Số liệu cũng chỉ ra, trong quý I: số doanh nghiệp thành lập mới bằng số doanh nghiệp giải thể. Đây là biểu hiện không đáng mừng, mặc dù chỉ số lạm phát ổn định và giảm. CPI tháng 4 cho thấy: mừng ít lo nhiều.

Tại sao?

Mừng là chỉ số giả ảnh hưởng tốt đến sản xuất kinh doanh. Đáng lo là ở chỗ chỉ số giảm ổn định không phải do chất lượng, do năng suất, do sản xuất phát triển mà ngược lại, do sản xuất đình đốn, hàng tồn kho lớn. Bên cạnh đó, hàng nước ngoài tràn. Đã đến lúc chúng ta cần có những cảnh báo, những giải pháp kịp thời để làm sao vừa kiểm soát được lạm phát, nhưng cũng đẩy mạnh, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng thưa ông, vừa đạt được tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát là điều mơ ước của nhiều quốc gia chứ không phải của riêng nền kinh tế Việt Nam…

Theo tôi nghĩ, đạt được thì có khả năng, nhưng đạt được với điều kiện nào mới là quan trọng. Chúng ta phải thay đổi được quan điểm chính sách trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Bối cảnh hiện nay, nếu cứ bình ổn tổng cầu mãi, dẫn đến lạm phát thấp, sản xuất suy giảm, tăng trưởng khó khăn thì sẽ là tín hiêu không vui đối với cả lĩnh vực sản xuất và cả với người tiêu dùng. Bởi vậy, quan điểm của chúng ta là phải chuyển từ bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung. Trọng cung ở đây là phải thúc đẩy để sản xuất phát triển nhanh, bền vững và ổn định.

Trọng cung phải dựa vào việc giảm thuế, giảm phí. Vấn đề này QH đã nhìn ra, và có chính sách giảm thuế rất lớn. Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng ta đang phân vân là chưa biết nên đưa về mức nào. 23%, 22% hay 20%. Chúng ta muốn thu thuế để tăng ngân sách nhưng phải có cách nuôi dưỡng nguồn thu. Đừng nghĩ rằng mỗi mức thuế suất giảm 1% thì Nhà nước sẽ thất thu bao nhiêu, mà phải tiên liệu có nguồn để thu hay không.

Biện pháp thứ 2 là tạo ra thị trường vốn hết sức thông thoáng, kết hợp với việc điều tiết giá hợp lý. Nhiều quan điểm hiện nay là mỗi khi CPI giảm, ổn định thì các ông lớn độc quyền điện, xăng, than coi đây là thời cơ tranh thủ điều chỉnh giá. Đưa giá theo thị trường là tốt nhưng mặt khác nó cũng cũng tạo khó khăn cho doanh nghiệp nếu như giá đầu vào tăng liên tục.

Cùng đó là phải cải tiến, nâng cao chất lượng cũng như năng suất, hiệu quả cuả doanh nghiệp. Ngoài việc phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, không để DNNN giữ vai trò chủ đạo nữa mà nên đưa nó thành công cụ hỗ trợ cho nền kinh tế. Đặc biệt chúng ta phải chống thất thoát, dùng chế tài thật mạnh để loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống kinh tế xã hội.

Hồ Hương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Cạn kiệt cầu tiêu dùng và niềm tin thị trường (24/04/2013)

>   Hiệu quả bình ổn giá (24/04/2013)

>   CPI tháng 4 làm ngân hàng ngoại bất ngờ (24/04/2013)

>   Tiền ít vẫn ham dự án mới (24/04/2013)

>   CPI cả nước tháng 4 tăng 0.02% (24/04/2013)

>   CPI thấp chưa hẳn đã mừng (24/04/2013)

>   Nợ công có đáng ngại ? (23/04/2013)

>   Đổi mới để tồn tại và phát triển (23/04/2013)

>   CPI hai thành phố lớn tiếp tục giảm (22/04/2013)

>   Tỉ lệ thất nghiệp TP.HCM cao nhất nước (22/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật